Thị phần nhỏ bé
Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả cả nước trong tháng 4.2008 đạt 29,6 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm 2008 lên 118,1 triệu USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 13% so với tháng 3.2008. Phần lớn mặt hàng rau quả nước ta được xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga..., lượng hàng xuất vào thị trường EU chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.
Ông Lý Hải Long - Giám đốc xuất khẩu của Công ty TNHH Bảo Thanh - cho biết: "Số lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU ngày càng ít, một phần vì rào cản chất lượng tại EU ngày càng khắt khe hơn trước, một phần vì các doanh nghiệp Việt Nam tự cạnh tranh nhau, làm giảm chất lượng và giá trị sản phẩm". Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển CBI (Hà Lan) thống kê: "Nhu cầu nhập khẩu rau quả tại châu u hằng năm gần 80 triệu tấn trái cây tươi, trên 62 triệu tấn rau tươi, trong đó tỷ lệ nhập khẩu từ các nước đang phát triển chiếm từ 35-40%. Các sản phẩm trái cây của Việt Nam vào EU là xoài, dứa, vải, nhãn, chuối, thanh long, bơ, măng cụt, sầu riêng nhưng thị phần rất nhỏ bé. Tương tự, các loại rau của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này gồm ớt, khoai môn, cải bắp, dưa leo, cà tím cũng chiếm vị trí rất khiêm tốn, trung bình một năm chỉ khoảng 5,5-6 tấn".
Chương trình huấn luyện xuất khẩu ECP là nội dung hợp tác được ký kết bởi Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM và Tổ chức CBI (Hà Lan) dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả tươi sang EU. Các doanh nghiệp muốn tham gia phải thông qua sự lựa chọn và kiểm định của các chuyên gia CBI, sau đó được huấn luyện trong các lĩnh vực marketing xuất khẩu, quản lý, chế biến sản phẩm phù hợp với tiêu chí an toàn thực phẩm, được tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ uy tín tại châu u... |
Theo nhận định của Hiệp hội Trái cây Việt Nam, thách thức mà trái cây Việt Nam đang phải đối mặt là thực hiện các luật, hiệp định và cam kết khi gia nhập WTO nhằm bảo vệ người tiêu dùng, trong đó chứng chỉ GAP là một trong những yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện các yêu cầu kỹ thuật theo chứng chỉ GAP hoàn toàn không phải dễ dàng. Ông Từ Minh Thiện - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM - cho biết: "Thời gian gần đây chúng tôi đã đón tiếp rất nhiều đoàn doanh nghiệp từ Thái Lan, Trung Quốc, Singapore... sang Việt Nam để hợp tác xuất khẩu rau quả sang EU, rõ ràng cơ hội đang mở ra rất nhiều. EU là một thị trường rộng lớn nhưng khó tính, trong khi đó điểm yếu của nông sản chúng ta là sản lượng ít, xuất xứ không rõ ràng khiến cho người tiêu dùng nước ngoài phải than phiền về chất lượng. Trước tình hình này, chúng tôi đã ký kết hợp tác với Tổ chức CBI của Bộ Ngoại giao Hà Lan nhằm hỗ trợ trọn gói các quy trình xuất khẩu sang EU để nông sản Việt Nam chiếm lĩnh thị trường này".
Ông Jos Leeters - chuyên gia của CBI - giới thiệu: "CBI là một tổ chức phát triển hoạt động trong một thị trường phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp thuộc các nước đang phát triển bán hàng sang thị trường châu u. Hoạt động của CBI nhận được hỗ trợ tài chính của Chính phủ Hà Lan, vì vậy những doanh nghiệp được chúng tôi hỗ trợ chỉ đóng một chi phí rất nhỏ. Châu u là một thị trường thu được lợi nhuận cao nhất trên thế giới nhưng cũng là một thị trường phức tạp, cạnh tranh và các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe. Với Chương trình hợp tác tại Việt Nam, CBI sẽ giúp các doanh nghiệp huấn luyện quản lý sản xuất, kiểm soát chất lượng, tiếp thị và xâm nhập thị trường. Thực tế trong những năm gần đây, các quốc gia được CBI hỗ trợ đã có tốc độ tăng trưởng bình quân 17%/năm trong hoạt động xuất khẩu hoa và rau quả vào EU". Theo ông Từ Minh Thiện, chương trình hợp tác với CBI là tấm vé thông hành giúp các doanh nghiệp đặt chân vào EU. Trước mắt, ngoài TP.HCM sẽ có 4 tỉnh nhận được sự hỗ trợ này là Đồng Tháp, Bình Thuận, Vĩnh Long và Lâm Đồng. Sau đó sẽ mở rộng ra một số địa phương khác.
Quang Thuần
Bình luận (0)