Những chuyện “động trời” của Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn

16/05/2008 23:42 GMT+7

Trong thời gian làm Hiệu phó và 2 nhiệm kỳ Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn, ông Trần Tín Kiệt đã gây ra hàng loạt chuyện "động trời"...

Lãng phí công quỹ

Sai phạm của ông Trần Tín Kiệt không phải bây giờ mới xảy ra, mà biểu hiện coi thường pháp luật đã có từ khi ông này còn làm hiệu phó. Ngày 10.12.1994, Viện KSND tỉnh Bình Định đã kháng nghị những sai phạm của ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là ĐH Quy Nhơn), trong đó vạch trần nhiều sai phạm của ông Kiệt, nhưng không hiểu sao ông Kiệt chẳng hề hấn gì mà còn được thăng chức lên lãnh đạo trường!

Tại thời điểm đó, việc thu chi tài chính rất tùy tiện, vô nguyên tắc, không chấp hành đúng pháp lệnh kế toán thống kê gây lãng phí công quỹ nhà nước; coi thường Chỉ thị số 06-TTg ngày 5.1.1993 của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về việc thực hành triệt để tiết kiệm... Ông Kiệt nhiều lần "cầm đèn chạy trước ô tô" khi mạnh tay chi tiền trước, sau một thời gian dài mới duyệt chi và lập khống chứng từ thanh toán. Thanh tra Bộ GD-ĐT đã từng về làm việc và được lãnh đạo trường chi thanh toán công tác phí một cách bất hợp lý! (chi tiết này cũng được đề cập trong kháng nghị của Viện KSND tỉnh Bình Định).

Trù dập cán bộ

Quá bức xúc trước sự lộng hành của ông Kiệt, ông Trần Văn Nhiệm, nguyên là giảng viên - cán bộ kỹ thuật Ban quản lý công trình xây dựng trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là ĐH Quy Nhơn) thẳng thắn góp ý thì lập tức bị trù dập, bị thiệt hại tiền lương, chế độ thâm niên công tác, danh dự và quyền lợi về Đảng. Ông Nhiệm cho biết, ông vào Đảng năm 1960 nhưng đến năm 1995 khi về hưu thì bị tước quyền sinh hoạt Đảng, mặc dù bản thân không bị kỷ luật gì. Những sai phạm của ông Kiệt mà ông Nhiệm nêu ra, được Đảng ủy Dân chính Đảng tỉnh Bình Định vào cuộc kiểm tra và kết luận: "Ông Kiệt có vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính; cắt xén tiền của đồng chí (ông Nhiệm); nhận quà biếu, tiền của người nhận xây dựng công trình cho trường (bên B), gây nhiều dư luận và vướng mắc không giải quyết được; đặc biệt là chưa nghiêm túc trong trình bày cũng như kiểm điểm trước chi bộ".

Đảng ủy Dân chính Đảng yêu cầu Đảng ủy trường tổ chức kiểm điểm, phân loại đảng viên đối với ông Kiệt theo tinh thần Chỉ thị 14 của Ban Bí thư T.Ư Đảng, nhưng vụ việc đã bị "chìm xuồng". 13 năm qua, ông Nhiệm (người đấu tranh chống tiêu cực) gặp vô vàn khó khăn; viết hàng trăm lá đơn cầu cứu khắp nơi nhưng vẫn không được giải quyết thấu đáo. 

Ông Kiệt cùng lúc ký nhận 2 "mâm" tiền quản lý phí

Lừa... dự án

Cán bộ, giảng viên của trường còn rất bức xúc khi ông Kiệt vung tiền tỉ làm dự án nhưng không mang lại hiệu quả đúng như cam kết. Năm 2004, ông Kiệt ký tờ trình gửi đến UBND tỉnh Bình Định xin cấp 10 ha đất tại xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn để đầu tư xây dựng Trại chăn nuôi bò sữa và thực nghiệm, nghiên cứu khoa học nông nghiệp (gọi tắt là trại thực nghiệm) và đã được UBND tỉnh chấp thuận. Bằng nguồn vốn tự có, trong 3 năm (2005 - 2008) trường cam kết đầu tư hơn 3,5 tỉ đồng. Thế nhưng, hiện một số công trình của trại thực nghiệm bị hư hỏng, xuống cấp nặng, gây lãng phí lớn mà không nuôi bò sữa như mục tiêu đề ra. Khi bị chất vấn, ông Kiệt đẩy trách nhiệm cho ông Lê Xuân Hải, Trưởng phòng Quản trị - Thiết bị. Ông Hải phân bua: "Việc nuôi đà điểu không trái với mục đích ban đầu của dự án mà chỉ vì khi lập đề án phải đặt ra nội dung nuôi bò sữa thì UBND tỉnh mới ký duyệt giao đất"(!?). Khi thực hiện dự án, ông Kiệt cũng không tổ chức đấu thầu công khai mà ưu ái chỉ định thầu cho một đối tác làm ăn của mình.

Nhận tiền theo thói quen!

Theo điều tra, ông Kiệt từng ký nhận nhiều khoản thu với số tiền lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực tuyển sinh. Nhưng nhiều năm qua, ông Kiệt không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với người có thu nhập cao cho Nhà nước. Chỉ tính riêng khoa Giáo dục tiểu học, tiền quản lý phí hệ vừa học vừa làm năm 2004 đã lên tới hơn 42 triệu đồng, trong đó ông Kiệt ký nhận gần 16 triệu đồng ở 2 mục: Hiệu trưởng phụ trách chung và Ban giám hiệu. Một đảng viên chất vấn: "Hiệu trưởng nói rằng không có Ban giám hiệu mà chỉ có người giúp việc cho hiệu trưởng, tại sao lại ký nhận cả 2 mục tiền quản lý phí?". Ông Kiệt nói: "Đó chỉ là do thói quen...". Nếu liệt kê hết các khoa (hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm), thì số tiền quản lý phí, tiền duyệt đề và các khoản chi khác mà ông Kiệt ký nhận là rất lớn.

Tại cuộc họp Đảng bộ trường mới đây, ông Nguyễn Thanh Hải (Bí thư Chi bộ khoa Giáo dục chính trị) công khai cho rằng: "Ông Kiệt đã vi phạm tư cách đạo đức nghiêm trọng, không còn đủ uy tín để lãnh đạo nên đề nghị phải từ chức".

Nhóm PV tại Bình Định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.