Soi lại mình khi tìm hiểu về Bác
Một buổi sáng tháng 5, Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 1 Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM) rực rỡ nắng và ướp trong bầu không khí thơm ngát của những cây ngọc lan đang độ trổ bông. Khắp khuôn viên rộn vang tiếng nói cười của hàng trăm học sinh trường Tiểu học dân lập Quốc tế. Trong bộ đồng phục và chiếc mũ ca-lô đội lệch, từng nhóm tíu tít nhìn ngắm hiện vật, đọc chú thích ảnh. Cách đó không xa, hơn 150 sinh viên đến từ trường Đại học Kinh tế TP.HCM, người cầm bút hí hoáy ghi chép, người bấm máy ảnh tanh tách. Hỏi ra mới biết, các bạn đi sưu tầm tài liệu để chuẩn bị cho bài tiểu luận tại lớp.
Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là thời điểm khách tham quan đến nhiều nhất. Kim Liên, cô bạn đang công tác ở tổ thuyết minh, cho biết: "Tháng 3 là đông khách nhất, chủ yếu là các bạn thanh niên, học sinh. Những ngày lễ, mỗi ngày có khoảng 10 đoàn khách lớn tới tham quan; đó là chưa kể khách đi lẻ hay đi theo gia đình. Những ngày đó, tổ thuyết minh của mình phải xoay mòng mòng. Mệt nhưng vui!", Liên cười, chiếc áo dài lấm tấm mồ hôi vẫn chưa kịp khô sau khi kết thúc bài hướng dẫn.
Tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Kim Liên về Bảo tàng Hồ Chí Minh công tác và đến giờ đã gắn bó được 6 năm. Nắm vững về cuộc đời hoạt động của Bác, nhưng Kim Liên đặc biệt hứng thú khi tìm hiểu, hướng dẫn cho khách về tấm gương đạo đức của Bác. "Tìm hiểu về Bác, mình cũng học hỏi được nhiều điều để ứng dụng trong cuộc sống và công việc. Ví dụ như cách làm việc khoa học, lối sống cần kiệm... Ngoài giờ làm, mình vẫn tìm đọc thêm các tài liệu về Bác Hồ để truyền đạt tốt hơn, giúp mọi người hiểu rõ hơn về Bác của chúng ta", Kim Liên chia sẻ.
Đưa hình ảnh Bác đến mọi miền
Những hình ảnh, hiện vật, tài liệu về Bác được giới thiệu tới đông đảo mọi người là kết quả làm việc miệt mài của nhiều thành viên trong Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đầu tiên là công đoạn sưu tầm hiện vật, bảo quản, trưng bày và cuối cùng là giới thiệu ra công chúng. Biết tin ở đâu có hiện vật liên quan đến cuộc đời của Bác hoặc tình cảm của nhân dân miền Nam đối với Bác là những thành viên này tìm đến ngay để sưu tầm. Nguyễn Thị Kim Phú, cô gái làm công tác sưu tầm - bảo quản, cho biết: "Bọn mình chăm sóc cho hiện vật còn kỹ hơn cả chăm sóc bản thân. Phòng lưu trữ phải được duy trì nhiệt độ, độ ẩm ổn định, nếu hiện vật có hư hại nhỏ gì là phải tiến hành phục chế ngay".
Không chỉ trưng bày tư liệu, hiện vật tại TP.HCM cho khách đến tham quan, Bảo tàng còn kết hợp với nhiều công ty và chính quyền các địa phương tổ chức trưng bày lưu động để càng nhiều người có dịp hiểu thêm về Bác. Những chuyến đi về Trà Vinh, Tiền Giang, đặc biệt là Côn Đảo đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng Nguyễn Ngọc Thiên, cán bộ phụ trách trưng bày. Với những chuyến triển lãm xa này, các anh phải đi tiền trạm để khảo sát địa hình rồi vận chuyển tư liệu, hiện vật đến tận nơi. Ngọc Thiên sôi nổi: "Trưng bày tại bảo tàng, mình có sự chủ động về không gian và có sự chuẩn bị kỹ hơn cho nội dung cần giới thiệu. Tuy nhiên những chuyến triển lãm lưu động lại thú vị ở chỗ: không gian của nó khá mở và rất thuận tiện cho người dân tại địa phương nên họ tới tìm hiểu rất đông".
Từng thực hiện hơn 20 chuyên đề triển lãm về Bác, trong đó được nhiều người quan tâm và bản thân Ngọc Thiên cũng thấy tâm đắc nhất là chuyên đề Học tập và làm việc theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Theo Thiên, trong tình hình phát triển kinh tế hiện nay thì vấn đề học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vô cùng quan trọng. "Trước đây, mình nhiều khi tiêu pha còn hoang phí. Nhưng càng tìm hiểu về Bác, thấy rằng Bác là vị chủ tịch nước mà cần kiệm như thế thì mình cũng phải sửa đổi ít nhiều..." - Ngọc Thiên chia sẻ.
Phương Nguyên
Bình luận (0)