Nhiều lao động đang bị chiếm dụng bảo hiểm xã hội

22/05/2008 00:12 GMT+7

Nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) để chăm lo người lao động khi ốm đau, thai sản, nghỉ việc hoặc khi họ về hưu - đó là quy định bắt buộc. Nhưng bắt buộc bằng cách nào thì dường như chưa rõ ràng, dẫn đến việc nhiều cơ quan, doanh nghiệp chây ì nộp BHXH gây thiệt hại lớn cho người lao động.

"Họ không ngán chúng tôi"

Ông Bùi Đức Tráng - Phó giám đốc BHXH TP.HCM khi trao đổi với PV Thanh Niên đã xác nhận như vậy về tình trạng chây ì việc trích nộp BHXH tại TP.HCM, kéo dài nhiều năm qua.

Ông Tráng cho biết, trước khi báo chí đăng tải việc cơ quan BHXH "Khởi kiện 5 doanh nghiệp chiếm dụng BHXH của công nhân" (Thanh Niên ngày 21.4.2008), BHXH TP đã "dọa" sẽ đưa lên báo một doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng kim khí điện máy mang tên T.T, có trụ sở chính tại quận Tân Bình. Công ty này đã nợ BHXH TP một số tiền lớn, đã được cơ quan BHXH của quận và TP nhắc nhở nhiều lần nhưng không nộp. Nghe như vậy, lập tức Công ty T.T đã cho người mang tiền lên BHXH TP... khắc phục hậu quả. Còn 5 DN nợ BHXH một số tiền lớn, sau khi bị dư luận lên tiếng thì 2 trong số đó cũng đã khắc phục hậu quả. 3 DN còn lại nộp một phần và có công văn xin... chậm nộp. "Rõ ràng, họ không ngán cơ quan BHXH của chúng tôi", ông Tráng nói vậy.

Tại sao lại có chuyện lạ đời như trên? Trả lời PV, ông Tráng đã dẫn ra một số những bất cập mà ngay cả một đơn vị từng được phong tặng "Anh hùng lao động" như cơ quan BHXH TP.HCM, dù có cố gắng đến mấy cũng không thể vượt qua. Theo giải thích của ông Tráng, thì tất cả các đối tượng nằm trong quy định phải nộp BHXH bắt buộc, phải nộp tiền BHXH mỗi tháng một lần, hoặc chậm nhất là 3 tháng một lần nếu có khó khăn chính đáng. Trong thời gian chậm nộp, DN phải chịu lãi suất ngân hàng theo quy định. Nếu chậm nộp kéo dài thì cứ 6 tháng cơ quan BHXH sẽ lập đoàn đi kiểm tra và... nhắc nhở (!).

Thực tế, rất nhiều DN nợ BHXH đã bị nhắc nhở như vậy, đã hứa sẽ đóng ngay, nhưng sau đó tiếp tục... lờ. Sở dĩ có tình trạng nợ tiền BHXH kéo dài, cơ quan BHXH không thể thu được để chi trả cho người lao động là vì theo quy định trong Luật BHXH, cơ quan BHXH chỉ được quyền nhắc nhở, chứ không có quyền chế tài. Còn trong Luật Lao động, có quy định các đơn vị nợ tiền BHXH kéo dài gây thiệt hại cho người lao động thì phải chịu phạt và mức phạt tối đa là 20 triệu đồng/lần. Nhưng cơ quan được quyền xử phạt hành vi này là Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH và chủ tịch UBND quận, huyện, sau khi đã tổ chức đoàn thanh kiểm tra tại đơn vị vi phạm; cơ quan BHXH không có quyền này.

Tuy nhiên, ngay cả khi cơ quan BHXH phối hợp với các cơ quan chức năng nêu trên để xử phạt thì hiệu quả thu tiền BHXH cũng không cao. Lý do là theo Nghị định của Chính phủ, trong vòng 1 năm một đơn vị chỉ bị thanh - kiểm tra tối đa 1 lần. Ông Tráng bức xúc: "Đối với các DN nợ BHXH lên tới tiền tỉ như tại TP.HCM thì việc chỉ bị phạt 20 triệu đồng trong một năm là không tác dụng gì với họ". Vì nếu họ đem số tiền chiếm dụng gửi ngân hàng thì tiền lãi các DN thu về cao hơn số tiền bị phạt gấp nhiều lần.

Theo ông Tráng, những lý do thuộc về cơ chế đó đã khiến việc thu tiền BHXH trở nên không hiệu quả trong thời gian qua tại các địa phương có đông xí nghiệp, nhà máy, công ty; nhất là có đông DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Khởi kiện theo Luật Dân sự

Trước vấn nạn này, BHXH VN đã kiến nghị lên Chính phủ cần có giải pháp khắc phục. Trước hết là vì quyền lợi cho hàng triệu người lao động. Đến 1.1.2007, Chính phủ đã có Thông tư liên ngành (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) cho phép cơ quan BHXH có thể trích tiền nợ BHXH của DN từ tài khoản ngân hàng. Giải pháp này, theo ông Tráng là khả thi. Nhưng trên thực tế vẫn... bế tắc.

Vì ngay sau khi thông tư trên ra đời, các DN cố tình chây ì đóng BHXH đã nhanh chân... giải thể DN, chuyển hết tiền sang một DN khác do chính họ lập ra. Cơ quan BHXH mặc dù biết chắc rằng tiền trong tài khoản của DN mới thành lập đó chính là của DN cũ đã nợ đọng tiền BHXH, nhưng trên lý thuyết vẫn không có quyền phong tỏa tài khoản này, vì tư cách pháp nhân của hai DN là khác nhau hoàn toàn.

BHXH TP.HCM đã tìm ra giải pháp để buộc các DN phải trả lại cho công nhân số tiền mà họ phải được hưởng theo quy định của pháp luật. Theo Luật Dân sự, các DN nợ BHXH là "con nợ" của cơ quan BHXH. Nếu sau thời gian quy định phải trả nợ (như trong Luật BHXH quy định từ 1-3 tháng) mà "con nợ" không trả, thì cơ quan BHXH có quyền khởi kiện DN đó ra tòa. Đó là giải pháp mà BHXH TP.HCM đang áp dụng.

Tuy nhiên hiệu quả xét xử thế nào thì vẫn còn tùy thuộc vào phán quyết của Tòa án. Đơn cử là Công ty TNHH Giày dép Kwang Nam (phường 9, Q.Phú Nhuận) tính đến 31.12.2007 đã nợ BHXH TP.HCM tổng số tiền lên đến hơn 6,4 tỉ đồng, đã bị kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt hàng chục lần và đã bị cơ quan BHXH TP khởi kiện ra tòa. Nhưng đến nay số tiền mồ hôi công sức đó của hàng ngàn công nhân Công ty Kwang Nam vẫn chưa thu hồi được.

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.