Thức ăn đường phố...
Các nhà chuyên môn định nghĩa về thức ăn đường phố như sau: đó là những đồ ăn thức uống đã được làm sẵn, hoặc được chế biến nấu nướng tại chỗ, có thể ăn ngay và được bày bán trên đường phố, vỉa hè... Tại buổi nói chuyện truyền thông mới đây về chủ đề "Vệ sinh an toàn thực phẩm thức ăn đường phố" ở Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM, thạc sĩ Đào Mỹ Thanh (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) nói: cả người lớn và trẻ con đều thích ăn thức ăn đường phố là vì tính thuận tiện của nó, nguồn thức ăn đa dạng, rẻ tiền, thích hợp cho số đông người dân; đáp ứng cơ bản hai bữa sáng và trưa cho người làm công ăn lương, thích hợp cho khách du lịch, vãng lai...
Người ta chia thức ăn đường phố làm 5 nhóm, gồm: bán thực phẩm chứa trên xe lưu động, bưng, gánh... (gọi chung là hàng rong); quầy, gian hàng thức ăn chỉ là một điểm trên vỉa hè, góc phố, đầu hẻm; thức ăn được bày bán ở nơi có gian nhà cố định, có quy mô phục vụ nhỏ; thức ăn được bán ở nơi có tòa nhà cố định, quy mô phục vụ lớn hơn; thức ăn được chế biến theo thời vụ (chế biến một nơi) rồi mang đến một nơi khác để phục vụ. Bên cạnh tính tiện lợi cho người sử dụng, thì thức ăn đường phố còn có ưu điểm là tạo nguồn thu nhập cho nhiều người.
...Và mối nguy
Thức ăn đường phố tiện dụng, nhưng cũng nhiều mối nguy - Ảnh: Khánh Vy |
Người bán thức ăn đường phố thường không (hoặc ít) hiểu biết về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; hạ tầng cơ sở kém, đường sá, vỉa hè nhiều bụi bặm; nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm gần như nằm ngoài vùng kiểm soát của cơ quan chức năng; việc bảo quản, chế biến thức ăn đường phố cũng thường không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh... đó là những mối nguy lớn cho sức khỏe người sử dụng, dễ dẫn đến các bệnh lây qua đường ăn uống, ngộ độc thực phẩm... Theo thạc sĩ Đào Mỹ Thanh, thức ăn đường phố ẩn chứa nhiều mối nguy là do nguyên liệu tươi sống thường dễ bị nhiễm vi sinh, đặc biệt người bán thường mua loại kém chất lượng để có giá rẻ. Nước uống cũng dễ nhiễm vi sinh, nhất là nước đá. Dụng cụ chứa thức ăn ở những nơi bán thức ăn đường phố thường không đảm bảo vệ sinh, dễ làm ô nhiễm cho thức ăn, cũng như thức ăn không được che đậy, hay có tủ chứa đảm bảo, trong khi đường sá thì khói bụi ô nhiễm. Mối nguy nữa là, phần lớn thức ăn đường phố được bày bán ngay trên mặt đất, gần với cống rãnh, hố ga... cũng dễ khiến đồ ăn thức uống bị ô nhiễm...
Để giữ cho sức khỏe của mình, người tiêu dùng cần phải biết lựa chọn thức ăn đường phố. Chọn nơi bày bán xa nguồn ô nhiễm; chỗ bày bán sạch sẽ, thực phẩm chín ăn liền được che đậy kín, hâm nóng, bảo quản lạnh hợp vệ sinh; nơi bán có tủ, kệ, hộp đựng sạch sẽ; có kẹp gắp thực phẩm (loại chín ăn liền), dụng cụ múc nước đá hợp vệ sinh; người bán thức ăn đường phố có dùng bao tay khi bốc trực tiếp thức ăn...
Thanh Tùng
Bình luận (0)