Sách giáo khoa dài dòng...

21/04/2008 22:08 GMT+7

Sách giáo khoa (SGK) là "khuôn vàng thước ngọc" trong sự nghiệp trồng người. Song trên thực tế, SGK hiện nay vẫn còn lắm chuyện để bàn.

Khó phổ biến đại trà!

Năm học 2007-2008, học sinh (HS) lớp 7 trong cả nước phải học chính khóa 10 môn trong đó có môn Công nghệ nông nghiệp. SGK này dày hơn 160 trang do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2006. Nội dung bao gồm 4 phần: trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản với tổng cộng 56 bài lý thuyết, thực hành. Xem cơ cấu bài dạy của Công nghệ nông nghiệp 7, chúng tôi nhận thấy nội dung chương trình quá nặng, nhiều kiến thức chuyên sâu chưa thật sự cần thiết đối với HS khối 7.


Ông Nguyễn Thanh Hải

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Hải (một phụ huynh ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) nêu ra hàng loạt bài dạy được xem là "quá tầm". Ông gạch dưới các tên bài: Một số tính chất chính của đất trồng (bài 3); Biện pháp sử dụng, cải tạo và bảo vệ đất (bài 6); Cách sử dụng và bảo quản các loại phân bón thông thường (bài 9);  Thực hành xác định sức nảy mầm và tỷ lệ nảy mầm của hạt giống (bài 18); Thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản (bài 20); Gieo hạt và chăm sóc vườn gieo ươm cây rừng (bài 24);  Khai thác rừng (bài 28);  Bảo vệ và khoanh nuôi rừng (bài 29); Sự sinh trưởng và phát dục của vật nuôi (bài 32); Nhân giống vật nuôi (bài 34)... Theo ông Hải, nội dung cơ cấu chương trình như vậy là quá nặng. Quyển sách này không thể áp dụng đại trà cho tất cả HS các vùng miền. Những nơi không có biển thì làm sao dạy "đánh bắt chế biến thủy sản". Vùng núi đá thì lấy gì làm giáo cụ trực quan khi lên lớp dạy bài trồng lúa nước? Học sinh được trang bị kiến thức càng nhiều thì càng tốt nhưng không nên nhồi nhét theo cách như Công nghệ nông nghiệp 7 đang áp dụng.

Là một người có trên 35 năm làm công tác quản lý và giảng dạy các môn thuộc khối khoa học xã hội, ông Đào Xuân Kiểu, nguyên Hiệu trưởng trường THPT bán công Phan Ngọc Hiển (TP Cần Thơ) cho rằng nan giải nhất là giáo cụ trực quan không có. Hiện nay, giáo viên và nhà trường buộc lòng phải dạy đối phó, dạy chay. Dạy công nghệ phần lớn nghiêng về kỹ năng thực hành mà phải dạy theo kiểu đọc chép thì không thể nào hấp dẫn được. Đáng lý ra Bộ GD-ĐT nên đưa ra một chương trình mở đối với một số môn trong đó có Công nghệ nông nghiệp 7 này. Từng vùng miền tùy điều kiện tự nhiên của mình mà chọn bài dạy sao cho phù hợp. "Với lượng kiến thức quá nặng của Công nghệ nông nghiệp  7, tôi đoan chắc không một trường THCS nào ở Cần Thơ có đủ điều kiện để dạy cho hay cho hấp dẫn cả. Vườn thực nghiệm, phòng thí nghiệm lẫn kinh phí tham quan... đâu phải trường nào cũng có. Vì vậy, chương trình cơ cấu như thế là không thực tế" - ông Kiểu nói tiếp.

Địa lý 12: vừa thừa, vừa thiếu!


Ông Đào Xuân Kiểu
Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành SGK Địa lý 12 vào tháng 6.2007. Sách này, Ban khoa học xã hội và nhân văn xếp vào diện SGK thí điểm. Sách dày 234 trang trong đó cơ cấu 60 bài lý thuyết và thực hành. Bài mở đầu Địa lý 12 có tên Việt Nam trên đường đổi mới và hội nhập dài gần 3 trang. Nhận xét về nội dung bài mở đầu, ông Nguyễn Thế Vũ (người đã có hơn 35 năm đứng trên bục giảng các trường đại học), giảng viên chính môn Địa lý trường ĐH Cần Thơ cho rằng "Nội dung chưa nêu được đổi mới là đổi mới cái gì. Đáng lý ra phải nhấn mạnh rằng sự đổi mới khởi đầu từ đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986), tức là đổi từ cơ chế nền kinh tế bao cấp sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Chỉ cần ít dòng chữ: bao cấp sang kinh tế thị trường là học sinh có thể nắm bắt được kiến thức cơ bản trọng tâm của bài. Thế mà SGK phải dài dòng tới gần 3 trang in nhưng nội dung cơ bản vẫn chưa nói lên được".

Đọc các bài khác, chúng tôi nhận thấy tình trạng "nơi thừa nơi thiếu" về kiến thức, câu chữ tối nghĩa tiếp tục xuất hiện. Bài 18 Một số thiên tai chủ yếu và biện pháp phòng chống (trang 68-72), khi đề cập đến động đất, tác giả không có bất cứ một chữ nào nói đến độ richter (đơn vị xác định độ mạnh hay yếu của một trận động đất). Ở trang 90 khi viết về mạng lưới đô thị nước ta, tác giả mạnh dạn phán rằng: "Tính đến tháng 8 năm 2004, nước ta có hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ba đô thị loại I là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; 11 đô thị loại II...". Cần nhắc lại rằng đầu năm 2004, Cần Thơ lên thành phố trực thuộc T.Ư nhưng vẫn là đô thị loại II. Thành phố lớn nhất miền Tây này đang nỗ lực hết mình để lên đô thị loại I vào năm 2009. Hay như  ở trang 160 khi nói đến vấn đề ngoại thương, sách ghi như sau: "Trong những năm gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu đã có những chuyển biến rõ rệt.


Ông Nguyễn Thế Vũ

Sau nhiều năm nhập siêu, vào năm 1992 lần đầu tiên cán cân xuất nhập khẩu của nước ta tiến tới sự cân đối. Từ năm 1993 đến nay, nước ta lại tiếp tục nhập siêu, nhưng về bản chất khác xa với nhập siêu thời kỳ trước Đổi mới". Chúng tôi xin miễn bình luận đoạn trích dẫn trên và đôi mắt lại bị "nhòe" khi phải đọc tiếp các câu chữ: "Nghề cá nhân dân" (trang 117), "Ven biển có rừng ngập mặn, thuận lợi để nuôi trồng thủy sản nước lợ" (trang 195) hay câu "Những tai biến thiên nhiên đôi khi có thể xảy ra" (trang 203)...

Tiếp tục chỉ ra những cái chưa chuẩn của Địa lý 12, ông Nguyễn Thế Vũ lật ngay bài 58 Các vùng kinh tế trọng điểm (từ trang 217-221). Ở bài này, ông tô đậm phần Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ông dẫn ra như sau "Thế mạnh hàng đầu của vùng là thế mạnh về khai thác tổng hợp tài nguyên biển, khoáng sản, rừng để phát triển dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và một số ngành khác...". Ông cho rằng tác giả viết như vậy vừa dài dòng vừa tối nghĩa. Theo ông, nói đến thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà không nhấn mạnh "đánh bắt" là không thể chấp nhận được. Đánh giá tổng thể Địa lý 12, ông Thế Vũ cho rằng nội dung quá ôm đồm, nhiều chỗ dài dòng, không súc tích. Cái cần nêu thì không thấy, những nơi chưa cần thiết thì lại dông dài. Ông đề nghị Bộ GD-ĐT, ban biên soạn SGK cần có những điều chỉnh kịp thời để thế hệ trẻ có được bộ sách đảm bảo yêu cầu giáo dục.

Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.