Romania giữa cơn bão tham nhũng

14/05/2008 22:24 GMT+7

Cuộc chiến chống tham nhũng tại Romania đang sa lầy nghiêm trọng, khiến lòng tin của người dân vào giới lãnh đạo ngày một giảm sút.

Cảnh sát Romania tuần qua đã tìm thấy trong xe hơi của Gigi Becali, Chủ tịch đội bóng đá danh tiếng Steaua Bucharest, 1,7 triệu euro. Lúc đó, chiếc xe hơi đang đậu bên ngoài một nhà hàng, nơi ông chủ tịch đang xem đá bóng. Ban đầu Becali nói rằng đó là tiền để người đại diện của ông ta mua sô-cô-la, kẹo và nhiều thứ khác. Tuy nhiên, sau đó thì Becali phải thừa nhận rằng khoản tiền này dùng để mua đất. Ngay lập tức, người ta mở một cuộc điều tra nhằm vào Becali với cáo buộc đã có hành vi tham nhũng liên quan đến giải vô địch bóng đá quốc gia Romania.

Theo Hãng tin Reuters, gần như cùng thời điểm với vụ Becali, Tổng thống Traian Basescu đã gióng lên hồi chuông báo động về nạn tham nhũng ở Romania. Ông Basescu nói rằng Tòa Hiến pháp là một tấm khiên che chở cho bọn tham nhũng. Ngài tổng thống đã chạm vào một vấn đề hết sức nóng bỏng của quốc gia nằm bên bờ Biển Đen này, nơi mà nhiều nhà ngoại giao châu u cho rằng nạn tham nhũng trong giới quan chức cấp cao đã hủy hoại công cuộc cải tổ kể từ khi quốc gia này gia nhập EU vào đầu năm ngoái. Giữa lúc mà Romania đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử chính quyền địa phương vào ngày 1.6, lại càng có nhiều lo ngại rằng hệ thống pháp lý đã không thể ngăn chặn quan chức tham nhũng leo lên những vị trí cao.

Khi phê phán Tòa Hiến pháp, ông Basescu muốn đề cập tới một phán quyết của tòa vào tháng 3 vừa qua, theo đó cơ quan công tố cần phải được sự phê chuẩn của Quốc hội thì mới có thể tiến hành kiểm tra một số quan chức cấp cao. Phán quyết này mở đường cho các trì hoãn trong tiến trình điều tra tham nhũng, khiến cho dư luận càng chỉ trích cuộc chiến chống tham nhũng tại quốc gia này kịch liệt hơn. Gần đây, một vài cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào các cựu quan chức và bộ trưởng đương nhiệm, bao gồm cả cựu Thủ tướng Adrian Nastase, đã sa lầy vì những quyết định trì hoãn của tòa án và thay đổi trong bộ máy lập pháp. "Chẳng có tiến triển nào kể từ năm 2005. Thông điệp cho dân chúng là quý vị phải có tiền và quyền thì mới sống tốt được. Ở đây không có luật, chỉ có quyền lực thôi", chuyên gia Laura Stefan của Tổ chức Nghiên cứu xã hội Romania bình luận với Reuters.

Việc Romania trầy trật trong nỗ lực làm trong sạch bộ máy nhà nước đã khiến ngày càng có nhiều nhà ngoại giao EU nói rằng có lẽ nước này đã gia nhập khối quá sớm. EU có chức năng giám sát tiến trình cải tổ ở các nước sắp gia nhập khối, nhưng một khi nước đó đã trở thành thành viên thì chức năng giám sát của EU cũng yếu dần. Chính vì lẽ đó, cùng với thực trạng tham nhũng "sôi động" ở Romania, mà giới quan sát cho rằng từ đây EU sẽ siết chặt hơn cánh cửa của mình, có nghĩa là các quốc gia vùng Balkans còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi gia nhập khối. Người ta cho rằng EU sẽ thận trọng hơn trong việc đưa ra các tiêu chuẩn kết nạp và sẽ giám sát chặt hơn quá trình cải cách ở các nước muốn gia nhập. "Bài học ở đây là nếu như có một vài thứ mà một quốc gia dường như không thể giải quyết trong khi chuẩn bị gia nhập, thì chúng tôi cũng không thể tin rằng quốc gia đó sẽ giải quyết rốt ráo sau khi đã trở thành thành viên EU", Katinka Barysch, một quan chức tại Trung tâm Cải cách châu u, phát biểu với Reuters.

Hiện nay, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Romania là quốc gia có nạn hối lộ nặng nề nhất EU. Chính phủ trung dung ở nước này luôn khăng khăng rằng họ đã làm hết khả năng để chống tệ lạm quyền và cải tổ bộ máy tư pháp. Họ còn trưng ra các con số của Văn phòng Chống tham nhũng quốc gia cho thấy hàng trăm người đã bị truy tố và hàng chục người đã bị kết tội trong thời gian gần đây. Bộ trưởng Tư pháp Catalin Predoiu tỏ ra lạc quan khi phát biểu với Reuters: "Tất nhiên là có người cưỡng lại các biện pháp cải cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, tôi rất vui khi thấy rằng cả chính phủ lẫn quốc hội đều cam kết chống tham nhũng".

Nói là vậy, nhưng kết quả của cuộc chiến chống tham nhũng lại rất khiêm tốn, đặc biệt những tội phạm bị vạch mặt là quan chức cấp cao thì rất hiếm. Mới đây, Báo Libera của Romania đã thực hiện một cuộc thăm dò và cho biết hầu như mọi quận hạt đều có một ứng viên tranh cử hoặc đang bị điều tra về hối lộ hoặc bị cáo buộc lạm quyền. Một trong những quan chức cấp cao nhất từng ngồi tù vì tham nhũng là Nicolae Mischie giờ đây đang chạy đua để trở lại bộ máy chính quyền sau khi rời đảng PSD để đầu quân cho đảng Thế hệ mới của trùm tài phiệt bóng đá Becali, nhân vật từng được đề cập ở đầu bài viết này. Mischie từng bị phạt 4 năm tù về tội lợi dụng quyền hạn để biển thủ khi đang đứng đầu một hạt ở miền tây nam Romania.

Một câu chuyện nữa cũng được báo chí Romania nhắc đến để minh họa cho sự sa lầy của cuộc chiến chống tham nhũng, đó là trường hợp của cựu Thủ tướng Adrian Nastase, cựu Bộ trưởng Giao thông Miron Mitrea và đương kim Bộ trưởng Lao động Paul Pacuraru. Ba nhân vật này đang đối mặt với lệnh truy tố tham nhũng, điều mà họ phủ nhận hoàn toàn. Trong vài tuần tới, Quốc hội dự kiến sẽ họp để xem xét phê chuẩn việc điều tra ba người này. Tuy nhiên, "không ai tin rằng giới lập pháp sẽ giao nộp họ cho bên công tố. Hồ sơ tham nhũng của họ sẽ biến mất mãi mãi", bình luận viên Mircea Maarian viết trên nhật báo Evvenimentul Zilei.

Châu Minh Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.