Về dự án Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật quốc gia: “Ý tưởng lớn” hay giấc mơ đẹp?

27/04/2008 23:33 GMT+7

Những ngày qua, giới sân khấu xôn xao với ý kiến nhiều chiều sau khi Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mở cuộc tọa đàm công bố dự án xây dựng Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật quốc gia tại TP.HCM. NSND Trọng Khôi, Chủ tịch Hội có cuộc trao đổi với Thanh Niên.

* Những người ủng hộ ý tưởng xây dựng Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật quốc gia cũng ít nhiều băn khoăn về tính khả thi của công trình. Là "cha đẻ" của dự án này, ông sẽ đưa ra những lý lẽ gì để củng cố niềm tin của công chúng?

NSND Trọng Khôi

- Bàn đến tính khả thi vào lúc này có sớm quá không? Nhà nước còn chưa duyệt. Hơn nữa, chúng tôi chỉ là những người đưa ra ý tưởng, không phải là người thực thi dự án. Tại sao cứ bắt tôi phải trình bày tỉ mỉ về công trình trong khi nó còn đang ở dạng dự án ban đầu với những phác thảo cơ bản đủ cho thấy nó có khả năng trở thành hiện thực? Muốn thực thi dự án cần phải huy động nhân tài thuộc nhiều lĩnh vực. Không một cơ quan nào có thể "ôm" nổi công trình đồ sộ này. Rồi phải thành lập tổ soạn thảo dự án, tổ chức thi mẫu thiết kế, tiến hành quảng bá, đấu thầu... Đấy là những công việc của tương lai. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dự án này là dự án cho năm 2010, công trình này là công trình lớn của Nhà nước. Đất nước chúng ta đang trên đà phát triển. Tại sao Hà Nội - thủ đô của cả nước nhìn đi nhìn lại chỉ có mỗi Nhà hát lớn, do Pháp xây dựng cách đây một thế kỷ, là tương đối ổn? Chúng ta đã làm được rất nhiều việc, đạt được nhiều thành tựu kinh tế, nhưng lại thiếu một công trình văn hóa lớn, xứng tầm quốc gia. Kinh phí xây dựng công trình ấy, tôi tính rồi, bất quá bằng một đoạn đường, một cây cầu thôi. Vậy tại sao lại không làm?

* Nhưng dư luận băn khoăn về công suất hoạt động của trung tâm sau khi hoàn thành. Thực tế là không ít công trình hoành tráng được dán mác "văn hóa nghệ thuật", xây xong rồi bỏ đó...

- Trung tâm mở cửa cho tất cả các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, không riêng với các đoàn quốc tế đến biểu diễn. Nhưng đây là địa chỉ "đỏ", là địa chỉ văn hóa cao, tuyệt đối không có chỗ cho thứ nghệ thuật lôm côm, bình dân. Xây dựng trung tâm cũng không phải chỉ là xây một sân khấu sang trọng hay một khán phòng lớn. Đây còn là nơi đào tạo từ tác giả kịch bản, nghệ sĩ cho đến công chúng. Chúng tôi sẽ có sân khấu riêng cho từng bộ môn nghệ thuật chèo, tuồng, kịch, cải lương, thậm chí cả sân khấu trên băng. Chúng tôi sẽ có những đêm diễn miễn phí, nhưng không cho phép khán giả nào ăn mặc bất lịch sự vào rạp. Chúng tôi sẽ có những ban nghiên cứu các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Chúng tôi sẽ đi khắp các tỉnh thành để phát hiện tài năng trẻ, đưa về bồi dưỡng. Tiền cho công tác đào tạo, nghiên cứu, tiền cho những đêm diễn miễn phí ở đâu ra? Trung tâm có đủ các dịch vụ vui chơi giải trí (nhà hàng, khách sạn...) để nuôi văn hóa. Tôi có thể khẳng định luôn đây là công trình kinh tế - văn hóa, nhưng không phải là công trình thương mại. Lấy kinh tế nuôi văn hóa. Và phải nuôi văn hóa đỉnh cao, văn hóa bác học. Ở đây miễn bàn đến văn hóa đại chúng. Trên thế giới, mô hình này rất phổ biến, chỉ có ta là chưa áp dụng thôi. Giờ đã đến lúc áp dụng chưa? Có lẽ hơi chậm rồi đấy! 

Dự kiến, Trung tâm Biểu diễn nghệ thuật quốc gia tọa lạc gần khu đô thị mới Nam An Khánh (Hà Tây). Với tổng diện tích 30.000 - 40.000m2, gồm 2 khu vực: biểu diễn nghệ thuật và vui chơi giải trí (nhà hàng, khách sạn, bể bơi, quầy bar...). Khu vực biểu diễn nghệ thuật bao gồm một nhà hát chính 2.000 chỗ ngồi. 4 sân khấu biểu diễn lớn, nhỏ trong nhà và ngoài trời. Bên cạnh đó có trung tâm đào tạo, thư viện... Tổng số vốn đầu tư: 300 tỉ đồng.

* Ở khá xa trung tâm Hà Nội, cộng thêm kịch mục toàn những vở "bác học", liệu trung tâm có thu hút được khán giả không hay lại sa vào tình trạng khu giải trí thì đông vui, tấp nập, còn khu biểu diễn nghệ thuật thì vắng như chùa Bà Đanh?

- Vấn đề đấy không quan trọng. Trung tâm không cần chạy theo doanh thu. Chúng tôi đã có kinh tế bù lỗ cho văn hóa. Bởi vậy, không cần phải chạy theo thị hiếu của khán giả. Chúng tôi có thể đặt mục tiêu thưởng thức nghệ thuật, hướng dẫn thẩm mỹ cho khán giả lên hàng đầu.

* Nhưng người ta có thể lấy số lượng khán giả để đo hiệu quả hoạt động của trung tâm. Và người ta cũng có thể thắc mắc, nếu không đưa được công chúng vào rạp thì làm sao đào tạo, hướng dẫn thẩm mỹ cho công chúng được?

- Muốn hướng dẫn công chúng trước tiên cần tôn trọng công chúng, và không thể nào lại tôn trọng công chúng bằng những sản phẩm làng nhàng được. Tất nhiên, để đưa công chúng vào rạp, lúc đầu sẽ phải chào mời, chèo kéo, rồi mưa dầm thấm lâu, có thể là mười, hoặc thậm chí hàng chục năm nữa, dần dần chúng ta sẽ có một lớp khán giả mới. Không có cái gì tự dưng từ trên trời rơi xuống. Muốn có thành quả phải đổ mồ hôi, công sức và phải dám nghĩ dám làm. Và nếu không có tư tưởng lớn thì không "làm ăn" lớn được. Tại sao ai nấy chỉ thích ăn xổi, cái gì chiều được khán giả thì sẵn sàng chiều, cốt để bán vé? Tại sao chẳng ai nghĩ đến chuyện bắn tầm xa? Tại sao chỉ nhìn qua phác thảo trung tâm đã vội la lên rằng đó chỉ là giấc mơ viễn tưởng? Trên thế giới người ta áp dụng "giấc mơ viễn tưởng" ấy từ lâu rồi. Và thành công ngoài sức tưởng tượng đấy!

Hương Lan
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.