Đồng loạt ra quân...
Có thể nói, những điểm, tuyến đường "được" văn bản 2724/UBND-QLĐT yêu cầu phải nhanh chóng nghiêm túc chấn chỉnh đều là những điểm rất "nóng". Chẳng hạn khu vực chợ Hàn (Q.Hải Châu), dọc theo ven chợ là tuyến đường Nguyễn Thái Học, thường xuyên bị những hộ kinh doanh chiếm dụng làm nơi buôn bán. Có một thời gian, khu vực này được lực lượng thanh niên xung kích của TP giữ yên, nhưng về sau, cứ sau 11giờ, hoặc sau 17 giờ hằng ngày, khi lực lượng này vắng bóng thì những hộ kinh doanh lại chiếm dụng vỉa hè và thậm chí cả lòng đường, bán từ cá, tôm, thịt đến trái cây, rau, củ quả, quần áo... Khu chợ Hàn lại là nơi khách du lịch trong nước và quốc tế thường xuyên đến mua sắm và tham quan nên cảnh tượng nhếch nhác xung quanh chợ khiến một phần hình ảnh của Đà Nẵng trở nên phản cảm.
Cũng "nguy kịch" không kém là tuyến đường Hoàng Diệu, đoạn gần chợ Mới (Q.Hải Châu); cứ khoảng 16-19 giờ là chợ “chồm hổm” lại mọc lên chiếm dụng toàn bộ vỉa hè, và có lúc cả lòng đường, dù chợ chính cách đó không bao xa. Cung đường ven biển Nguyễn Tất Thành là điểm khá nóng, bởi đây là tuyến đường khi được xây dựng, với mục đích tạo nên hình ảnh "Cung đường ven biển đẹp nhất miền Trung", nhưng vỉa hè của tuyến đường này cũng trở nên phản cảm với hình ảnh những người buôn bán nhỏ lẻ các loại đặc sản biển tươi sống. Bao nhiêu loại nước cá, tôm, mực... sau khi bán mua, được đổ dọc vỉa hè này, nên mùi tanh tưởi cứ vậy bốc lên, ảnh hưởng đến cung đường ven biển rất đẹp này.
Cùng với những điểm trên, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ phải xử lý dứt điểm các hộ kinh doanh, buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các khu vực chợ Tam giác (cũ), đường Nguyễn Tất Thành, đường Cách Mạng Tháng Tám, đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Ông Ích Khiêm... Bên cạnh đó, những lực lượng như cảnh sát giao thông, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, công an thành phố cùng thanh tra giao thông công chính tăng cường kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường chính.
Nhưng... thiếu lực lượng!
Có thể nói, quyết liệt nhất đối với văn bản xử lý nghiêm những vi phạm về kinh doanh lấn chiếm vỉa hè là UBND quận Thanh Khê. Hai tuyến đường mà địa phương này được UBND TP lưu ý là tuyến đường Nguyễn Tất Thành và đường Điện Biên Phủ. Để thực hiện ráo riết nhiệm vụ này, quận Thanh Khê đã xây dựng một lực lượng quy chế, mỗi phường 3 người, trực 3 ca/ngày để dẹp "loạn" lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Nhưng, Chủ tịch UBND quận Thanh Khê, Nguyễn Thương cũng cho biết, dù rất quyết tâm làm cho bằng được để xây dựng hình ảnh văn hóa - văn minh đô thị nhưng do lực lượng quá mỏng, nên chỉ cần lực lượng kiểm tra vắng mặt một thời gian ngắn là tình trạng lấn chiếm đâu lại hoàn đó. Chủ yếu vẫn là ý thức của người dân.
Những người buôn bán chủ yếu vẫn là dân tứ xứ nhập cư đến, nên việc áp dụng chế độ hỗ trợ thay đổi ngành nghề như đối với người dân địa phương không thể áp dụng được, vì vậy, cũng còn nhiều khó khăn! Phó chủ tịch UBND quận Hải Châu - Kiều Văn Toàn thì khẳng định, dù việc xử lý những trường hợp vi phạm vỉa hè được tiến hành từ trước đến nay, nhưng sau khi văn bản UBND TP chỉ đạo, thì lực lượng quy tắc quận và các phường đã có sự phối hợp với công an quận để kiên quyết dẹp loạn vỉa hè.
Dù "hạn chót" từ văn bản của Chủ tịch UBND TP là 25.5, nhưng đến nay, trên thực tế, hầu hết các vỉa hè vẫn chưa được trả lại về đúng nguyên trạng. Những tuyến đường bị những hộ kinh doanh tự ý lấn chiếm, đến chiều ngày 27.5 vẫn đâu lại hoàn đấy. Việc sai phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tràn lan, trong khi lực lượng chức năng vẫn còn quá mỏng. Nếu vẫn không xây dựng lực lượng chuyên trách, không có sự đầu tư đúng mức, không có lộ trình, hoạch định cũng như sự quan tâm rốt ráo, thì cho dù văn bản có cương quyết đến đâu, cũng khó có thể dẹp được loạn này.
Diệu Hiền
Bình luận (0)