Chuyến Tây du của “cô gái vàng”

01/06/2008 23:06 GMT+7

Cao Ngọc Phương Trinh - "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam với 3 lần liên tiếp vô địch môn judo tại SEA Games (16, 17, 18) - vừa cùng HLV Trần Vũ Hiếu Hạnh sang giao lưu, giảng dạy tại ĐH Paris 7 (Paris Diderot) và Paris 6 (Pierre et Marie Curie) trong 2 tuần.

Tỏa sáng ngay tại Pháp

Từ giã thể thao đỉnh cao để chuyên tâm với thể thao học đường, hai chị lại tiếp tục tỏa sáng ngay tại Pháp, đất nước có nền judo thuộc loại hàng đầu thế giới. Với kinh nghiệm lâu năm và trình độ kỹ thuật thuộc hàng top của Việt Nam, hai cô giáo trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã thuyết phục hoàn toàn thầy trò bộ môn judo của trường Paris 6, Paris 7 bằng phần giảng dạy vô cùng đẹp mắt, ấn tượng và rất có phương pháp sư phạm. Đồng hành với 2 chị trong suốt chuyến giao lưu, phóng viên Thanh Niên không khỏi cảm thấy tự hào trước những tiếng trầm trồ và những lời khen tặng từ phía các sinh viên Pháp, đặc biệt khi có không ít học trò cao to gần... gấp đôi 2 cô giáo.

Nhỏ bé so với 2 thầy của trường Paris 6, Paris 7 nhưng 2 chị vẫn để lại ấn tượng khó quên - Ảnh: Lan Chi

Nhìn phần thị phạm của Phương Trinh, vẫn thấy được hình ảnh của "cô gái vàng" không có đối thủ ở hạng cân 48 kg tại khu vực Đông Nam Á ngày nào. Những đòn sở trường như: Morote Seoi Nage, Ippon Seoi Nage và đặc biệt là Sode Tsuri Komi Goshi được chị thể hiện không chê vào đâu được với sự chuẩn xác về kỹ thuật và tốc độ ra đòn nhanh đến chóng mặt. Không chỉ vậy, Phương Trinh còn tỏ ra rất "nhạy" trước cơ cấu tổ chức thể thao học đường và thể thao chuyên nghiệp của Pháp. Không phải tự nhiên mà giới trẻ Pháp có sức khỏe tốt và rất năng động, cũng không phải tự nhiên mà judo Pháp đạt nhiều thành tích cao...

40 môn thể thao trong một trường

Hỏi Phương Trinh lý do được 2 trường ĐH lớn của Pháp mời "trọn gói", chị cho biết chính mình cũng bất ngờ! Hè vừa qua, trước khi chia tay, học trò 2 chị nửa đùa nửa thật: "Hẹn gặp lại 2 cô tại Pháp!". Tưởng chỉ nói cho vui, vậy mà đầu năm nay, cô học trò - đang là sinh viên trường Paris 6 - điện thoại qua cho biết đã nộp hồ sơ lên quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa (văn hóa, nghệ thuật, thể thao...) của 2 trường, chỉ còn chờ đến tháng 3 sẽ ra trình bày trước hội đồng. Kết quả vượt quá sự mong đợi: không những chấp nhận mà  Hội đồng trường Paris 6 còn duyệt nhiều hơn gần 500 euro cho kinh phí tổ chức chuyến giao lưu.

Phương Trinh không quên nhấn mạnh rằng khi muốn đề nghị hỗ trợ kinh phí thì một trong những điều kiện quan trọng là người tổ chức phải là sinh viên. Chuyến giao lưu giảng dạy lần này của Phương Trinh và Hiếu Hạnh là do học trò 2 chị tại trường Paris 6 tổ chức từ A đến Z: viết hồ sơ, thuyết trình trước hội đồng, làm giấy tờ gửi về để xin visa, phiên dịch khi 2 chị giảng dạy...

Sinh viên của các trường ĐH Pháp luôn có vị trí quan trọng trong hoạt động của trường. Từ hội đồng quản trị của trường đến hội đồng quản trị của hội thể thao đều có chỗ dành cho sinh viên và sinh viên khi đã được bầu vào hội đồng thì lá phiếu của họ ngang hàng với các giáo sư, giảng viên khi phải biểu quyết.

Được tham gia tổ chức, được tạo ý thức chơi thể thao từ nhỏ và có điều kiện cơ sở vật chất rất tốt nên việc rèn luyện thể thao trở thành một phần không thể thiếu trong lịch giải trí của giới trẻ Pháp. Bận rộn kiểu nào thì một tuần cũng phải chơi vài tiếng thể thao để giữ gìn sức khỏe và giải tỏa căng thẳng.

Nhìn danh sách các môn thể thao của trường Paris 6, Hiếu Hạnh nhận xét: "Hơn 40 môn! Khi được đưa đi thăm khu thể thao của trường, tôi để ý thấy có một số môn chỉ 5 - 7 người tập, vậy mà họ vẫn mở lớp để sinh viên có nhiều sự lựa chọn. Điều kiện như vậy thì việc sinh viên tự giác chơi thể thao là hiển nhiên". Phương Trinh cho biết thêm: "Chương trình giảng dạy không gò bó, và đặc biệt các thầy cô có thời gian dành cho lý thuyết để trang bị cho sinh viên những kiến thức căn bản vô cùng cần thiết như: chấn thương trong thể thao, dinh dưỡng, cách tổ chức thời khóa biểu, phương thức thuyết trình".

Người quay phim mang đai 8 đẳng

Những buổi không phải đến trường dạy, 2 nữ vận động viên vang bóng một thời của judo Việt Nam lại tranh thủ đến thăm các câu lạc bộ lớn của Pháp như: Maisons Alfort, Lagardère Paris Racing và xem các vận động viên chuyên nghiệp tập luyện tại INJ (Institut national de judo: Viện Judo quốc gia). Với khoảng 560.000 người tham gia tập luyện, judo là môn thể thao đứng thứ 3 tại Pháp, chỉ sau bóng đá và tennis. Có một liên đoàn được tổ chức chặt chẽ, chương trình đào tạo huấn luyện viên bài bản (1), tinh thần chuyên nghiệp nơi các vận động viên và niềm say mê judo của các võ sinh là chiếc "chìa khóa" dẫn đến thành công của judo Pháp mà 2 chị rút ra được.

"Cô gái vàng" tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh khi thị phạm - Ảnh: H.H

Vậy những kỷ niệm nào đã để lại nhiều ấn tượng nhất về judo Pháp sau chuyến đi này? Phương Trinh trả lời: "Ở Pháp có hẳn 2 tờ tạp chí chuyên về judo (mỗi năm ra 8 số) và một kênh truyền hình online chuyên về judo, chất lượng cao cả về nội dung lẫn hình thức. Chưa cần nhìn về kết quả thống kê thành tích, số lượng người tập luyện, chỉ riêng sự tồn tại của 2 tờ tạp chí và 1 kênh truyền hình cũng đủ chứng tỏ Pháp có một nền judo rất mạnh và một liên đoàn hoạt động vô cùng hiệu quả. Một điểm khác, khi Trinh và Hạnh đến thăm thầy cũ  - võ sư Patrick Vial, huyền đai 8 đẳng (2) - thầy cho biết vừa đi dự Giải vô địch châu Á tại Jeju, Hàn Quốc về. Đặc biệt ở chỗ, thầy không đi với tư cách trọng tài, HLV hay quan chức mà đi để quay phim! Pháp cử tới 4 - 5 võ sư sang Jeju để quay đầy đủ vài trăm trận đấu làm tài liệu nghiên cứu. Có 2 điểm đáng để mình học hỏi, thứ nhất là cách làm việc quá khoa học: tại Liên đoàn Judo Pháp luôn có một võ sư trình độ 6 - 7 đẳng trở lên chỉ chuyên làm công việc nghiên cứu băng đĩa các trận đấu, khi VĐV Pháp ra trận thì họ đã nắm rõ sở trường, sở đoản của đối thủ rồi. Thứ hai, các thầy ở Pháp không câu nệ đai đẳng, sẵn sàng làm việc vì quyền lợi chung. Bạn thử nghĩ xem, một người quay phim mang đai 8 đẳng, ấn tượng lắm chứ!".

Tạm biệt nước Pháp, tạm biệt một chuyến giao lưu đầy ắp kỷ niệm, ắt hẳn khi về lại trường Nguyễn Thị Minh Khai, "cô gái vàng" Cao Ngọc Phương Trinh sẽ có thêm nhiều vốn liếng để truyền lại cho học trò của mình, với niềm hy vọng rồi các em sẽ yêu thích thể thao hơn, trước hết là vì sức khỏe của chính mình.

N.N.L.C

(1) Muốn được cấp bằng HLV quốc gia để dạy tại các CLB phải đạt ít nhất trình độ huyền đai nhị đẳng và theo học một khóa 10 tháng bao gồm mỗi tuần 6 giờ kỹ thuật judo, 1 giờ jujitsu (nhu thuật) và 2 giờ lý thuyết.

(2) Võ sư Patrick Vial là HLV tại CLB Maisons Alfort, cựu HLV đội tuyển Pháp và là trọng tài tại Olympic Athens 2004.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.