Khi hai đại công ty hàng không sáp nhập

17/04/2008 00:32 GMT+7

Hai hãng Delta Air Lines và Northwest Airlines của Mỹ đã đồng ý sáp nhập để tạo thành hãng hàng không lớn nhất thế giới.

Từ lỗ đến lợi nhuận 1 tỉ USD/năm

Theo Hãng tin Bloomberg, Delta và Northwest đã đồng ý sẽ sáp nhập lại với nhau theo một thỏa thuận trị giá 3,63 tỉ USD. Theo hợp đồng sáp nhập, mỗi cổ phần của Northwest sẽ được trao đổi bằng 1,25 cổ phần của Delta. Hãng hàng không mới với tên gọi là Delta sẽ có doanh thu hằng năm là 31,7 tỉ USD và khoảng 75.000 nhân viên. Nó sẽ điều hành một đội bay gồm 800 chiếc với hơn 390 điểm đến ở 67 quốc gia. Trụ sở chính của Delta mới được đặt tại thành phố Atlanta. Thỏa thuận được 2 hãng công bố hôm 14.4 sẽ đẩy Hãng American Airlines xuống vị trí thứ hai về số lượng hành khách vận chuyển, và lợi nhuận hằng năm của Delta mới được dự kiến vào khoảng 1 tỉ USD. Tổng giám đốc điều hành của Delta Richard Anderson sẽ vẫn giữ vị trí này sau khi sáp nhập. Delta sẽ có các văn phòng điều hành ở Atlanta, Minneapolis-St. Paul, New York, Amsterdam, Paris và Tokyo. Nhiều năm lỗ lã đã buộc Delta và Northwest nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào ngày 14.9.2005, nhưng cả hai đã gượng dậy cách đây 1 năm.

Ngành hàng không hiện đang phải chống chọi với việc giá nhiên liệu tăng cao dưới tác động trực tiếp của giá dầu, vốn đã tăng đến mức cao kỷ lục gần 114 USD/thùng vào hôm 15.4. Áp lực chi phí cùng với một nền kinh tế Mỹ đang suy yếu đã đẩy các hãng hàng không vào tình thế ngày càng khó khăn, đe dọa dẫn đến một sự suy sụp nghiêm trọng tương tự như những gì đã xảy ra với ngành hàng không sau sự kiện nước Mỹ bị tấn công vào ngày 11.9.2001. Theo Hãng tin AP, trong những tuần gần đây, các hãng hàng không Mỹ như Frontier Airlines, ATA Airlines, Skybus Airlines và Aloha Airlines đã xin bảo hộ phá sản. Hãng Champion Air cũng dự định đóng cửa và Hãng MAXjet Airways đã phá sản hồi tháng 12.2007. Bằng cách mua lại Northwest, Delta hy vọng có thể hóa giải tác động của việc giá nhiên liệu tăng cao, nhưng không chỉ có thế. "Sáp nhập Delta với Northwest là cách hữu hiệu nhất để bù lỗ giá nhiên liệu cao và nâng cao hiệu quả, tăng cường sự hiện diện quốc tế và tài trợ cho các hoạt động đầu tư lâu dài", ông Anderson bày tỏ tham vọng của Delta khi công bố thỏa thuận sáp nhập hôm 15.4. Delta mới cũng tự tin sẽ cạnh tranh tốt hơn với các hãng hàng không nước ngoài đang muốn mở rộng hoạt động sang thị trường Mỹ, đặc biệt là các hãng châu u muốn tận dụng thỏa thuận bầu trời mở Mỹ-EU vừa có hiệu lực.

Những hệ lụy sau "hôn nhân"

Cũng theo AP, các nhà quản lý của Delta và Northwest cho biết họ muốn hoàn tất thỏa thuận vào cuối năm nay, nghĩa là trước khi chính quyền của Tổng thống Mỹ George W.Bush mãn nhiệm. Không ít nhà lập pháp đã chỉ trích cuộc "hôn nhân" Delta-Northwest, cho rằng điều đó sẽ làm giảm cạnh tranh và dẫn đến việc tăng giá vé. Nhưng Quốc hội Mỹ hầu như không thể ngăn chặn một cuộc giao dịch như thế, và phần lớn chuyên gia cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ sẽ phê duyệt kế hoạch sáp nhập.

Thách thức lớn nhất cho việc sáp nhập Delta với Northwest lại xuất phát từ mối quan hệ giữa giới quản lý và công nhân, vốn rất khác nhau giữa 2 hãng hàng không. Sự khác biệt này được phản ánh rõ ràng ngay sau khi 2 hãng công bố ý định sáp nhập hôm 14.4. Phi công của Delta ủng hộ, trong khi phi công của Northwest phản đối. Chỉ 15 phút sau khi thỏa thuận được công bố, nghiệp đoàn đại diện cho đa số nhân viên mặt đất của Northwest đã thề chống lại thỏa thuận. Các nhà đầu tư đã phản ứng tiêu cực với kế hoạch sáp nhập Delta-Northwest sau khi 2 hãng này tuyên bố không cắt giảm thêm các chuyến bay nội địa, một dấu hiệu có thể khiến mục tiêu cắt giảm chi phí và tăng doanh thu của việc sáp nhập trở nên khó đạt. Hôm 15.4, cổ phiếu của 2 hãng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các chuyên gia nhận định rằng kế hoạch sáp nhập Delta-Northwest có thể sẽ châm ngòi cho hàng loạt cuộc “hôn nhân”  khác giữa các hãng hàng không Mỹ nhằm tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu để khắc phục tình trạng giá nhiên liệu tăng và nền kinh tế Mỹ đang yếu kém. Các hãng hàng không nhiều khả năng theo đuôi Delta và Northwest là United Airlines và Continental Airlines. Theo AP, các nhà quản lý của Continental hôm 15.4 cho biết hãng này vẫn muốn độc lập, nhưng cảnh báo "bối cảnh đang thay đổi" và rằng hãng sẽ "xem xét các lựa chọn chiến lược khác". Giới quản lý Continental không cho biết họ có thể xem xét điều gì, nhưng hãng này từng đàm phán với United Airlines trong quá khứ. Một sự sáp nhập giữa Continental với United có thể sẽ tạo ra một hãng hàng không lớn hơn cả Delta-Northwest. Ngoài United, Continental cũng đang thăm dò khả năng sáp nhập với hãng hàng không giá rẻ Alaska Air Group.

Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, trong năm 2007, Hãng American Airlines đã vận chuyển được 98.162.000 hành khách, đứng đầu thế giới về số hành khách vận chuyển. Hãng Delta Air Lines đứng thứ 2 với 72.900.000 hành khách còn Northwest Airlines đứng thứ 7 với 53.700.000 hành khách. Nếu tính về đội bay, đến cuối năm ngoái, American đứng đầu với 653 máy bay, Air France-KLM với 589 chiếc, Delta đứng thứ 3 với 578 máy bay.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.