Bình ổn thị trường xi măng bằng cách nào?

29/05/2008 01:40 GMT+7

Để có thể trả lời câu hỏi này, nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng đã cùng ngồi lại tại Hội nghị "Bình ổn thị trường xi măng phía Nam" diễn ra ngày 28.5 ở TP.HCM dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân.

Dự đoán không đúng nhu cầu thị trường

Một tính toán của Bộ Xây dựng hồi đầu năm dự đoán nhu cầu tiêu thụ xi măng của cả nước trong năm 2008 sẽ tăng 10-14% so với năm 2007. Trên thực tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm tại khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TP.HCM (khu vực 4), nhu cầu này đã tăng từ 20-21% so với cùng kỳ. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, miền Nam tiêu thụ 40% sản lượng xi măng của cả nước nhưng chỉ sản xuất được 27%. Nguồn cung hàng thiếu hụt đã dẫn đến những biến động trên thị trường trong thời gian vừa qua. 

Ông Nguyễn Quang Cung, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), thừa nhận: "Nhu cầu sử dụng xi măng tại khu vực 4 đã tăng cao hơn dự kiến của chúng tôi hồi đầu năm". Đó là lý do chính khiến thị trường khan hiếm xi măng, bởi theo ông Cung, không có việc đầu cơ găm hàng, chủ yếu là do sức tiêu thụ hiện nay đã vượt quá khả năng sản xuất của các nhà máy trong nước. Điều này đã thể hiện rất rõ trong một khảo sát của Công ty xi măng Hà Tiên 1, trong tháng 3.2008, sức tiêu thụ xi măng tại khu vực 4 đã tăng đột biến 38,20%, tháng 4 tăng 12,29%. Dù sức tiêu thụ xi măng đã giảm trong tháng 5 (-5,35%) nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2008, khu vực này đã tiêu thụ gần 3,2 triệu tấn xi măng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Công ty Hà Tiên 1 nhận định, con số này vẫn chưa nêu lên được nhu cầu tiêu thụ xi măng thật sự vì lượng cung hiện nay không đáp ứng được cầu.

Để giải quyết tình hình này, 50.000 tấn xi măng đã được chuyển từ phía Bắc vào. Giải pháp này lại gặp trở ngại do người tiêu dùng phía Nam lại không ưa chuộng các thương hiệu xi măng phía Bắc nên lượng xi măng này khó tiêu thụ. Theo Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, sau gần 2 tuần vẫn còn khoảng 6.000 tấn xi măng Hoàng Thạch tồn kho.

Vì sao thiếu xi măng? 

"Trong năm 2008 sẽ có 11 nhà máy xi măng ra đời với sản lượng 12 triệu tấn/năm. Đầu năm đến nay đã có 5 nhà máy đi vào hoạt động, trong đó có 2 nhà máy cung cấp cho phía Nam. Năm 2009 dự báo cung sẽ vượt cầu" - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân.

Theo các doanh nghiệp sản xuất xi măng, chi phí nhập clinker từ nước ngoài hiện đang ở mức cao nhưng nguồn cung vẫn rất hạn chế. Giá nhập clinker tháng 5 từ Thái Lan là 41,5 USD/tấn, tháng 6 là 48,5 USD/tấn. Ở thị trường trong nước, theo Công ty Hà Tiên 1, trong tháng 4 và 5 hầu như không thể mua được clinker của các nhà máy phía Bắc. Nhờ sự can thiệp tích cực của Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, công ty cũng  chỉ có thể mua được 50.000 tấn clinker trong tháng 6 tới. Trong tình hình này, các công ty hiện đang phải chịu lỗ để sản xuất, do giá bán không bù đắp đủ chi phí.

Hầu hết các doanh nghiệp tham gia hội nghị đề nghị cần cho phép các nhà sản xuất tại khu vực 4 được điều chỉnh giá bán. Khi các nhà sản xuất có lợi nhuận, sản lượng sẽ được đẩy lên, cung - cầu sẽ được cân bằng. Đại diện của Hiệp hội xi măng Việt Nam cũng cho rằng cần phải có một nghiên cứu đặc thù về giá ở khu vực TP.HCM để có cách điều tiết giá thích hợp.

Về vấn đề giá của nhà máy không tăng nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng chót vót, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân yêu cầu: "Nhà sản xuất phải tìm ra nguyên nhân để bảo vệ uy tín, thương hiệu của mình. Các nhà sản xuất phải quản lý được giá thị trường khi bán sản phẩm ra cho người tiêu dùng". Về một khía cạnh khác, theo bộ trưởng, trong tình hình hiện nay mà có một số nhà máy đột nhiên đồng loạt ngừng sản xuất với lý do duy tu, bảo dưỡng là điều không hợp lý. Hiện chỉ có Công ty xi măng Hà Tiên 1 cho biết vừa họp với các nhà phân phối, đại lý để ổn định, thống nhất giá bán dành cho các đầu mối, cửa hàng vật liệu xây dựng. Theo đó, giá một bao xi măng Hà Tiên bán lẻ khi đến tay người tiêu dùng không được quá 72.000 đồng/bao.

Trả lời Thanh Niên bên lề hội nghị, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: "Để làm điều này cần có tính toán, lộ trình kỹ lưỡng. Trong hoàn cảnh hiện nay nếu để nhà sản xuất tăng giá xi măng sẽ tạo thêm dư luận bất ổn". Không tăng thì nhà sản xuất than lỗ, tăng giá thì tạo bất ổn cho người dân. Cả nhà sản xuất lẫn cơ quan quản lý đang đứng trước một bài toán khó để giải quyết vấn đề cung - cầu.

Trung Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.