Thưa bà!
Chắc bà rõ hơn ai hết, với tư cách là một người nội trợ, thời gian vừa qua giá gạo đột ngột tăng cao. Thủ phạm của chuyện ấy, rõ ràng là bọn đầu cơ và bè lũ tay sai của chúng. Điều đó bà chả nghi ngờ gì. Nhưng trong thâm tâm, bà cũng có thể hơi oán trách tôi. Giá tôi cứ trồng lúa khắp nơi, hễ ra khỏi ngõ là nhìn thấy cánh đồng, thì bọn đầu cơ, dù đê hèn và thâm độc tới đâu, cũng chả dễ dàng lừa đảo được.
Bà kính mến!
Bảo rằng tôi không áy náy về điều này thì không đúng. Với tư cách một nông dân, có biệt danh Hai Lúa chứ không phải Philíp Lúa hay Robe Lúa, tôi khẳng định với bà rằng tôi gắn bó với hạt gạo, và mọi sự vui buồn của gạo cũng là vui buồn của tôi.
Nhưng bà ơi, tôi xin long trọng nhắc bà rằng tôi cũng là con người, và ngoài vui buồn ra, tôi còn nhiều cảm xúc khác nữa.
Tuy là người nội trợ, nhưng vốn ở chốn thị thành, chắc bà có đọc báo và xem ti vi. Và bà biết rằng khủng hoảng lương thực ở vài nơi là có thật. Nguyên nhân của chuyện ấy, một phần là do nông dân bán đất, bán ruộng đi.
Bà ơi, ruộng với nông dân cũng như cây đàn với nhạc sĩ, bán chả dễ dàng gì. Nhưng hỡi bà tôn kính, bán bất cứ cái gì người ta cũng có tiền. Bán ruộng, người ta lại bất ngờ có nhiều tiền. Tuy là nhiều theo kiểu nông dân.
Tiền, như bà đã rõ, mang lại nhiều cái hay và nhiều cái dở. Hay dở tôi chưa biết, chứ lạ thì chắc chắn rồi.
Nhờ tiền tôi được uống bia lon. Chả phải uống vài lon mà uống hàng thùng. Thậm chí hết thùng nọ tới thùng kia. Tiếp theo, nhờ có tiền mà tôi được đi xe tay ga. Cả đời vốn đi bộ và đi xe đạp, bất ngờ cả tôi và thằng con tôi mua dễ dàng vài chiếc a còng. Thế là hai bố con, mỗi người mỗi xe, phóng tưng tưng trên bờ ruộng. Tuy chả biết đi đâu và chả biết đi với ai, nhưng cảm xúc đó khá lạ lùng và khoái bà ạ.
Rồi có tiền, tôi mua điện thoại di động. Mua cho cả nhà. Tuy vùng tôi không có sóng, nhưng điều đó chả phiền phức gì. Cứ chiều chiều, cả làng lại chạy lên huyện rồi sau đó phôn cho nhau, khoái vô cùng.
Tiền cũng khiến tôi xây được những cái nhà to. To vô cùng. Cột nhà kiểu La Mã, mái nhà kiểu Mêhicô, sàn nhà kiểu Tây Ban Nha còn ban-công kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Đấy là tôi nghe tay chủ thầu bảo thế. Hắn ta còn cam đoan rằng kiểu nhà này xưa nay chỉ dành cho các giáo sư, khiến tôi nở mặt nở mày.
Cuối cùng, chả giấu gì bà, vì tính nông dân là có sao nói vậy, tiền khiến tôi trẻ ra. Các em trên phố gọi tôi là anh. Các em ven phố cũng gọi tôi là anh. Bảy mươi tuổi được trở lại thành anh, thử hỏi còn sướng gì bằng. Hễ tôi vô quán nào, các em lại ùa tới vây quanh anh tíu tít. Em thì lau mặt, em thì xỉa răng, em thì đấm bóp giùm. Dân gian có câu “nghìn vàng mua một trận cười”, nay tôi chỉ mất mấy trăm ngàn mà mua được mấy tháng cười kèm theo nũng nịu, tôi còn tiếc nỗi gì.
Sau hết, tiền làm gia đình tôi nghệ thuật hẳn ra. Con trai tôi nhuộm tóc vàng. Con gái tôi mặc đầm. Vợ tôi đeo vòng đầy người và đánh đề mệt nghỉ. Tôi thì khỏi phải nói, khi là anh, tôi có khối việc phải làm.
Đấy, tiền bán ruộng khiến tôi gặp được nhiều điều lạ lùng như thế đấy, bà bảo có nên không? Nếu không bán, thay vì nhìn vào màn hình karaoke, tôi chỉ suốt đời nhìn mông của con trâu hoặc con bò. Tôi chỉ là minh họa cho câu ca dao bất hủ:
Ông lão dưới ruộng đi bừa
Là con ông lão ngày xưa đi cày.
Cho nên bà đừng trách tôi bán ruộng, tôi nghỉ trồng lúa. Hơn nữa, bà hiểu cho, không bán mà được à? Không bán mà xong à? Không bán thì nhận giải tỏa, nhận quy hoạch làm khu công nghiệp, nhiều lúc còn tệ hơn.
Còn việc bà thiếu gạo ăn tôi rất lạ lùng. Ruộng của tôi bây giờ đã biến thành sân gôn. Tôi chả hiểu gôn là gì, chỉ thấy nó to như quả trứng và có nhiều ông nhiều bà từ thành phố lên dùng gậy ra sức đập mà nó không vỡ.
Sao bà cứ lo gạo mãi, mà không chơi gôn đi? Tôi thấy tất cả những người chơi gôn ở đây đều chẳng quan tâm tới gạo bao giờ. Cho nên tôi khuyên bà gọi cả nhà, cả hàng xóm nữa, kéo đi chơi gôn, chắc chắn sẽ no và chả cần lo gì cả. Có nhiều tỉnh mọc sân gôn nhiều như ruộng khoai, chứng tỏ trái gôn phải rất bổ dưỡng, hoàn toàn có khả năng thay gạo.
Bà kính mến!
Như bà đã biết, 80% dân số nước ta là nông dân. Nếu tất cả thay vì trồng lúa lại trồng gôn thì khả năng xuất khẩu gôn là quá lớn. Khi có tiền, ta mua gạo ngoại phải không bà? Toàn bộ dân ta cứ vui vẻ đánh gôn, để cho dân nước khác còng lưng cày bừa, như vậy chả sướng sao?
Xin bà đừng hốt hoảng, đừng bi quan. Bàn nhiều về miếng ăn không sang trọng gì. Đã tới lúc bà phải quan tâm tới chơi. Hoặc nếu bà không chơi, bà cũng tránh ra để kẻ khác chơi. Cuộc sống hôm nay phải tân tiến như thế.
Chào bà
Hai Lúa
Lê Hoàng
Bình luận (0)