Tuy nhiên, với tập sách gộp 90 bài viết trong 20 năm, chị đã khẳng định mình, như một người chuyên trị tạp bút. Bộc bạch cảm xúc, Việt Linh đòi được chia sẻ, cho dù ý định đó ẩn dưới một vẻ ngoài nhu mì. Người ta nhận ra Việt Linh trong cả ba tư cách: người đàn bà, người công dân, và người nghệ sĩ. Có những bài viết công phu bên cạnh những ghi nhận bộc phát, những ghi chép tỉ mỉ từ sự tiếp xúc với những nền văn hóa khác cho đến những nghiền ngẫm riêng tư của một phụ nữ Việt Nam. Những bài báo của chị luôn bổ sung thông tin cho người đọc - đó là ưu thế của ngòi bút Việt Linh.
Từ tình thương yêu dành cho đứa con bé bỏng của mình, chị nói về sự mất mát khủng khiếp của bao bà mẹ Việt Nam trong chiến tranh (Hạnh ngộ), từ tập thơ 22 bài của những học sinh lớp 5 ngoại ô Paris, từ cái chết treo cổ của cậu bé Romania 10 tuổi ngỡ bị bỏ rơi vì người mẹ đang đi làm thuê ở Ý không gọi điện về, chị nói về mối quan hệ bên trong của cha mẹ - con cái, về những báo động ngầm từ phía những công dân thơ dại (Không chỉ dành cho trẻ con, Tuổi thơ im lặng).
Từ ý tưởng của Thị trưởng Paris, Bertrand Delanoe, muốn biến một phần trung tâm Paris thành bãi biển với cát, những hàng cọ và ghế bố, dù..., khiến "Paris-plage mỗi năm một phát triển, thành công hơn với khoảng 5 triệu lượt du khách/tháng, được nhiều nơi trên thế giới mô phỏng..." (Trên đá là bãi cát) có thể chắt ra điều gì? Đó là, một đô thị tưởng đã hoàn hảo như Paris vẫn có khả năng hoàn hảo hơn nữa. Bởi vì, để điều hành một đại đô thị, người ta buộc phải có tầm văn hóa của một đại công dân. Tương tự, lời tuyên bố của Tổng thống Pháp Chirac: "Nước Pháp hôm nay không chỉ nghiêng mình biểu dương một thiên tài, nó còn sửa chữa điều bất công với con người đã góp phần làm nên bản sắc dân tộc Pháp" khi đưa hài cốt văn hào Alexandre Dumas vào điện Panthéon - Paris, cho thấy văn hóa Pháp đã cứu chuộc một sai lầm của nước Pháp từ hai trăm năm trước (Cảm ơn và xin lỗi).
Trong nỗi niềm của một người Việt xa xứ, Việt Linh luôn đứng cạnh những đồng hương bất hạnh của mình (Ngồi giữa trần gian - Con côi của đế chế). Một người thất bại trong hôn nhân bỏ nhà ra sống ngoài đường và hàng nghìn người khác thất bại trong việc chọn nơi ở không phải đất mẹ, có gì khác nhau? Có và không. Sự thất bại ở tầm cá nhân hay tầm cộng đồng có chung một mẫu số: khi con người càng ý thức về việc bị cắt khỏi núm ruột thân yêu nhất của mình, cuộc sống chỉ còn là một cuộc đày ải. Có người dằn vặt cả 40 năm cho một khắc khoải quy hương, có người trước khi chết đã yêu cầu được thiêu xác và rải tro xuống biển để có thể theo các con sóng về lại quê nhà...
Viết về điện ảnh, Việt Linh chộn rộn và trầm lắng, hớn hở và chua chát, trong một tâm trạng phức tạp. Chị cũng có điều để tự hào về những bộ phim giá trị và những con người Việt Nam tài năng (Nhà quay phim hiệp sĩ, Phía sau của phía trước), đồng thời cũng xốn xang khi biết tới thành công của nền điện ảnh non trẻ Iran đã chinh phục thế giới, chiếm lĩnh các LHP quốc tế danh giá. Từ đạo diễn bậc thầy Abbas Kiarostami đến nữ đạo diễn 23 tuổi Samira Makhmalbaf, Iran đã khẳng định được điều mà Việt Nam vẫn còn ao ước: làm phim hay với kinh phí thấp nhất. Abbas Kiarostami "bậc thầy của chủ nghĩa tối thiểu, của kỹ thuật tinh giản đầy ma lực" luôn thuyết phục mọi người về việc "Nghệ thuật không có đề tài nhỏ, chỉ có cách nhìn đơn giản hay sâu sắc...'' (Khi ta có đề tài nhỏ, Khi sự thật vào phim, Mùi vị cuộc đời, Cuộc sống muôn năm)...
Hãy đi thì sẽ đến, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì người ta sẽ mở... Việt Linh đang đi, đang tìm và đang gõ cửa, như một nữ công dân Việt Nam làm nghề đạo diễn...
Ngô Thị Kim Cúc
(*) Đọc Việt Linh - Chuyện mình chuyện người, tạp bút của Việt Linh, NXB Trẻ và Phuong Nam Book liên kết xuất bản, 2008
Bình luận (0)