Toàn làng phong hiện có trên 365 hộ gia đình và 470 bệnh nhân, nhưng không phải ai cũng có tiền để sắm điện thoại. Mỹ Dung kể rằng mỗi ngày phải nhận rất nhiều cuộc gọi, từ nước ngoài cho tới các tỉnh hay trong cùng thành phố gọi tới. Đó là người thân của bệnh nhân đang sinh sống tại nơi đây. Thông thường, ai có người gọi đến dù đang làm gì cũng nhanh chóng chạy đến nhận cuộc gọi hỏi thăm về cuộc sống lẫn bệnh tình. Có nhiều cuộc gọi từ Anh, Mỹ... muốn nói chuyện với người nhà hiện đang chữa trị tại làng phong nhưng quên mất họ tên thật, chỉ nhớ mang máng bí danh hay tên gọi ở nhà, nhiệm vụ của cô nhân viên 19 tuổi này là tức thì phải nhớ ngay người mà bên kia đầu dây cần gặp để tiết kiệm chi phí gọi đường dài cho họ.
Dung tâm sự: "Mảnh đất này đã quá nhiều nỗi buồn, bây giờ có người thân ở xa gọi đến, sao không mừng được hả anh? Mỗi lần chuông reo là em cũng vui vì biết bà con mình vẫn được gia đình, mọi người quan tâm chứ không còn sợ căn bệnh này như ngày trước". Cách đây chưa lâu, một người ở Úc nói là bà con của bệnh nhân Nguyễn Thị Giận và cần gặp gấp bà ấy. Chỉ biết rằng, sau cuộc nói chuyện ấy bệnh nhân này khóc sướt mướt vì xúc động qua bao nhiêu năm không gặp được em mình và cảm ơn Mỹ Dung vì đã nhận cuộc gọi lúc nửa đêm.
Mỹ Dung là con đầu của bệnh nhân Lê Văn Đó và Phan Thị Mỹ Hạnh. Ba quê ở Quảng Nam, mẹ ở Nha Trang nhưng họ gặp nhau tại nơi điều trị và chọn nơi đây làm mảnh đất vun xới nên hạnh phúc cho mái ấm của riêng mình. Tốt nghiệp cấp 3 trường THPT Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn) cùng con em các bệnh nhân phong khác, năm trước Mỹ Dung thi vào trường CĐ Y tế Khánh Hòa với mơ ước quay về phục vụ lại bà con ở làng phong, nhưng không may kết quả thi thiếu một điểm. Đến kỳ thi năm nay, Mỹ Dung lại đăng ký tiếp tục vào nguyện vọng năm trước. "Khi nào không có ai gọi, em tranh thủ lấy sách vở ra học và tự giải đề thi. Nếu đậu cao đẳng, xa công việc trực điện thoại cũng nhớ lắm chứ, nhưng em thích công việc chăm sóc mọi người hơn" - cô gái nhỏ nhắn tâm sự.
Hà Tiên
Bình luận (0)