Nhiều đại biểu (ĐB) tán đồng với việc quy định trong dự luật cho phép nuôi, sinh sản thương mại động vật quý, hiếm (loài được bảo vệ). ĐB Hoàng Thị Bình (Cao Bằng) đưa ra ba lý do để bảo vệ quan điểm này: "Thứ nhất là không trái với Công ước CITES mà Việt Nam là thành viên. Thứ hai, một số nước đã cho phép nuôi sinh sản thương mại với các quy định nghiêm ngặt. Và thứ ba là Việt Nam dùng động vật hoang dã làm món ăn đặc sản đã khá phổ biến và đe dọa đối với đa dạng sinh học, vậy tại sao ta không cho phép nuôi sinh sản thương mại để giảm bớt sức ép trong việc săn bắt và khai thác trái phép".
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lại khẩn thiết: "Bằng cả lương tâm và trách nhiệm của mình, tôi đề nghị QH thận trọng xem xét lại việc cho phép nuôi, sinh sản, thương mại các loài được bảo vệ. Điều này không phù hợp với Công ước CITES, chưa kể là chúng ta còn ký hàng loạt các công ước khác như Công ước Bảo vệ đa dạng sinh học, Công ước Ramsa (bảo vệ các vùng đất ngập nước - TN), và chính Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ rừng, Luật Bảo vệ môi trường của chúng ta cũng đều quy định chống các hành vi này". Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) chia sẻ: "Không nên khuyến khích nuôi, sinh sản thương mại, nên cấm".
Theo ĐB Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An), phát triển bền vững đa dạng sinh học không chỉ là vấn đề bảo tồn mà còn là khai thác sử dụng hợp lý tiềm năng, tài nguyên của các khu bảo tồn để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Và hiện tại đã có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên cho phép các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, xây dựng nhà hàng. Xu thế này cần phát triển trong thời gian tới. Nhưng có một thực tế là không ít hoạt động du lịch sinh thái đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của các khu bảo tồn. ĐB Nhị kiến nghị: "Dự luật cần có một điều nói về kinh doanh du lịch sinh thái hoặc khai thác du lịch sinh thái trong khu bảo tồn, để xác định đối tượng nào được kinh doanh, thẩm quyền cho phép kinh doanh, các điều kiện đảm bảo khi kinh doanh".
Đại biểu Trần Thị Lộc (Bắc Kạn). Ảnh TTXVN |
ĐB Lê Minh Hồng (Hà Nam) cho rằng, dự luật quy định: "Trường hợp có sự khác nhau giữa quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng ngành, lĩnh vực, vùng thì ưu tiên thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học" là hơi cứng. Thực tế có rất nhiều lĩnh vực quy hoạch cần được ưu tiên hơn quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
ĐB Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) cung cấp thông tin: Hiện nay các nhà khoa học của Viện Dược liệu Việt Nam đã xác định có hơn 134 loài thực vật quý có nguy cơ tuyệt chủng như ba gạc, hoàng liên, ba kích, trầm hương, sâm Ngọc Linh, hà thủ ô đỏ... ĐB Hà đề nghị: "Ban soạn thảo xem xét đưa nội dung bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học nguồn cây dược liệu vào dự án luật".
Cùng ngày, với đa số ĐB tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước và Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản. Theo chương trình, ngày 3.6, QH sẽ thông qua một số dự luật, nghị quyết và bế mạc kỳ họp.
Cơ quan nhà nước không được cho thuê trụ sở Theo Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (bao gồm trụ sở làm việc và tài sản khác gắn liền với đất; quyền sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác do pháp luật quy định), khi cơ quan nhà nước chưa có trụ sở làm việc hoặc chưa được giao ngân sách đầu tư xây dựng, mua sắm thì được phép thuê trụ sở, tài sản khác để phục vụ hoạt động. Số lượng, chủng loại trụ sở làm việc, tài sản khác được thuê phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Giá thuê được xác định theo cơ chế thị trường. Luật cũng quy định: "Cơ quan nhà nước không được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích cá nhân, cho thuê hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh khác. Tài sản nhà nước bị thu hồi trong các trường hợp không sử dụng, sử dụng sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, chế độ"... Trong trường hợp thừa, hoặc sử dụng kém hiệu quả, cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chuyển tài sản nhà nước giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện theo cơ chế thị trường. Tiền thu được từ hoạt động cho thuê tài sản, đơn vị phải hạch toán riêng, sau khi trừ chi phí hợp lý liên quan, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, đơn vị được sử dụng để phát triển hoạt động sự nghiệp. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong phạm vi quản lý. X.T |
Xuân Toàn
Bình luận (0)