Chuyện bảo vệ ứng viên Tổng thống Mỹ

04/06/2008 23:10 GMT+7

Dù chưa trở thành tổng thống nhưng các ứng viên Tổng thống Mỹ cũng đã được các nhân viên mật vụ bảo vệ nghiêm ngặt.

Những ai tinh mắt và chú ý đến các bức ảnh chụp gần đây của các ứng viên Tổng thống Mỹ gồm ông John McCain (đảng Cộng hòa), Barack Obama và bà Hillary Clinton (đảng Dân chủ) sẽ dễ dàng nhận thấy các nhân vật này được bảo vệ kỹ lưỡng. Thậm chí, có người đã "đếm" được 11 tay súng chuyên đi theo bảo vệ ông Obama. Ngoài những người luôn túc trực bên cạnh vị thượng nghị sĩ này, số khác được bố trí tại nhiều địa điểm quanh khu vực đã được định trước. Cũng khá dễ nhận diện các nhân viên bảo vệ khi họ là những người luôn đối mặt với đám đông, áo khoác để hở, một trong hai tay thường đặt trên ngực trong tư thế như sẵn sàng rút súng, và đặc biệt là họ không bao giờ cười.

Ông Obama được bảo vệ sớm nhất

Trong số các ứng viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, ngoại trừ bà Clinton được bảo vệ từ lâu theo tiêu chuẩn cựu đệ nhất phu nhân, thì ông Obama là người đầu tiên có cận vệ chính thức. Chín tháng trước khi các cuộc bầu cử sơ bộ khởi xướng, vấn đề an ninh cho ông đã được lưu ý khi khả năng thành công của ông rất cao dựa vào tài hùng biện và thu hút đám đông. Kể từ đầu tháng 5.2007, Cơ quan mật vụ (Secret Service) trực thuộc Bộ An ninh nội địa Mỹ đã được lệnh bảo vệ sinh mạng của ông Obama. Đích thân thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện là Thượng nghị sĩ Harry Reid đặt vấn đề với Bộ trưởng An ninh nội địa Michael Chertoff dù chưa phát hiện ra một âm mưu nào nhắm vào ông Obama.

Theo luật định, cơ quan mật vụ Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ các ứng viên chính yếu cho chức vụ tổng thống và phó tổng thống Mỹ. Người phối ngẫu của ứng viên được bảo vệ 3 tháng trước cuộc bầu cử. Từ "ứng viên chính yếu" được hiểu là các ứng viên mà Bộ trưởng An ninh nội địa đã tham khảo ý kiến của Chủ tịch Hạ viện, thủ lĩnh phe thiểu số ở Hạ viện, các lãnh đạo phe đa số và thiểu số ở Thượng viện và một thành viên được Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện chọn ra.

Thật ra, ngay từ đầu năm 2008, trong một công văn gửi cho một ủy ban đặc biệt của lưỡng viện Quốc hội Mỹ về vấn đề an ninh cho các ứng viên tổng thống thì vào thời điểm đó, ngoài 2 nhân vật Clinton và Obama, Bộ trưởng Chertoff đã đưa ra danh sách 7 ứng viên khác hội đủ tiêu chuẩn cần có nhân viên bảo vệ (các tiêu chuẩn này không được công bố) là: John Edwards, Rudolph Giuliani, Mike Huckabee, John McCain, Ron Paul, Mitt Romney và Fred Thompson. Cũng theo nội dung công văn này thì từ 1.5.2007 đến 1.1.2008, cơ quan mật vụ đã cung cấp nhân viên bảo vệ cho bà Clinton trong 454 chuyến đi vận động tranh cử và ông Obama trong 404 chuyến đi.

Mặc dù có một bà mẹ là người da trắng, nhưng trong mắt mọi người, ông Obama vẫn là một người da đen và chính ông cũng từng thừa nhận là có một vài đe dọa liên quan đến động cơ sắc tộc. Vợ ông, bà Michelle cũng khẳng định an ninh cho chồng bà là một trong nhiều vấn đề phải quan tâm. Thượng nghị sĩ Obama nói: "Như các bạn từng biết, cho đến gần đây, tôi vẫn thường tự mình đi chợ ở cửa hàng tạp hóa". Thế nên khi miễn cưỡng yêu cầu cơ quan mật vụ bảo vệ sớm trong cuộc đua, ông đặt vấn đề: "Có phải sẽ có nhiều người không bỏ phiếu cho tôi vì tôi là người Mỹ gốc châu Phi? Chắc chắn là thế!".

Ông McCain không cần cận vệ?

Ngược lại với 2 ứng viên của đảng Dân chủ, cho đến tháng 4.2008, tức nhiều tuần sau khi đánh bại các đối thủ trong nội bộ đảng Cộng hòa và nay chỉ còn chờ được đại hội chính thức tiến cử làm đại diện cho đảng ra tranh chức Tổng thống, Thượng nghị sĩ McCain vẫn không có nhân viên sở mật vụ theo bảo vệ và ông cũng không yêu cầu điều đó. Giám đốc cơ quan mật vụ Mark Sullivan cho biết, cơ quan của ông sẽ không cung cấp nhân viên bảo vệ cùng xe cộ và các phương tiện khác cho các ứng viên, trừ khi họ có yêu cầu.

Những nhân vật sinh trưởng trong các gia đình quyền thế và giàu có thường có cận vệ riêng. Ông McCain nằm trong số đó. Ông không muốn mang tiếng là sử dụng tiền thuế của dân chúng vào việc bảo vệ mình. Trong các chuyến đi vận động tranh cử bằng máy bay thuê mướn, các phóng viên và nhân viên tháp tùng ông McCain đều được khám xét bởi nhân viên và hệ thống riêng của ông. Trong một chuyến bay gần đây đến Mississippi, một chú chó chuyên nghiệp phát hiện bom đã rảo một vòng quanh chiếc xe buýt chở nhà báo trước khi họ bước lên máy bay cùng ông McCain. Tuy nhiên, các phân tích gia cho rằng không thể chuyên nghiệp bằng nhân viên mật vụ Mỹ.

Hồi trung tuần tháng 11.2007, trong chuyến đi vận động ở New Hampshire, ông McCain

Ngân sách cung cấp cho cơ quan mật vụ để bảo vệ ứng viên trong tài khóa 2008 là 85,3 triệu USD. Trong mấy tháng sắp tới, chi tiêu cho công tác bảo vệ ứng viên Tổng thống Mỹ là 44.000 USD/người/ngày.

từng nói với các nhà báo: "Nếu cơ quan mật vụ bảo đảm với tôi rằng họ có thể ngăn chặn một sát thủ với khẩu súng trường rình rập trên một nóc nhà nào đó khi chúng ta đang đi trên một đoàn xe có hộ tống thì tôi sẽ nói rằng tốt quá. Thế nhưng, họ lại trả lời là không thể bảo đảm điều đó. Vậy nên để tôi tự lo liệu lấy". Tính tình của vị cựu phi công hải quân Mỹ, được xem là anh hùng quân đội Mỹ này cũng khá "ngang bướng" như lời mô tả của Jonathan Martin trên kênh truyền hình FOX: "Ông ấy không muốn mình bị hạn chế. Ông muốn được hành động như một người Mỹ bình thường. Có thể đến và đi bất cứ nơi nào, có thể dừng lại một nơi nào đó uống một tách cà phê như thường lệ...". Ông Andrew O'Connell, cựu nhân viên mật vụ, từng bảo vệ cho cựu Tổng thống George H.Bush và Bill Clinton cho rằng "đó không phải là một hành động thông minh".

Thế nhưng nay thì ông McCain không còn được "tự do" nữa. Nhiều thành viên Quốc hội ngạc nhiên khi biết là ông McCain không được nhân viên mật vụ bảo vệ. Các cố vấn của ông cũng gây áp lực buộc phải đàm phán với cơ quan mật vụ vì càng ngày họ càng lo lắng cho sự an nguy của ông.

Lê Đình Bì (từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.