TP.HCM hiện có tổng cộng 41 bến đò ngang hằng ngày đưa đón khách sang sông. Ngày 29.5, PV Thanh Niên đã ghi nhận thực tế hoạt động một số bến đò trên địa bàn TP.HCM. Tại bến đò An Lợi Đông, có tổng cộng 54 đò hoạt động trên sông Sài Gòn chở khách từ Q.2 sang Q.7. Ban an toàn giao thông TP.HCM cảnh báo: "Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là bến đò này hoạt động cắt ngang luồng hàng hải quốc tế, tàu bè ra vào thường xuyên nên thường trực nguy cơ xảy ra tai nạn đường thủy. Hạn chế nữa của bến đò này còn ở chỗ tất cả 54 chiếc đò đều là đò nhỏ, chỉ có thể chở tối đa 6 người. Nhận thức được mối nguy hiểm này, Sở Giao thông - Công chính (GTCC) đã quy định tất cả đò hoạt động ở đây tuyệt đối không được chở theo xe máy và mỗi xe đạp tính bằng một người".
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, khi không có mặt đoàn kiểm tra thì nhiều chủ đò vẫn chở xe gắn máy qua sông, thậm chí cho đò chạy với tốc độ cao, qua mặt các tàu thuyền lớn. Nhiều chiếc đò hoạt động đã 20 năm vẫn chưa được thay mới do chủ đò không đủ tiền. Ông Huỳnh Văn Hóa, đại diện HTX đò ngang Q.2 cho biết: "Các chủ đò đều có hoàn cảnh khó khăn trong khi để nâng cấp một chiếc đò cũng mất gần 40 triệu đồng".
Tại bến đò An Phú Đông đưa đón khách qua sông Vàm Thuật (giáp ranh giữa P.5, Q.Gò Vấp và P.An Phú Đông, Q.12), bà Phạm Thị Đẹp - chủ bến cho biết: "Theo quy định, người đi đò phải mặc áo phao nhưng nhiều người khi chúng tôi đưa áo phao họ không chịu mặc!". Bến An Phú Đông có 4 chiếc đò, mỗi ngày có khoảng 100 chuyến, hoạt động 24/24. Thường vào buổi sáng, bến có đông đảo học sinh đi lại. Chủ bến miễn tiền vé cho học sinh, những trường hợp sinh đẻ, cấp cứu thì lúc nào cũng sẵn sàng.
Trưa hôm qua, bến đò Bình Mỹ trên sông Sài Gòn vẫn tấp nập hành khách từ huyện Củ Chi (TP.HCM) sang thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) và ngược lại. Tuy nhiên, theo quan sát của PV Thanh Niên, hầu hết khách đi phà không mặc áo phao. Những chiếc phao có trên phà đều đã cũ mèm và mất vệ sinh. Ông Lê Văn Bình, đại diện bến đò nói: "Chúng tôi có đưa áo phao nhưng nhiều người không chịu mặc với lý do... đường ngắn". Nhưng theo ông Bình, đoạn sông này rộng đến 150m. Tại bến đò Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) cũng có rất đông học sinh đi lại nhưng gần 50% người đi đò chưa mặc áo phao.
Trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua 29.5, ông Trần Thế Kỷ, Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy thuộc Sở GTCC khẳng định: "Chúng tôi sẽ xử phạt nghiêm những bến đò không trang bị áo phao cho khách". Ông Kỷ khuyến cáo: "Mặc áo phao khi đi đò là quyền lợi của hành khách. Đặc biệt, những tuyến sông rộng, sâu và nước xoáy nguy hiểm như Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai... và trong mùa mưa bão hiện nay thì người đi đò tuyệt đối phải mặc áo phao. Nếu khách yêu cầu mà chủ bến không trang bị áo phao thì báo ngay với chúng tôi!".
Nguyễn Đình Mười
Bình luận (0)