Những lần gặp Bác
Tham gia cách mạng khi còn rất trẻ, đang học tại trường Bưởi, cậu học trò Lê Đức Vân đã nhiệt tình hoạt động trong hội Tu Thân (sau đó trở thành đội Ngô Quyền), rồi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc và nhanh chóng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản từ năm 16 tuổi. Trong những ngày Cách mạng Tháng 8 lịch sử, Lê Đức Vân vinh dự được tham dự cuộc họp quyết định khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra tối ngày 17, rạng sáng ngày 18.8.1945... Và sau đó, nhiều lần, người thanh niên này vinh dự được gặp Bác Hồ.
Lần thứ nhất, ông Lê Đức Vân là một trong ba thanh niên được gặp Bác Hồ sớm nhất sau ngày Cách mạng Tháng 8 lịch sử thành công. Khi đó, ông Vân mới 19 tuổi và đang công tác tại Ban Thanh vận Hà Nội. "Tôi cùng anh Vũ Quang và một người nữa bây giờ không nhớ được tên, được gặp Bác Hồ tại Nhà khách Chính phủ. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong 15 phút. Bác ngồi ghế, chúng tôi đứng vây quanh. Bác hỏi: "Thanh niên Hà Nội hiện nay đang làm gì?". Chúng tôi thưa với Bác: "Thanh niên Hà Nội đang tham gia chống lụt và chống đói". Bác lại hỏi: "Các cháu vận động những thanh niên chưa theo Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu như thế nào?". Tôi nhanh nhảu thưa: "Chúng cháu phải chi phối họ". Nghe tôi nói vậy, Bác nhắc nhở: "Thế nào là chi phối? Các cháu phải vận động những thanh niên đó làm như các cháu mới được. Muốn được như thế, các cháu phải gương mẫu". Ông Vân nhớ lại... Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, ông Vân cảm nhận được Người rất hiền từ, giản dị và thật gần gũi. Cuộc gặp gỡ, những lời căn dặn của Bác đã ghi dấu ấn đậm nét trong tâm trí ông Vân và từ bấy đến nay, ông vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Người.
Ông Vân tiếp tục kể: "Sau khi chúng ta tiếp quản thủ đô (1954), tôi được giao nhiệm vụ phụ trách phong trào sinh viên, học sinh và thanh niên Hà Nội. Bác Hồ rất yêu quý thanh thiếu niên và nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với đại diện những người trẻ tuổi. Cuộc gặp nào tôi cũng may mắn được tham gia. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, Bác thường đề cao vai trò của thế hệ trẻ, bày tỏ mong muốn những người trẻ tuổi luôn phấn đấu, trau dồi tác phong đạo đức, không ngừng học tập để mai này gánh vác trọng trách là những chủ nhân của đất nước". Với ông Vân mỗi lần được gặp Bác là một kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời.
Bộ sưu tập tem đặc biệt
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống sưu tầm tem, ông Lê Đức Vân cũng yêu tem, "say" tem, dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho thú chơi tao nhã này. 10 năm trước, ông Vân bắt đầu sưu tầm tem về Hồ Chủ tịch "như một sự mặc nhiên". Khi đó, ông có thú sưu tầm tem về những chính khách, danh nhân văn hóa, những người nổi tiếng và có ảnh hưởng đối với thế giới... "Ban đầu tôi sưu tầm tem về Bác Hồ vì Người là vị lãnh tụ, là anh hùng dân tộc, là công dân số 1 của Việt Nam. Tiếp đó, bằng tất cả lòng kính yêu, khâm phục và biết ơn Người đã một đời đấu tranh để mang về cho dân tộc Việt Nam độc lập, tự do và hạnh phúc, tôi quyết tâm sưu tầm tem về Bác với mong muốn kể cho mọi người nghe câu chuyện tương đối đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác", ông Vân tâm sự.
Đã 10 năm trôi qua, ông già Lê Đức Vân vẫn đêm ngày miệt mài sưu tầm những con tem về Bác Hồ và dày công thể hiện một cách sinh động trong bộ sưu tập vô giá của mình. Hiện tại, ông Vân vẫn đang nỗ lực hết mình trong việc kiếm tìm những con tem nhỏ bé nhưng chứa đựng những giá trị to lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh để kịp hoàn thiện bộ sưu tập, trưng bày nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người. Dù bộ sưu tập vẫn chưa thật hoàn chỉnh nhưng nó đã khắc họa một cách sinh động và rõ nét thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch. Trên 500 con tem về Bác Hồ do Việt Nam và nhiều nước trên thế giới phát hành nhân những dịp lễ lớn được ông Vân cẩn thận trình bày trong 4 khung tem đẹp đẽ đủ để nói lên sự công phu của bộ sưu tập.
Các trang tem Bác Hồ trong bộ sưu tập của ông Vân |
Từng trang tem trong bộ sưu tập đã kể cho chúng tôi nghe về thời thơ ấu, về những năm bôn ba năm châu bốn biển đi tìm đường cứu nước, về "Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của chúng ta"... của Người. Lật giở từng trang tem, chúng tôi được ngắm nghía từng con tem in dấu hình của Bác, in đậm từng dấu chân của Người trên con đường tranh đấu vì dân, vì nước: từ bến cảng Nhà Rồng, nơi cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành bước chân lên tàu đi tìm đường cứu nước; đến những nơi mà Người đã đi qua: Anh, Pháp, Đức, Liên Xô, Trung Quốc, Ý...; lúc Bác đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khi Bác chỉ đạo quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đến khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng và hình ảnh Bác sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc... Từng trang tem cũng đưa chúng ta đến với những tư tưởng lớn của Người: "Không có gì quý hơn độc tự do", "Cần, kiệm, liêm, chính"...
Để có được những trang tem quý báu này, ông Vân đã phải kiên trì kiếm tìm và tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc. "Có nhiều trường hợp, Việt Nam và các nước trên thế giới không ra tem về Bác Hồ trong những mốc thời gian, sự kiện lịch sử mà Bác đã tham gia. Vì thế, tôi phải sưu tầm những con tem khác, diễn tả được thời gian, địa điểm và được phát hành đúng vào thời điểm mà Người ở đó và chú thích tỉ mẩn, chính xác bằng ngôn từ" - ông Vân cho biết. Và để tiện cho việc sưu tầm, thể hiện bộ tem đồ sộ này một cách khoa học, chính xác, ông Vân đã phải đọc rất nhiều sách báo viết về thân thế, sự nghiệp của Bác, trong đó phải kể đến 10 tập của bộ sách "Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 1994.
"Đọc tài liệu, sưu tập tem về Bác, tôi hiểu hơn về nhân cách cao đẹp, sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tài năng và những cống hiến to lớn của Bác cho đất nước, càng thêm kính yêu, cảm phục và biết ơn Người, nguyện một đời sống và học tập theo tấm gương Hồ Chủ tịch vĩ đại" - ông Vân tâm sự.
Quang Duẩn
Bình luận (0)