Chưa có quy chế riêng
Tính đến nay, Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn đang trong giai đoạn biên soạn dự thảo về quy chế biểu diễn thời trang, hoàn toàn chưa có những tiêu chí để các đơn vị, cá nhân hay tập thể làm thời trang phải tuân theo khi hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện các nhà quản lý đang thực thi quyền hạn dựa theo Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) thông qua vào ngày 2.7.2004. Trong đó, về các hành vi bị cấm, tại điều 3, mục 4.4 quy định: "Đối với loại hình nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc truyền thống, dân gian, xiếc, nghệ thuật cổ điển châu u: phục trang, hóa trang trái với thuần phong mỹ tục, không phù hợp với đặc trưng loại hình nghệ thuật, không đúng với tính cách nhân vật và nội dung thể hiện giai đoạn lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật". Tiếp đó, mục 4.5 ghi rõ điều cấm: "Đối với loại hình nghệ thuật ca, múa, nhạc hiện đại: hóa trang tạo ra kiểu đầu tóc kinh dị, sơn, nhuộm tóc lòe loẹt, cạo trọc hoặc để tóc quá dài bù xù; trang phục hở hang, lộ liễu".
Theo tiêu chí này, Sở Văn hóa - Thông tin (VH-TT) các tỉnh, thành trong cả nước áp dụng cho cả lĩnh vực biểu diễn thời trang. Chính vì "xài chung" Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp với biểu diễn thời trang nên không tránh khỏi những bất cập. Thời trang Việt Nam đang phát triển nhưng phải có bàn tay điều tiết và quản lý của cơ quan Nhà nước để trở nên lành mạnh. Tuy nhiên, với những gì mà các nhà quản lý đang làm, sự phát triển của thời trang có được thúc đẩy hay không thì cần phải nhìn lại.
Thế nào là "hở hang" ?
Quy trình xin cấp phép biểu diễn thời trang tại Sở VH-TT vẫn theo lối cũ. Tức là đơn vị tổ chức nộp mẫu thật cho Sở VH-TT xem xét trước. Trong trường hợp không chuẩn bị kịp, nhà tổ chức phải có bản vẽ thiết kế trình lên Sở. Khốn nỗi, bản vẽ thiết kế thời trang và mẫu thật ngoài đời luôn có sự chênh lệch lớn về kiểu dáng, mà bộ sưu tập thật thì mang tính chất "sống còn" đối với ban tổ chức lẫn nhà tạo mẫu trang phục. Thường thì để an toàn, hội đồng duyệt mẫu của Sở VH-TT luôn buộc ban tổ chức hay nhà tạo mẫu chỉnh sửa lại bộ trang phục nào mà theo họ là "hở hang, phản cảm". Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp cấm các loại trang phục hở hang, lộ liễu; nhưng như thế nào là hở hang, như thế nào là lộ liễu thì không nêu cụ thể. Bởi thế các nhà quản lý cứ buộc ban tổ chức và nhà thiết kế phải làm theo những gì mà họ cho là phản cảm, hở hang dung tục. Những ý kiến này ít nhiều mang tính chủ quan và đôi khi không quan tâm đến phong cách, vẻ đẹp, xu hướng thời trang cũng như ý tưởng thiết kế của người sáng tạo.
Chính vì thế mà thời trang Việt Nam cứ loay hoay trong những quy định mơ hồ về "hở hang, phản cảm"; và các buổi trình diễn trang phục lót đều bị cấm dưới mọi hình thức. Trong một số cuộc thi hoa hậu, người đẹp, siêu mẫu, để "an toàn" ban tổ chức đã cho thí sinh choàng thêm dải khăn lụa mỏng quanh người để che bớt phần da thịt được cho là quá lộ liễu ở phần thi áo tắm. Trong khi đó, ở các nước phát triển có quy định rất cụ thể và rõ ràng về chuyện hở hang. Đơn cử Mỹ và Nhật, có quy định cấm để lộ đầu nhũ hoa và bộ phận sinh dục khi trình diễn nghệ thuật, biểu diễn thời trang; nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Bởi thế mới có tình trạng nhiều người mẫu khi thể hiện bộ trang phục quá mỏng manh đã phải có miếng dán tròn che đầu ngực.
"Còn nhiều bất cập trong quản lý biểu diễn thời trang. Các chương trình thời trang do đơn vị Nhà nước tổ chức thì phần kiểm duyệt bộ sưu tập có phần đơn giản hơn. Trong khi các show diễn của nhãn hiệu thời trang tư nhân hay nước ngoài hoặc chương trình có tài trợ thì phần kiểm duyệt phải nói là "kinh khủng". Tôi từng bị buộc điều chỉnh nhiều bộ trang phục chỉ hở lưng, phải dùng khăn choàng che lại. Chính vì không quy định như thế nào là hở hang nên đa phần các vị trong hội đồng duyệt đều làm theo cảm tính. Theo tôi những người duyệt các bộ sưu tập phải am hiểu thời trang, phải có kiến thức chuyên môn nhất định chứ không phải làm việc máy móc thấy hở ở đâu là che chỗ đó. Làm thế chỉ khiến cho ngành thời trang tụt hậu".
"Tôi thấy nhiều điều chưa "thông" trong việc tổ chức biểu diễn và cả quản lý Nhà nước. Hội đồng duyệt các mẫu trang phục cứ thấy hở là không cho trình diễn. Cần phân định rõ thời trang hở hang phản cảm, dung tục với vẻ đẹp của bộ trang phục. Một dancer múa cột trong vũ trường ăn mặc hở hang khác xa với một quý bà mặc áo đầm hở lưng khi dự dạ tiệc. Nhà thiết kế phải chịu trách nhiệm trước xã hội về những gì mình làm ra. Tôi là người Việt Nam nên hiểu rất rõ thế nào là thuần phong mỹ tục, thế nào là khiêu dâm. Việc cứng ngắc trong xét duyệt chỉ làm mất đi cảm hứng sáng tạo của nhà thiết kế".
"Người dân vẫn luôn có nhu cầu về nội y và đồ tắm nhưng các loại trang phục này không được phép trình diễn trên sân khấu. Hậu quả là hãy nhìn dân mình "diện" trang phục đi biển như thế nào? Đa số đều mặc áo thun và quần dài hay ngắn trông rất xấu và phản cảm khi tắm biển. Còn như thế nào là khiêu dâm, dung tục thì đã nói quá nhiều rồi, tựa như bàn cãi tranh ảnh khỏa thân vậy. Việc áp dụng cứng ngắc những quy định về hở hang trong thời trang sẽ khiến các nhà thiết kế dần bị thui chột ý tưởng sáng tạo. Dĩ nhiên người sáng tạo thời trang cũng không thể tạo ra những sản phẩm lai căng, phản cảm, khiêu gợi vì không hợp với văn hóa, phong tục, tập quán Việt Nam". |
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)