Bế mạc Đại lễ Vesak 2008: Nỗ lực cho một thế giới hòa bình bền vững

17/05/2008 01:05 GMT+7

Chiều qua 16.5, Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 đã bế mạc với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội.

16 điểm của Tuyên bố nhấn mạnh đến những khía cạnh đa dạng mà Phật giáo có thể đóng góp, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh cho nhân loại. Tuyên bố Hà Nội thúc giục cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực cho một thế giới bền vững, bằng cách đề cao đối thoại, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau trong việc bảo hộ phẩm giá con người tại các quốc gia và các tôn giáo khác nhau. Tuyên bố Hà Nội thừa nhận "sự phát triển kinh tế và xã hội không thể được đảm bảo một cách bền vững khi thiếu vắng hòa bình và sự tôn trọng các quyền con người và tự do căn bản. Ủng hộ công bằng xã hội, dân chủ và quản trị tốt trong mọi thành phần của xã hội nhằm mang lại hòa bình và an ninh trong và giữa các quốc gia".

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nói: "Đại lễ Vesak ở VN là ngày hội văn hóa đoàn kết trong nước và quốc tế, nêu cao thông điệp hòa bình và yêu thương trên nền tảng tư tưởng của Đức Phật. Đại lễ không chỉ là lễ hội văn hóa tôn giáo quốc tế mà còn là cơ hội để thế giới biết đến Phật giáo, văn hóa VN, về chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách đại đoàn kết dân tộc của một VN yêu chuộng hòa bình, công lý". Phó thủ tướng hy vọng qua đại lễ, "tinh thần đoàn kết gắn bó của nhân loại thêm bền chặt, hành động ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội".

GS.TS Lê Mạnh Thát, Chủ tịch cũng nhấn mạnh chủ đề của Đại lễ Vesak 2008: "Sự đóng góp của Phật giáo về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" đã giúp nhìn nhận lại các vấn đề còn tồn đọng, khám phá điều mới lạ, góp phần giải quyết những thách thức không chỉ của tín đồ Phật giáo mà của cả nhân loại quan tâm.

Bản giao hưởng Khai giác của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo được trình diễn sớm hơn dự kiến đến 2 tiếng rưỡi đồng hồ, với sự tham gia biểu diễn của 450 ca sĩ, vũ công, nhạc công và 50 tăng sinh Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội. Hội trường kín chỗ ngồi trong sự im lặng tuyệt đối để những âm thanh đầu tiên là tiếng "Nam mô" vang lên. Trong 40 phút, tất cả mọi người có mặt trong khán phòng đã được thưởng thức bản giao hưởng hợp xướng gồm 7 chương, dựa trên lịch sử 7 tuần Thái tử Shiddarta giác ngộ thành Phật, tìm ra chân lý cứu khổ, giác ngộ, giải thoát, đem lại hòa bình và an lạc cho nhân loại.

Báo cáo kết quả đại lễ, đại đức Thích Nhật Từ, Tổng thư ký IOC nêu rõ: VN đăng cai tổ chức sự kiện quốc tế trọng đại này với tất cả tâm lực và trí lực. Trên 600 phái đoàn và khoảng 5.000 đại biểu đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng tìm những giải pháp cho các vấn nạn toàn cầu mà nhân loại và người con Phật đang quan tâm trong tinh thần từ bi và trí tuệ. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 tại VN gồm có bốn phương diện quan trọng, bao gồm tôn giáo, văn hóa, giáo dục và du lịch. Đại lễ đã tha thiết kêu gọi sự bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa  quốc tế, bao gồm di sản văn hóa  Phật giáo trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Đại diện cho Giáo hội Phật giáo VN, hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Phật giáo quốc tế cũng khẳng định những trao đổi sâu sắc trong khuôn khổ đại lễ góp phần làm cho cuộc sống tâm linh hằng ngày phong phú, ý nghĩa. "Qua đây, nhân loại có thể tìm ra giải pháp khắc phục những thách thức to lớn đang phải đối diện đồng thời tôn vinh các giá trị hòa bình, yêu thương, sâu sắc, hướng đến sự thăng hoa của một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà Đức Phật mang đến cho nhân loại".

Một chương trình nhạc giao hưởng và ca múa nhạc truyền thống cũng đã được trình diễn tối qua để chào mừng thành công của đại lễ. Sau lễ bế mạc, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình diễn ra lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình và sự yên nghỉ cho các nạn nhân thiệt mạng do cơn bão Nagris ở Myanmar và các nạn nhân trong vụ động đất ở Trung Quốc vừa qua.

Sáng nay 17.5, các đại biểu sẽ đi khánh thành chùa Bái Đính ở Ninh Bình và trồng cây bồ đề lưu niệm, sau đó khoảng 2.000 đại biểu cùng với hàng ngàn tăng ni phật tử sẽ tham gia Lễ cầu hòa bình quốc thái, dân an.

Bên lề Vesak

Ảnh: Tự Do

1. Cơm chay VN ghi điểm: Rất nhiều đại biểu trong và ngoài nước đã tấm tắc khen ngợi khẩu vị và cung cách phục vụ cơm chay tại Đại lễ Phật đản lần này. Tiệc chay dọn theo kiểu buffet (tự chọn) với gần 20 món độc đáo, lạ mắt, ngon miệng; nhân viên phục vụ tận bàn, tay chắp trước ngực, nụ cười và câu "Nam mô" luôn ở trên môi. Được biết, toàn bộ đồ ăn chay do Công ty u Lạc cung cấp miễn phí với tổng kinh phí khoảng 10 tỉ đồng.

2. Cặp đèn đắt khách: Nhờ nằm ở vị trí đắc địa (ngay trước cửa vào hội trường Trung tâm Hội nghị quốc gia) nên cặp đèn của chùa Hoằng Pháp, huyện Hóc Môn, TP.HCM (mỗi đèn cao 12m, nặng 10 tấn) luôn được các đại biểu và khách tham quan đại lễ ưu tiên chọn chụp hình kỷ niệm. Khi biết cặp đèn này đã được công nhận kỷ lục lớn nhất VN, ai cũng tranh thủ làm thêm vài kiểu ảnh.

3. Tình nguyện viên "kết" ca sĩ đoạt Grammy: Trong đêm Đại lễ nhạc chào mừng Vesak tối 14.5, cả hội trường đều bất ngờ, thích thú trước sự xuất hiện và trình diễn ở đẳng cấp cao của nam ca sĩ Mỹ từng đoạt giải Grammy Howard McCrary với bài hát Chúng ta là một gia đình. Các tình nguyện viên thế hệ 8X, 9X không bỏ qua cơ hội hiếm có này, khi Howard McCrary ra về, nhiều bạn đã tranh thủ xin chụp chung vài kiểu ảnh kỷ niệm bằng câu đề nghị rất dễ thương: We are a family! (Chúng ta là một gia đình mà!).

4. Quá tải chỗ giữ xe: Do số lượng khách quá đông nên bãi giữ xe gắn máy duy nhất của Trung tâm Hội nghị quốc gia luôn trong tình trạng quá tải những ngày diễn ra Đại lễ Vesak. Cứ khoảng 18 giờ chiều là chủ bãi thông báo hết chỗ, báo hại các ca sĩ, diễn viên đến trình diễn trong chương trình buổi tối bằng xe máy phải năn nỉ hết hơi hoặc chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi.

Tự Do

Như Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.