“Giải mã” Phạm Xuân Ẩn

21/04/2008 01:29 GMT+7

Kỳ 12: Trở thành nhà báo Mỹ Yêu cầu khẩn thiết của cấp trên lúc này là: Phải nắm được ý đồ mở rộng chiến tranh, các biện pháp chiến lược, các kế hoạch quân sự của Mỹ trong từng thời gian, trên các chiến trường Việt Nam và Đông Dương... Và Phạm Xuân Ẩn đã gửi về nguyên bản Kế hoạch quân sự của Mỹ do tướng Westmoreland ký, tiếp đó là nguyên bản Kế hoạch bình định mới mang tên Kế hoạch "Ấp tân sinh"...

Trong những tài liệu nguyên bản gửi về thời điểm này, hầu hết là do Phạm Xuân Ẩn tự lấy thông qua giới chức cao cấp Mỹ và những người cầm quyền mới. Riêng tài liệu AD8, do em ruột ông Ẩn lấy giúp. Người em của Phạm Xuân Ẩn làm việc tại Văn phòng của Hoàng Xuân Lãm, sư trưởng Sư đoàn 2 đóng ở Kontum, nhân lúc trực đêm thấy tài liệu này, biết là anh mình rất cần giao cho cách mạng, nên đã chép nguyên văn rồi mang về Sài Gòn giao cho Phạm Xuân Ẩn.

 "Không báo cáo theo khẩu vị cấp trên", là nhận xét của thiếu tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí) nguyên Thủ trưởng cơ quan tình báo miền về Phạm Xuân Ẩn mà chúng tôi đã đề cập trong loạt bài trước đây. Thời kỳ này (1964) trên chiến trường, Quân giải phóng phát triển ngày càng mạnh sau chiến thắng Ấp Bắc. Địch ngày nào cũng mất một vài đồn bót, tuần nào cũng mất một quận lỵ hoặc ít nhất 1 tiểu đoàn bị loại khỏi vòng chiến đấu. Ở Sài Gòn, các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ. Theo ông Sáu Trí, do đà thắng lợi trên chiến trường, nên việc chỉ đạo công tác tình báo hồi đó có khuynh hướng nhấn mạnh đến việc Mỹ thua, nhưng Phạm Xuân Ẩn trong các báo cáo của mình, đã thẳng thắn nói rằng ông không thấy dấu hiệu gì là Mỹ chịu thua cả.

Ông khẳng định dứt khoát trong báo cáo gửi về cấp trên: Mỹ sẽ đưa quân sang. Thông tin này ông đã lấy được từ Rufus Philips và các sĩ quan CIA trong Bộ Chỉ huy MACV, có phối kiểm qua các nguồn tin cao cấp khác của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Sòn. Thông tin này ban đầu cũng có người chưa tin, nhưng những tài liệu tiếp theo ông gửi về đã chứng minh chắc chắn.

Nội bộ chính quyền Sài Gòn lúc này hết sức lủng củng, giới cầm quyền bị thay đổi xoành xoạch. Sau hai cuộc "Chỉnh lý" của Nguyễn Khánh, ngày 13.9.1964, tướng Dương Văn Đức tiến hành đảo chính lật đổ Nguyễn Khánh nhưng thất bại, tạo thêm cơ hội cho Nguyễn Khánh thâu tóm luôn 3 ghế quyền lực cao nhất: Chủ tịch Hội đồng quân lực, Thủ tướng Chính phủ và Tổng trưởng Quốc phòng.

Thẻ hoạt động báo chí của Phạm Xuân Ẩn do Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ (MACV) cấp

Nhưng do sức ép của người Mỹ, ngày 1.11.1964, Nguyễn Khánh buộc phải thành lập chính phủ dân sự do Trần Văn Hương làm Thủ tướng, Phan Khắc Sửu làm Quốc trưởng.

Tiếp đó, ngày 19.2.1965, thiếu tướng Lâm Văn Phát và đại tá Phạm Ngọc Thảo tiến hành đảo chính nhưng không thành công. Các tướng Nguyễn Chánh Thi, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ chống lại đảo chính. Sự thất bại của cuộc đảo chính này đã đưa trung tướng Nguyễn Văn Thiệu nắm chức Chủ tịch Hội đồng quân lực và đưa bác sĩ Phan Huy Quát lên làm Thủ tướng thay Trần Văn Hương...

Sở dĩ các cuộc đảo chính, các biến cố xảy ra triền miên và tất cả các biến cố đó đều có bàn tay của CIA, là do người Mỹ vẫn chưa chọn được một nhân vật có thể "bình ổn" được chính trường để thực hiện các kế hoạch của Mỹ. Về phía ta, các điệp viên (như Phạm Ngọc Thảo) được chỉ thị tham gia khoấy động chính trường nhằm làm suy yếu cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn để hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân, tạo thế tấn công cho Quân Giải phóng trên chiến trường. Nói về sự biến động hồi đó, ông Ẩn bảo nếu người Mỹ không muốn thì không có cuộc đảo chính nào diễn ra được, bằng chứng là sau này khi đã "chọn được Nguyễn Văn Thiệu" thì tất cả các cuộc đảo chính đều bị "bóp chết trong trứng nước".

Rút kinh nghiệm những biến cố xảy ra dồn dập, Phạm Xuân Ẩn thấy rằng nếu đi sâu vào một phe nhóm nào đều hết sức nguy hiểm, mặc dù ông có "bình phong" khá an toàn. Đồng thời ông cũng nhận thấy rằng, khi Mỹ đưa quân xâm lược vào thì "bình phong" Reuters của ông sẽ không còn thích hợp, vì lúc đó thế lực của truyền thông Mỹ sẽ mạnh áp đảo. Nếu ông làm báo Mỹ thì điều kiện tiếp cận với các tướng lĩnh Mỹ cũng như với giới cầm quyền Sài Gòn sẽ tốt hơn, không chỉ đối với tin tức mà cả với việc mở rộng quan hệ. Vì vậy, ông chuyển sang làm phóng viên cho nhật báo The NewYork Herald Tribune, cùng với một đồng nghiệp người Mỹ - nữ ký giả Bervely Deepe.

Vừa nhận việc với tờ The NewYork Herald Tribune thì Giám đốc Quỹ Á châu Thomas Howard thuyết phục ông Ẩn về làm phụ tá cho ông ta. Ông Thomas Howard nói với Phạm Xuân Ẩn rằng cơ quan này đang mở rộng phạm vi hoạt động và rất cần một người cộng sự tin cậy như ông Ẩn. Ông Ẩn biết cơ quan này được CIA yểm trợ, nên hẹn sẽ nghiên cứu rồi trả lời. Mấy hôm sau, Howard mời ông đi ăn để thảo luận, nhưng trước giờ hẹn, ông ta đã bị thương nặng do một cuộc đánh bom của đặc công ta vào Sài Gòn, cuộc đánh bom đó được coi là "món quà dành cho Westmoreland" mới sang nhậm chức chỉ huy quân đội Mỹ.

Trở thành một nhà báo Mỹ, hoạt động của Phạm Xuân Ẩn thuận lợi hơn nhiều so với trước, nhất là trong quan hệ đối với những người cầm quyền mới đang bị "thay đổi xoành xoạch". Chẳng hạn như đối với Nguyễn Khánh. Khi còn làm Chủ tịch Hội đồng quân lực, Nguyễn Khánh "rất tín nhiệm" ký giả Bervely Deepe, do đó cũng tín nhiệm ông Ẩn. Ông Ẩn bảo những bài viết của nữ ký giả này là "rất chính xác" nên có ảnh hưởng trong dư luận Mỹ, được Quốc hội Mỹ quan tâm. Nguyễn Khánh coi trọng bà vì ông ta cần tiếng nói của báo chí Mỹ bênh vực quan điểm của ông ta đối phó lại tướng Maxwell Taylor. Khi cần, Nguyễn Khánh đích thân gặp bà Deepe hoặc sai Phạm Quang Tước, người chỉ huy tình báo đến gặp bà Deepe hoặc ông Ẩn để cung cấp tin tức.

Sau khi dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", ngày 7.8.1964, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết cho phép chính quyền Johnson leo thang chiến tranh, ném bom miền Bắc. Và ngày 8.3.1965, 2 tiểu đoàn của Lữ đoàn viễn chinh thủy quân lục chiến số 9 của Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, mở đầu việc Mỹ trực tiếp xâm lược Việt Nam, đánh dấu việc chuyển từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. Những tin tức mà Phạm Xuân Ẩn gửi về là hoàn toàn chính xác.

Lính Mỹ đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng năm 1965 - (Nguồn: talkingproud.us)

Yêu cầu khẩn thiết của cấp trên lúc này là: Phải nắm được ý đồ mở rộng chiến tranh, các biện pháp chiến lược, các kế hoạch quân sự của Mỹ trong từng thời gian, trên các chiến trường Việt Nam và Đông Dương... Và Phạm Xuân Ẩn đã gửi về nguyên bản Kế hoạch quân sự của Mỹ do tướng Westmoreland ký, tiếp đó là nguyên bản Kế hoạch bình định mới mang tên Kế hoạch "Ấp tân sinh"... (còn tiếp)

H.H.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.