Xung quanh việc Pacific Airlines mang tên mới - Jetstar Pacific

23/05/2008 01:58 GMT+7

Thành lập năm 1991 với tên gọi Công ty hàng không cổ phần Pacific Airlines (PA), PA là mô hình mới của nền kinh tế nước ta khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa, đổi mới. Là hãng hàng không thứ hai ở Việt Nam, PA đã trải qua bao thăng trầm để tồn tại, phát triển cho đến ngày hôm nay. Nhưng từ 23.5.2008, Pacific Airlines sẽ đổi tên thành "Jetstar Pacific" (Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines).

Đổi tên, thay áo

Trong cuộc họp báo ngày 14.4.2008 tại TP.HCM, công bố sự kiện đổi tên của PA, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc PA thông báo, theo bản Hợp đồng kinh doanh dịch vụ (BSA)  giữa Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các cổ đông của PA với Jetstar (Úc) thì từ ngày 23.5.2008, thương hiệu Jetstar sẽ áp dụng cho tất cả các lĩnh vực của Jetstar Pacific, bao gồm tiếp thị và quảng cáo, trang trí máy bay, các kênh kinh doanh, đồng phục nhân viên... Màu sắc mới trên thân máy bay của đội bay A320s sẽ thể hiện hai màu đặc trưng của Jetstar là màu cam và đen, màu sắc bên ngoài máy bay chủ yếu là màu bạc, dòng chữ Jetstar Pacific, phía dưới là dòng chữ Jetstar.com, đuôi máy bay được trang trí hình ngôi sao 5 cánh màu cam, logo của Jetstar.

Theo kế hoạch hợp tác mới, vào tháng 8 năm nay, Jetstar Pacific sẽ tiếp nhận chiếc A320 đầu tiên, điều này sẽ giúp hãng mở thêm các đường bay từ Hà Nội đi Đà Nẵng, Huế, Nha Trang. Cuối năm 2008 sẽ mở các đường bay quốc tế đến Thái Lan, Campuchia, Singapore và Kuala Lumpur (Malaysia).

Hai luồng ý kiến

Xung quanh sự kiện PA đổi tên có hai luồng ý kiến:

Luồng ý kiến thứ nhất tỏ ra rất phấn khởi vì cho rằng cái tên PA không có ý nghĩa mấy trên thương trường hàng không. Việc Jetstar - một hãng hàng không có uy tín trong khu vực chấp nhận cho PA mang thương hiệu của mình chứng tỏ đến giai đoạn này công tác tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, chất lượng dịch vụ của PA đã thay đổi theo chiều hướng đi lên, được Jetstar chấp nhận. Có người cho rằng một số hãng hàng không của Indonesia muốn mua thương hiệu của Jetstar nhưng không thành công. Nếu như cách đây 1 năm Qantas phải bỏ tiền để mua 30% cổ phần của PA thì bây giờ đổi sang tên mới, PA phải bỏ tiền (PA không công bố số tiền này) để mua thương hiệu của Jetstar.

Luồng ý kiến khác thì ngậm ngùi cho một cái tên PA đã có từ 17 năm nay, giờ biến mất. Trên thế giới việc một hãng hàng không gắn hoạt động thương mại của mình với một liên minh phù hợp là bình thường, không khác gì hãng hàng không của Việt Nam tham gia một liên minh nào đó, ví dụ Star Alliance, One World, theo đó các hãng chung thương hiệu của liên minh, phối hợp lịch bay, hệ thống bán (code share) nhưng vẫn khai thác độc lập theo thương quyền của mình và không được chia sẻ lợi nhuận kinh doanh. Nhưng với những gì đã thông báo tại cuộc họp báo trên thì dư luận không được biết sau ngày 23.5.2008 các chuyến bay của Jetstar - Pacific sẽ mang code nào? Có còn mang code BL mà PA đã đăng ký với ICAO không? Người ta còn muốn biết số tiền mà PA phải trả cho Jetstar khi sử dụng thương hiệu của hãng này được thanh toán theo phương thức nào? Có phải sẽ trả theo một tỷ lệ nào đó trên doanh thu bất kể lỗ, lãi của Jetstar-Pacific hay không? 

Lãnh đạo Jetstar và Pacific Airlines trong buổi giới thiệu tên gọi mới - Ảnh: TQPR

Theo thông cáo gửi các cơ quan báo chí: Ngoài việc Jetstar cử người tham gia vào hầu hết các lĩnh vực trong ban lãnh đạo của Jetstar-Pacific thì thương hiệu Jetstar sẽ áp dụng cho tất cả các lĩnh vực của Jetstar Pacific, bao gồm tiếp thị và quảng cáo, trang trí máy bay, chính sách kinh doanh, trang web đặt chỗ, đồng phục cho nhân viên... Vậy còn biểu hiện nào, dù là bên ngoài, để mọi người có thể nhận ra đây là một hãng hàng không của Việt Nam?

Vì vậy mà có người đặt câu hỏi: Đây có đơn thuần chỉ là sự "đổi tên"? Với việc sử dụng thương hiệu của Jetstar như thông báo, liệu hành khách bay cùng Qantas/Jetstar đến Việt Nam có hiểu rằng mình sẽ được bay cùng Jetstar đến các điểm khác trên Việt Nam? Điều mà nhiều người hiểu biết về ngành hàng không lo ngại liệu có xảy ra hay không, đó là việc một hãng hàng không nước ngoài tham gia chở khách trên thị trường hàng không nội địa của Việt Nam? Xin nhớ rằng, đây là điều được hầu hết các quốc gia bảo vệ như bảo vệ chủ quyền của mình và điều này được ICAO thừa nhận.

Bài học cũ cho chuyện mới

Qantas là một hãng hàng không khá hùng mạnh. Jetstar là công ty con của Qantas, một nhà vận chuyển giá rẻ đang nổi trên thị trường khu vực. Jetstar có mạng lưới trên toàn nước Úc, với 40 điểm đến ở châu Á/Thái Bình Dương có nghĩa là sẽ có hành khách của Jetstar đến/đi từ 40 điểm đó có thể cùng Jetstar đi/đến rất nhiều điểm ở Việt Nam. Điều này không thể không ảnh hưởng đến các hãng hàng không Việt Nam như VNA - hãng hàng không quốc gia, nhất là các hãng hàng không vừa được thành lập (VietJet Air, Air speed up) và chuẩn bị cất cánh vào cuối năm nay.

Nhớ đến bài học của Coca-Cola Việt Nam hơn chục năm trước có người đặt câu hỏi: trong tình hình xăng dầu và các chi phí khác lên giá chóng mặt như hiện nay, việc  Jetstar Pacific tung ra những chiếc vé "giá rẻ" bất ngờ cùng những chiêu khuyến mãi như thế thì phần lãi còn lại có hay không? Với hơn 70% là vốn của Nhà nước thì phía bị thiệt hại nhiều nếu Jetstar Pacific làm ăn thua lỗ là phía Việt Nam chứ không phải là Jetstar hay Qantas.

Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 và Nghị định 76/2007-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không thì việc đổi tên, hợp đồng hợp tác giữa Jetstart và Pacific Airlines hay việc thay màu cờ, sắc áo của Pacific Airlines phải được nhà chức trách hàng không xem xét, thẩm định. Được biết, đầu tháng 5 vừa rồi, Pacific Airlines đã có văn bản trình Cục HKVN về vấn đề này và các nhà chức trách hẳn sẽ có những quyết định đúng luật để việc đổi tên này trở về với đúng nghĩa của nó!

Hoàng Hồng Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.