"Mùa khô" - Truyện ngắn của Vĩnh Quyền

26/04/2008 16:12 GMT+7

Mùa khô năm 1985, Tony Nguyễn trở lại Quảng Trị. Những ai rời khỏi mảnh đất này vào năm 1972 có lẽ đều bồi hồi khi có dịp trở lại lần đầu tiên. Con người cần phải quên để tồn tại. Nhưng có những chuyện, thậm chí những hình ảnh không thành chuyện cứ rạch sâu vào trí não. Ban đầu chúng là những sản phẩm cấy ghép ngoài ý muốn.

Lâu dần chúng trở thành máu thịt bên trong không cắt bỏ được. Và cũng không ai đành cắt bỏ dù suy cho cùng, chẳng tiện ích gì khi sống trong dòng sống luôn tuôn chảy tới một ngày mai đã được lập trình sẵn bởi ai đó. Với Tony Nguyễn, nói "chẳng tiện ích gì" là có phần giận dỗi. Bởi ký ức loại ấy thường hành hạ con người mỗi khi có dịp. Và cũng không hiếm lúc nó hành hạ một cách ngọt ngào đến trào cả nước mắt.

Mời các bạn nghe toàn bộ tác phẩm:

Lúc này chẳng hạn. Nước mắt đã xuất hiện ở khóe mắt phải. Mắt trái Tony Nguyễn ngày nào cũng chảy nước vài lần khi tháo ra đặt vào con mắt giả. Anh không gọi đó là nước mắt. Nó không tiết ra từ nỗi vui buồn sướng đau. Con mắt trái của Tony Nguyễn đã bật ra khỏi mặt, văng chết đâu đó trên đường tháo chạy khỏi Quảng Trị khói lửa năm 1972. Nước mắt đang chảy qua khóe mắt phải lúc này là một hỗn hợp của ngậm ngùi lẫn thanh thản. Nước mắt là loại từ không đếm được. Nhưng lúc này anh đang muốn nó tích cóp lại thành dòng. Chảy cho tới mép môi hé chờ. Cho tới khi nhấm nháp được vị mặn tinh khiết từ con mắt còn lại của anh tiết ra bởi nỗi bồi hồi quê xứ.

Nhưng, như phát xuất từ con suối kiệt giữa cao điểm mùa hạn, nước mắt bốc hơi nhanh đến nỗi anh không biết rõ có thực là mình đã trào nước mắt hay không. Nhưng Tony Nguyễn tin rằng đã chảy nước mắt. Thanh thản dễ chịu như sau cơn mưa rào. Trong cả đoàn xe bốn chiếc sơn trắng của tổ chức MIA, kể cả hai chiếc màu ô-liu của nhóm sĩ quan  Việt Nam làm nhiệm vụ dẫn đường đến vùng núi đồi Khe Sanh nắng rát gió Lào để tìm hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, thì chỉ có mỗi mình Tony Nguyễn nhận được cơn mưa rào mát dịu mà chính anh đã tạo ra. Cái mát của cơn mưa rào từ bên trong con người khác lắm so với cái mát của hệ thống điều hòa không khí.

"Mười hai cây số nữa", một đồng nghiệp người Mỹ, chuyên viên giám định xương, nói với Tony Nguyễn sau khi anh ta bất chợt nhìn thấy một cột mốc ven đường. 

***

Lần thứ mười trong mười năm liên tục kể từ mùa khô 1975, Nhung đi tàu lửa từ một thị trấn ven biển Thái Bình vào Quảng Trị. Chuyến đi nào túi xách của cô cũng có bó nhang thơm. Nó là thứ được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong tất cả hành trang. Một tháng trước khi lên đường, Nhung đạp xe gần hai mươi cây số từ phố biển nhà chồng về làng lúa nhà mẹ rồi lên hùa Gỗ gần đấy. Chùa có cơ sở sản xuất nhang nổi tiếng. Thời trung học, Nhung từng lên chùa làm nhang vào mùa hè để kiếm tiền mua cặp mới, áo mới. Hai bàn tay cô đến giờ xe nhang vẫn rất nhuyễn. Nhung sớm biết tay mình thuộc loại đẹp. Mu bàn tay con nhà nông dày dặn mà không thô, các ngón thon dài, trắng hồng.

Năm Nhung lớp chín, có lần thầy giáo định dùng thước kẻ đánh vào tay đám học trò vẽ bậy lên bảng đen trong giờ ra chơi. Nhung là đứa đầu tiên run rẩy chìa hai tay ra chịu phạt. Thầy giáo nhìn hai bàn tay cô học trò bằng cặp mắt của nhà khảo cổ phát hiện di sản vô giá dưới lòng đất. Cả bọn được tha bổng mà không hiểu rõ nguồn cơn. Từ đó cho đến năm Nhung tốt nghiệp trung học, thầy giáo không ngừng nhìn lén bàn tay cô học trò.

Mùa hè năm 1970, trước khi trở về phố biển thăm mẹ và lên đường vào Nam đánh Mỹ, thầy giáo ra câu hỏi cuối cùng cho cô học trò cũ: "Em có đồng ý cho tôi sở hữu đôi bàn tay em không?". Từ mùa khô 1975, Nhung lên chùa Gỗ tự xe nhang lên đường vào Khe Sanh tìm mộ chồng. Những thẻ nhang thẳng đều và thơm ngát ngay cả khi chưa bắt lửa. Mười mùa khô rồi, những thẻ nhang phương Bắc vẫn chưa tìm được chủ. Nhung đành cắm hú họa tứ phương trên khắp chiến trường xưa đầy cỏ lau hoang hóa để trao gởi tấm lòng thành của mình trong mỗi chuyến đi.

Hồi còi dài buồn xa dần sân ga Quảng Trị vắng ngắt. Con tàu tiếp tục chuyến hành phương Nam. Nhưng Nhung không cảm thấy đơn độc khi đặt chân xuống sân ga Quảng Trị. Ba mùa khô rồi cô luôn có bạn đồng hành. Giờ này có lẽ Phấn đang chờ cô ở một quán cóc ven Đường 9, nơi họ tình cờ gặp nhau trên đường tìm mộ chồng và cùng tá túc trong những ngày ở lại đây. Chồng Phấn, thiếu úy binh chủng thiết giáp quân đội Sài Gòn, cũng tử trận ở chiến trường Khe Sanh. Hai hôm trước, từ Sài Gòn, Phấn gọi điện hẹn Nhung cùng đi Quảng Trị. Năm nay, Nhung xe hai suất nhang. Một suất sẽ dành cho chồng của Phấn.

***

Tony Nguyễn đi bộ hơn hai cây số đường đất mới ra tới đường 9. Lâu lắm rồi anh mới đi bộ một quãng đường dài như thế. Nhưng anh thật sự muốn thoát khỏi ca-bin xe chuyên dụng với những mẩu xương đủ loại, những máy móc thiết bị hiện đại lạnh lùng phát tín hiệu xanh xanh đỏ đỏ, liên tục nhả ra từng băng giấy dài ghi những thông số giải đáp cho các câu hỏi: Xương Mỹ? Xương Việt? Xương súc vật?...

Tony Nguyễn thèm được thoát đi một mình trên mảnh đất này. Một mình hít thở khí trời. Nếu viên sĩ quan Việt Nam tốt bụng đưa anh đi bằng xe U-oát hay lại đi cùng các đồng nghiệp trong phái đoàn MIA thì chẳng còn ý nghĩa gì, chẳng làm thế nào để được riêng tư. Mà nỗi riêng của anh lúc này thì không thể sẻ chia cho cả hai phía.

Tự nhiên con mắt giả bên trái cộm xốn. Anh đoán là do vừa từ ca-bin xe có điều hòa không khí bước ngay vào cái nắng oi bức khô rát. Mặt trời đã khuất sau rặng núi cao phía tây nhưng mồ hôi vẫn túa ra ướt đẫm chiếc T-shirt. Tony Nguyễn nhận ra mình đang đứng trên Đường 9 nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam. Thật lâu vẫn không có chiếc xe thồ nào qua lại để anh nhảy về thị xã Đông Hà hay ngược lên thị trấn Khe Sanh hớp cốc bia lạnh. Anh đành hài lòng với cái quán nhỏ bên kia đường.

Ba người đàn bà trong quán ngỡ ngàng nhìn người đàn ông cao lớn, cân đối như một vận động viên bơi lội xuất hiện từ rừng dầu rái và bước thẳng vào quán. Bà chủ quán khoảng năm mươi tuổi bước ra tiếp khách, nói giọng Quảng Trị. Hai người còn lại trẻ hơn nhiều, khoảng ba mươi và có thể nói là rất còn duyên. Họ có vẻ thân thiết lắm dù người giọng Nam, kẻ giọng Bắc. Tony Nguyễn không đoán được mối quan hệ giữa ba người đàn bà nói giọng ba miền ngồi bên nhau trong cái quán lợp tôn thấp bé dưới tán cây đa khổng lồ. Anh cũng hiểu được sự ngạc nhiên của ba người đàn bà. Bản thân anh cũng vậy.

Cái quán này mọc lên ở đây không dành cho loại khách như anh. Dẫu sao thì vẫn có bia ướp trong thùng nước đá. Lại là bia sản xuất tại địa phương. Điều mà anh vẫn thích mỗi khi có dịp đến một nơi xa lạ.

Cả ba người đàn bà chộn rộn vào ra giúp nhau phục vụ ông khách hiếm hoi. Xong, họ lại kéo nhau lui cả vào chiếc chõng tre phía sau kệ hàng tạp hóa thưa trống cách đấy mấy mét, nhường cho Tony Nguyễn chiếc bàn nhựa dưới mái hiên nhìn ra đường. Không gian quán như được chia đôi.

Bia không được thơm lại có vị chua đáng ngờ. Nhưng cá khô nướng than rừng thì tuyệt. Tony Nguyễn cảm thấy hạnh phúc đến bất ngờ. Anh không thể tin là mình sẽ có một buổi chiều thế này ở ven Đường 9. Càng không ngờ sẽ có một đôi tay đẹp đến thế quạt than nướng cá cho mình uống bia. Đôi tay của người đàn bà giọng Bắc.

Câu chuyện của họ ở phía sau kệ hàng nghe rõ dần, có đầu có đuôi hơn. Người đàn bà giọng Bắc buồn rầu cho biết có thể đây là chuyến đi tìm mộ chồng lần cuối. Chính quyền và ban quân sự địa phương đã giúp hết mức nhưng vẫn chưa có một kết quả nào. Cô đã mệt mỏi và không còn hy vọng. Tình cảnh người đàn bà giọng Nam còn khó hơn. Chẳng có tổ chức nào ở đây lưu trữ thông tin về quân nhân chế độ Sài Gòn tử trận trước 1975. Và sau chuyến này, không biết đến bao giờ cô mới có thể trở lại Khe Sanh. Người chồng sau đang lo thủ tục đưa cô sang Mỹ định cư.

Cô bỗng đổi chuyện, bảo người đàn bà giọng Bắc nên tính đến chuyện lấy chồng. "Già rồi, ai thèm", người kia đáp với tiếng cười gượng nhẹ nghe đến tội. Giọng Sài Gòn kêu lên: "Còn ngon lành vầy mà, em cũng mê nữa là!". "Quỷ sứ, bỏ tay ra!". Có tiếng xô đẩy cùng những tiếng cười rúc rích rất đàn bà. "Này, có đàn ông ở ngoài kìa... Thôi, sắp tối rồi, tao xuống nấu cơm cho tụi bây đây". Bà chủ quán xuống bếp một lúc bỗng chạy trở lên, giọng cao bất thường. "Tụi bây ơi! Tụi bây!". Hai người đàn bà trẻ nhao nhao lên hỏi chuyện gì, giọng Bắc hòa giọng Nam. "Báo! Báo này!", bà chủ quán như hụt hơi.

Bên ngoài, Tony Nguyễn rất bồn chồn. Anh lắng nghe và cố hình dung chuyện xảy ra sau kệ hàng tạp hóa. Trên tay bà chủ quán là mẩu giấy báo cũ gói hàng. Hình như bà đọc thấy ở đó điều gì quan trọng. "Tao đọc rồi, báo nói ở Quảng Nam có nhà ngoại cảm gì đó, đã tìm được nhiều hài cốt thất lạc trong chiến tranh...". Bà dúi mẩu báo cũ vào tay một người đàn bà trẻ, tay kia với bật công tắc điện dù ánh ngày chưa thật sự bỏ đi. Bóng điện tròn phát ra thứ ánh sáng vàng đục không yên tĩnh. Hai người đàn bà trẻ chụm đầu vào nhau. Cùng đọc. Thời gian im lặng của họ dài hơn nhiều so với thời gian đọc bản tin trên báo.

"Tụi bây nghĩ răng?", giọng bà chủ quán giãn ra, trầm xuống. Im lặng. Rồi một tiếng nấc bật ra. Rồi tắt nghẽn. Không thể phân biệt tiếng nấc ngắn ấy giọng Nam hay giọng Bắc. "Còn nước còn tát, Phấn nhỉ?", cuối cùng giọng Bắc lên tiếng. "Dạ", giọng Nam lí nhí đáp.   "Thôi...  bọn em đi thắp nhang đây". "Ừ, xong về ăn cơm, nhớ đừng đi sâu vào rừng. Bom mìn chưa gỡ hết đâu", giọng bà chủ đã lấy lại độ cao.

Tony Nguyễn nhìn mông lung ra ngoài. Bên ngoài, mùa khô hiện hữu trong ánh phản quang của khoảnh khắc bàn giao giữa ngày và đêm. Nhiệt độ đã giảm. Mặt đường nhựa lặng lẽ nhả hơi nóng trắng. Phía sau cánh rừng dầu rái bên kia đường, bóng tối đã đông đặc thành khối đen. Nhưng vẫn còn trông thấy rõ màu lá những hàng cây đứng sát vệ đường.

Và không có chiếc lá nào xao động làm bằng chứng cho gió.

Hai người đàn bà lướt sát qua Tony Nguyễn, bước ra Đường 9 với hai bó nhang đang cháy. Mùi khói nhang nồng át mùi hương đàn bà. Nhìn theo những đóm nhang đỏ lập lòe xa dần, Tony Nguyễn lại như đang trông thấy những ánh chớp đỏ xanh phát ra từ hệ thống thiết bị hiện đại trong cabin chuyên dụng của phái đoàn MIA.

Hình như nước mắt lại ứa ra từ con mắt bên phải của anh.

Lần thứ hai trong một ngày hiếm có.

V.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.