Thâm hụt thương mại không thể coi thường!

04/05/2008 00:13 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ trong bài viết “Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững” đã đề cập “Nhập siêu tăng trong năm 2007 và tăng cao hơn trong quý I năm nay, đã đe dọa đến cân đối vĩ mô”. Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển các ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã minh chứng thêm “không thể thờ ơ hơn nữa với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai trong cán cân thanh toán của Việt Nam, bởi đó là một trong ba ngòi nổ của khủng hoảng kinh tế”. Điều đó chứng tỏ thâm hụt thương mại không thể coi thường.

Trước hết, thâm hụt thương mại đã tăng nhanh cả về mức tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với xuất khẩu và so với GDP. Năm 2007, thâm hụt thương mại lên đến 14,12 tỉ USD, bằng 29,1% kim ngạch xuất khẩu và bằng 19,8% GDP. Bốn tháng 2008, thâm hụt “lồng lên” 11,4 tỉ USD, bằng 60,8% xuất khẩu và bằng gần một nửa GDP. Về quy mô tuyệt đối, thâm hụt thương mại của Mỹ đạt mức khổng lồ (hơn 700 tỉ USD), cao nhất thế giới, vượt xa nước đứng thứ hai, nhưng cũng mới chiếm 5% GDP – tuy cao, nhưng chưa nguy hiểm. Trong khi tỷ lệ của Việt Nam cao gấp bốn lần làm cho cán cân thanh toán xấu đi nhanh chóng.

Điều nguy hiểm của thâm hụt thương mại của Việt Nam là chủ yếu được tài trợ bởi luồng vốn ngắn hạn. Trong luồng vốn ngắn hạn, đáng chú ý có luồng vốn đầu tư gián tiếp. Nguồn vốn này mới xuất hiện từ vài ba năm nay, nhưng tăng nhanh (năm 2005 là 14,1 triệu USD, năm 2006 là 1.339 triệu USD, năm 2007 là 6.500 triệu USD). Luồng vốn này có đặc điểm là luồng vốn ngắn hạn, việc quản lý thường rất khó khăn, tỷ lệ đầu cơ thường khá cao, vào nhanh và ra cũng nhanh, rất ít nước thành công trong việc quản lý nguồn vốn này. Vì vậy, nếu luồng vốn ngắn hạn này đảo chiều ra khỏi Việt Nam thì sẽ rất nghiêm trọng.

Thâm hụt thương mại tăng cao do cả khâu xuất khẩu và nhập khẩu đều có những vấn đề đáng lưu ý.

Xuất khẩu có vấn đề lớn nhất về cơ cấu mặt hàng. Xuất khẩu nguyên liệu thô chiếm tỷ trọng cao (riêng dầu thô, than đá 4 tháng chiếm 21,5%), nhưng lượng giảm để tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là năng lượng không thể tái tạo (dầu thô giảm 9,6%, than giảm 30,7%). Xuất khẩu hàng nông, thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế chiếm tỷ trọng cao (4 tháng chiếm 20,1%), nhưng lượng một số mặt hàng giảm (như cà phê giảm 33,8%, cao su giảm 7,2%, hạt tiêu giảm 14,2%). Những mặt hàng chế biến mang nặng tính gia công, lắp ráp như dệt may, giày dép, điện tử máy tính, sản phẩm nhựa, sản phẩm gỗ, tuy chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu (4 tháng chiếm 32,7%), nhưng giá trị gia tăng và thực thu ngoại tệ thấp, do phần lớn nguyên phụ liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài, trong khi giá cả tăng cao (chỉ tính riêng những mặt hàng trên 4 tháng 2008 nhập khẩu đã chiếm 13% tổng kim ngạch nhập khẩu). Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng cao (4 tháng tăng 27,6%) và chiếm tỷ lệ so GDP cao, đã làm cho nhiều người lầm tưởng là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, có độ mở cửa cao; nhưng do tính gia công lớn, nên đã chứng tỏ tính phụ thuộc lớn, hiệu quả thấp…

Nhập khẩu còn nhiều vấn đề hơn. Tốc độ tăng năm trước đã rất cao (39,6%), 4 tháng năm nay đã “lồng lên” (71%). Hàng tiêu dùng “có vẻ” như còn chiếm tỷ trọng thấp, nhưng đối với một số mặt hàng thì không thể tách bạch được loại nào là nhập để sản xuất, loại nào là nhập để tiêu dùng; chỉ mấy loại như ô tô cao gấp 7,5 lần, xe máy tăng gần 35%, dầu mỡ động thực vật trên 2,1 lần, sữa và sản phẩm sữa tăng trên 57%, vàng gần gấp đôi,... Thiết bị máy móc dụng cụ phụ tùng, nguyên vật liệu cho sản xuất chiếm tỷ trọng lớn và tăng cao là điều đáng mừng nhưng cũng chính vì vậy mà một số quan chức cho rằng là cần thiết, là không đáng ngại, nhưng không ít trong số nhập khẩu này không phải là công nghệ nguồn hoặc được sử dụng để đầu tư vào các dự án không có hiệu quả và tình hình nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công hàng xuất khẩu, thì chỉ làm tăng nhập siêu. Cơ cấu nhập khẩu có vấn đề như trên, nhưng vấn đề quan trọng hơn là hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước vốn đã yếu kém, nay lại không cạnh tranh nổi và bị mất thị phần với hàng ngoại nhập sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu.

Nhập khẩu tăng cao cả về lượng, cả về giá. Giá nhập khẩu tăng cao xét trên hai mặt. Một mặt giá hàng tính bằng USD tăng cao (xăng dầu tăng 57,6%, sắt thép tăng 27,6%, riêng phôi thép tăng tới 47,5%, phân bón tăng 82,5%, chất dẻo tăng 14,2%, giấy tăng 8,5%, sợi dệt tăng 13,5%, bông tăng 20,2%, lúa mì tăng 63,3% - chỉ với những mặt hàng trên do giá tăng đã làm tăng 2.706 triệu USD, bằng 47,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của những mặt hàng này). Mặt khác, còn do tỷ giá giảm ít so với mức giảm tỷ giá ngoại tệ khác so với USD của những nước có quan hệ buôn bán lớn với nước ta. Đây cũng là một loại “nhập khẩu lạm phát”, cộng hưởng với các yếu tố ở trong nước, tạo áp lực làm lạm phát ở Việt Nam cao hơn các nước khác.

Thâm hụt thương mại không những tác động xấu đến cân đối vĩ mô, mà còn là kẻ thù của nhiều doanh nghiệp trong nước, thậm chí còn làm cho một số doanh nghiệp bị phá sản do không cạnh tranh nổi và bị mất thị phần với hàng ngoại nhập.  

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.