Sức chinh phục của bóng đá là vô tận. Và cứ mỗi 4 năm, giải Euro lại khiến người hâm mộ trái bóng tròn ở Việt Nam nao nức. Dù năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, nhưng mùa Euro vẫn được người Việt Nam đón chào nồng nhiệt.
Hiếm có nơi nào trên thế giới mà tình yêu bóng đá lại vô tư, "toàn cầu" như ở Việt Nam, nếu người ta xét vào sự tham dự của đội tuyển quốc gia. Đã có dịp đi Hà Lan và Pháp vào mùa Euro 2004, tôi đã ngạc nhiên khi chứng kiến những người hâm mộ ở hai cường quốc bóng đá này chỉ thực sự sôi sục vì trái bóng khi có những trận mà đội tuyển quốc gia họ thi đấu. Còn những trận khác của những đội bóng khác, họ hơi ít quan tâm. Ở Việt Nam mình thì khác, biết bao giờ đội tuyển quốc gia mình mới được dự một kỳ World Cup, nhưng người Việt hâm mộ bóng đá sẵn sàng thức đêm cả tháng trời để theo dõi một giải đấu của châu u không dính dáng gì tới đội tuyển quốc gia mình. Và chúng ta đam mê môn thể thao vua này không chỉ vì ham vui. Với người Việt, nhiều khi buồn phiền cũng lại tới với bóng đá, cho khuây khỏa. Trong những lúc như thế, bóng đá như một liều thuốc kích thích động viên người ta sống mạnh mẽ hơn, say mê hơn, sống có mục đích, có ý chí quyết vượt lên mọi trở ngại để chiến thắng.
Nghệ thuật bóng đá là nghệ thuật không chấp nhận sự hòa hoãn, không chấp nhận sự lùi bước. Nó huy động mọi tiềm năng của con người trong một trò chơi mang tính biểu tượng cao về khát khao vượt lên chính bản thân mình, tìm cho mình một động lực để sống, để chinh phục những trở ngại. Đó là trò chơi hài hòa nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, là nơi mọi sự tỏa sáng của mỗi cá nhân đều đóng góp vào thắng lợi cuối cùng của một tập thể, là nơi người ta biết cách thể hiện mình trong tập thể mà không làm hại tới tập thể.
Nếu triết lý bóng đá được áp dụng trong đời sống lao động, kinh doanh, tôi nghĩ nó sẽ đưa lại những điều tốt đẹp. Trong bóng đá, tập thể không bao giờ đè ép cá nhân, và ngược lại, cá nhân sẽ học hỏi để sống và thể hiện mình không ích kỷ, biết vì đồng đội, vì mục đích chung mà phấn đấu. Tài giỏi như Ronaldo mà nếu không biết "mình vì mọi người" trong khi chơi bóng, thì điều tất yếu anh ta nhận được sẽ là "mọi người không vì mình" - đồng nghĩa với sự thủ tiêu tài năng và sự nghiệp của chính mình. Mà tập thể đội bóng cũng không thể đi tới chiến thắng sau cùng. Đã nhiều năm theo dõi bóng đá, tôi nhận thấy càng ngày bóng đá càng hài hoà hơn giữa vai trò cá nhân và tập thể, và chính giữa sự hài hòa ấy, những tài năng cá nhân lại vút lên tỏa sáng hết mình.
Bóng đá châu u, qua các giải vô địch quốc gia, Champions League, và nhất là qua các kỳ Euro đã thể hiện rõ nhất triết lý bóng đá hài hòa này. Và chỉ có như thế, tốc độ chiến thuật mới tăng cao, tốc độ tư duy cũng tăng cao, và tốc độ những trận đấu ngày càng tăng cao. Giữa những tốc độ cao toàn diện như thế, tài năng của cầu thủ càng chói sáng do khả năng khắc phục những trở lực ngày càng cao. Đó là cái tiến bộ thực sự của bóng đá dựa trên nền một triết lý mới: triết lý về tốc độ tư duy trong thời đại mới.
Chào Euro 2008 và xin chúc mọi điều tốt đẹp cho cả mọi người!
Thanh Thảo
Bình luận (0)