Theo ước tính của ông Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thì với lượng đường nhập lậu hiện tại, mỗi ngày Nhà nước thất thu 500 triệu đồng tiền thuế. Nhưng điều đáng sợ hơn là một khi đường nội địa Việt Nam "chết trên sân nhà" trong trận đấu không cân sức với đường nhập lậu, thì với 350.000 ha trồng mía, với ngót 1 triệu nông dân sống nhờ vào cây mía, với hàng trăm nghìn công nhân các nhà máy đường trong cả nước sống nhờ vào công việc sản xuất đường, đời sống gia đình họ đang bị đe dọa rơi vào túng đói. Nếu cây mía từng được nhiều địa phương coi là "cây mũi nhọn" trong xóa đói giảm nghèo, thì hiện tại, trồng mía không có lời vì "đầu vào" là phân bón, xăng dầu tăng giá quá nặng, còn "đầu ra" giá thu mua mía không thể tăng do các nhà máy đường loay hoay giải không ra bài toán "chống đường nhập lậu". Nhưng, chống buôn lậu trước tiên là việc của Nhà nước, của chính quyền từ trung ương tới địa phương, nhất là những địa phương có đường biên giới, chứ không phải việc riêng của từng ngành nào.
Ai từng có dịp quan sát cách buôn lậu những mặt hàng "nặng ký" như đường cát qua biên giới đều biết, để tiến hành trót lọt những chuyến vận chuyển hàng như thế, những "đại gia buôn lậu" đều lên những kế hoạch hợp lý, đều "phối kết hợp" giữa lực lượng vận chuyển thô sơ và hiện đại, đều "điều nghiên" rất kỹ những thời điểm thuận lợi nhất trong một ngày đêm để "đánh hàng". Họ chỉ huy vận chuyển hàng lậu như chỉ huy một trận đánh, chỉ huy một chiến dịch. Trong khi đó, lực lượng chống buôn lậu vừa thiếu vừa yếu, vừa "mỏng" về ý chí và tinh thần, lại không được một "bộ tư lệnh" chỉ huy đồng bộ và chặt chẽ, thì chuyện "chưa đánh đã thua" là chuyện dễ hiểu. Ngay khi những tay đầu nậu buôn lậu thiết lập những "nhà kho" lớn chứa hàng buôn lậu ngay trong lãnh thổ, mà các lực lượng chức năng cũng không thể phá, không thể bắt quả tang được, và đều thừa nhận những "đại gia buôn lậu" có nhiều kế sách hay hơn mình, thì hỏi làm sao chống được buôn lậu?
Hiện nay, lợi dụng giá một số mặt hàng chiến lược thiết yếu như xăng dầu hay phân bón nhập về Việt Nam có thuế suất giảm hơn một số nước trong khu vực, đã xuất hiện tình trạng "hàng lậu hai chiều" qua biên giới. Các "đại gia buôn lậu" dùng xăng dầu hay phân bón làm "hàng đối lưu" để đổi lấy đường cát. "Xuất" và "nhập" kiểu đó, họ ăn lời được cả hai chiều, còn Nhà nước và nhân dân ta thì lãnh đủ! Chỉ khi nào nhìn nhận buôn lậu là một nguy cơ không chỉ cho nền kinh tế, mà cho cả an nguy của chế độ, thì chừng đó mới có những biện pháp hữu hiệu, đồng bộ nhằm triệt để chống buôn lậu. Đây là vấn đề cực "nóng" trong hiện tại, hy vọng kỳ họp này của Quốc hội sẽ đặt lên bàn nghị sự vấn đề: chống buôn lậu như thế nào cho hiệu quả? Là một nước có đường biên giới dài và phức tạp, nếu không coi buôn lậu là một "quốc nạn" thì sẽ không đủ quyết tâm và giải pháp chống có hiệu quả "quốc nạn" này.
T.T
Bình luận (0)