Người ghi hình lâm tặc phá rừng - Bài 1: Nỗi đau của ông Tiến "kiện"

14/05/2008 23:33 GMT+7

Đến huyện Đồng Phú (Bình Phước) hỏi ông Tiến "kiện" ai cũng biết. Với "vũ khí" là chiếc camera kỹ thuật số, ông đã bỏ ra hàng tháng trời lặn lội phục quay những cảnh tàn phá rừng, sau đó gửi kèm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng...

Như phóng viên chuyên nghiệp!     

Người nông dân ấy tên đầy đủ là Trần Đức Tiến, 59 tuổi, hiện cư ngụ ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Chúng tôi tìm đến nhà ông Tiến vào một buổi sáng cuối tháng 4, trong lúc ông đang xem lại những thước phim mà trước đó ông đã bỏ ra nhiều tháng trời mới ghi lại được. Trước mặt chúng tôi là một màn hình tivi, một đầu VCD đã cũ được cung cấp nguồn điện từ một máy phát đang nóng như hòn than, chứng tỏ ông đã xem nhiều giờ liền. Trên tivi là cảnh tàn sát rừng ở Lâm trường Suối Nhung, nay thuộc Ban quản lý kinh tế rừng Suối Nhung. Tay cầm điều khiển, ông Tiến tua đi tua lại những đoạn phim mà ông cho rằng khủng khiếp nhất: Tiếng cưa máy kêu vang trời, tiếng cây đổ ầm ầm, tiếng ô tô gầm rú, tiếng người cười nói hả hê mỗi khi có cây gỗ to vài người ôm đổ xuống... Bỏ cặp kính xuống nền nhà, ông quay sang chúng tôi: "Khủng khiếp quá, còn gì là rừng!".

Gỗ lậu vận chuyển bằng ô tô từ     Hai cán bộ kiểm lâm (x) đang   
 trong rừng đi tiêu thụ                   bảo  kê lâm tặc phá rừng - (Ả
nh chụp từ VCD do ông Tiến cung cấp)
 

Dưới nền nhà bụi đỏ ngầu, ông Tiến kể lại những ngày cơ cực phục quay cảnh rừng bị tàn phá. Đầu năm 2007, rừng Suối Nhung bị tàn phá nghiêm trọng. Mỗi ngày ông và người dân ở ấp Thạch Màng chứng kiến hàng trăm cây gỗ quý bị những kẻ phá rừng cưa hạ, vận chuyển ra Đồng Xoài tiêu thụå. Là người yêu rừng, ông không thể ngồi yên. Nhưng muốn tố cáo đến cơ quan chức năng thì phải có bằng chứng, vì vậy ông thuyết phục vợ để ông lên thành phố nhờ người mua giúp 2 máy quay phim kỹ thuật số. Có "vũ khí" trong tay, ông mang cơm nắm vào rừng dựng lán phục quay những cảnh tàn sát rừng. Ông có người em ruột là Trần Đức Quyền, công an viên ấp Thạch Màng. Biết việc làm của anh trai mình, Quyền lúc nào cũng bám sát lấy anh bất kể ngày đêm để bảo vệ. Bởi theo Quyền, năm 2004 cũng vì tố cáo kẻ phá rừng mà ông Tiến bị lâm tặc trả thù bằng cách đốt nhà, đánh ông gãy 4 xương sườn. Năm 2007, nhận được đơn thư tố cáo của ông, một số cơ quan chức năng ở tỉnh Bình Phước mời ông lên làm việc. Trên đường về đến đoạn đường vắng ông bị một xe ô tô 15 chỗ ngồi đi cùng chiều lao thẳng vào. Nhìn qua gương chiếu hậu thấy chiếc xe đang tăng tốc về hướng mình, cứ thế ông tăng ga lao luôn xuống suối. Thoát nạn nhưng ông phải gọi điện về nhà gọi người ra khiêng xe lên...

Ông Tiến lấy ra một thùng  VCD, cho biết đó là những thước phim  mà ông bỏ công sức nhiều tháng trời mới quay được. Ông mở cho chúng tôi xem 1 đĩa, chúng tôi kinh ngạc khi thấy ông thuyết phục được cả trưởng, phó ấp ra đến tận nơi những khu rừng đang bị tàn phá để phỏng vấn tại chỗ như một phóng viên truyền hình chuyên nghiệp.

Khu rừng nay đã trơ trụi, chỉ còn lại những gốc cây to vài người ôm

Ấn tượng nhất với chúng tôi là đoạn băng được ông quay vào ngày 11.4.2007 ở tiểu khu 363. Trong đoạn băng này có hai cán bộ kiểm lâm đang bảo kê cho những kẻ phá rừng. Xem đi xem lại đoạn băng này, tuy hơi mờ nhưng đủ nhận dạng hai người mặc đồng phục kiểm lâm đang "chỉ huy" 5 thanh niên cưa gỗ và vận chuyển lên xe ô tô. Không những ghi được hình ảnh, ông Tiến còn cho chúng tôi biết tên, đơn vị công tác của hai người mặc đồng phục kiểm lâm kia. Mỗi băng quay được trong ngày, ông đều sang lại hàng chục  VCD, sau đó gửi kèm theo đơn tố cáo đến nhiều cơ quan trong tỉnh nhưng đến nay việc phá rừng trên vẫn chưa được cơ quan nào xử lý thỏa đáng. "Họ cho rằng tôi quay chỗ này nói chỗ kia. Còn hai cán bộ kiểm lâm bảo kê bọn phá rừng thì họ trả lời là... không nhận dạng được" - ông Tiến chua chát nói.

Người giữ rừng không lương

Năm 1997, Lâm trường Suối Nhung làm hợp đồng tạm thời giao cho ông Tiến giữ một khu rừng tự nhiên ở tiểu khu 441, diện tích khoảng 1 ngàn ha. Từ đó ông có nhiệm vụ ngăn chặn các đối tượng vào chặt phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, săn bắn chim thú. Ông đã huy động anh em, bà con trong họ đi phát tuyến, làm biển báo cảnh báo, đóng cọc làm ranh. Để có kinh phí trông rừng, ông cùng thành viên trong gia đình sản xuất ở mọi nơi có thể tận dụng được vì lương trông giữ rừng mà Lâm trường Suối Nhung khoán cho ông chỉ là 50 ngàn đồng/ha/năm. Suốt 5 năm trông giữ 1 ngàn ha rừng, ngày cũng như đêm ông luôn băng rừng, lội suối để bảo vệ từng cây gỗ;  nhiều lần ông ngăn chặn kịp thời những đối tượng xấu có ý định xâm lấn, làm hại rừng. Không tháng nào ông không bị sốt rét hành hạ. "Việc ông Tiến giữ rừng tốt khiến Lâm trường Suối Nhung động lòng và tạo điều kiện cho ông làm nhà và lập vườn để ông hỗ trợ bảo vệ lâm trường cùng giữ rừng" - ông Trương Văn Đỏ, Trưởng ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung từng có ý kiến trong một văn bản.

Cứ tưởng nghề trông rừng sẽ gắn liền suốt cuộc đời ông Tiến. Thế nhưng đến năm 2002 Lâm trường Suối Nhung chấm dứt hợp đồng giữ rừng với ông với lý do không có kinh phí. Trong suốt 5 năm giữ rừng ông Tiến được ứng đúng 5 triệu đồng gọi là tiền thuốc chống sốt rét từ Lâm trường Suối Nhung. Ngay sau khi không được giữ rừng, tiền trông giữ lại không được lãnh, ông có làm đơn đề nghị Lâm trường Suối Nhung thanh toán cho ông số tiền ông đã mua vật dụng như tôn, sơn, kinh phí phát tuyến bảo vệ và công giữ rừng trong suốt 5 năm (từ 1997 đến 2002). Lâm trường Suối Nhung có hứa là lập tờ trình báo cáo xin kinh phí ở trên trả cho ông Tiến, nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được một đồng nào. 

Sau khi ông Tiến gửi đơn tố cáo những kẻ phá rừng kèm theo   VCD, nhiều cơ quan chức năng trong tỉnh đã vào cuộc. Họ có đến những khu rừng mà ông Tiến tố cáo để đếm, đánh số từng gốc cây nhưng đến nay nạn phá rừng vẫn cứ tiếp diễn. Tâm sự với chúng tôi, ông Tiến đau xót: "Trong suốt 5 năm tôi giữ 1 ngàn ha rừng, rừng không hề bị phá, trong rừng lúc nào cũng có chim, thú kêu vang. Giờ đây nhìn rừng tan hoang, những cây gỗ vài người ôm bị cưa hạ là tôi lại đau đớn". Chúng tôi hỏi, ông thuyết phục làm sao để trưởng và phó ấp cùng sát cánh với ông tố cáo kẻ phá rừng, ông nói ngay: "Tôi nói với mấy ông trưởng, phó ấp là tôi đang chống tham nhũng, nếu các ông cùng chống tham nhũng với tôi thì đứng ra làm chứng cho tôi, còn không là các ông tiếp tay cho tham nhũng. Nghe phải mấy ông đồng tình ngay". 

(Còn tiếp)

H.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.