Chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp nước ngoài

07/06/2008 23:38 GMT+7

Xu hướng chuyển giao dự án bất động sản (BĐS) đang diễn ra giữa các công ty trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Không ít chủ đầu tư trong nước ngậm ngùi chia tay dự án "ruột" của mình cũng chỉ vì thiếu vốn.

Giám đốc một công ty chuyên về BĐS cho biết đang tìm đối tác hợp tác đầu tư dự án xây dựng căn hộ tại Q.6 và Q.11 (TP.HCM) vì không đủ năng lực về vốn để tiếp tục theo đuổi dự án này. Thực tế là khả năng tài chính của công ty ông chỉ vào khoảng 20% tổng giá trị toàn bộ dự án. Tìm đối tác trong nước thì rất khó khăn bởi hầu hết doanh nghiệp trong nước cũng đang đối mặt với bài toán khó về vốn. Vay vốn ngân hàng thì gần như không thể vì lãi suất cho vay cao. Trong bối cảnh hiện nay, đối tác khả thi nhất chính là các công ty nước ngoài và nhiệm vụ này được ông nhờ cậy vào các công ty môi giới BĐS. "Dự án mình theo đuổi đã vài năm, giấy phép, thiết kế, quy hoạch... mọi thứ đều xong xuôi. Chỉ còn khâu cuối cùng là thi công thì không có tiền nên đành phải chuyển nhượng. Tiếc đứt ruột" - ông than thở.

Ông Võ Đình Quốc, Tổng giám đốc ABLand cũng cho biết, thời gian gần đây một số doanh nghiệp địa ốc tìm đến dịch vụ tư vấn tài chính của ABLand không phải để tư vấn đầu tư như thế nào mà mục đích chính là nhờ kêu gọi vốn. Đây là hệ quả của việc thiếu vốn để tiếp tục dự án đang dang dở.

Theo Thông tư 13/2008 của Bộ Xây dựng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư dự án là cơ quan cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án. Trước khi cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án, hồ sơ xin chuyển nhượng dự án phải được đơn vị chuyên môn trực thuộc cơ quan cho phép chuyển nhượng thẩm định. Nội dung thẩm định gồm: lý do chuyển nhượng; điều kiện được chuyển nhượng của dự án; năng lực chủ đầu tư mới; phương án thực hiện dự án của chủ đầu tư mới. Chậm nhất 30 ngày kể từ khi có quyết định cho phép chuyển nhượng, chủ đầu tư mới và chủ đầu tư cũ phải tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng và hoàn thành việc bàn giao dự án. (T.Q.H)

Trên thực tế, hàng loạt doanh nghiệp đang trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội" với dự án của mình. Họ đã đầu tư rất nhiều công sức, thời gian để dự án được hình thành, đến khâu cuối cùng là thi công lại không đủ nguồn lực tài chính để theo đến cùng. Nhưng nếu không thi công thì nhiều khả năng sẽ bị thu hồi đất, cho nên khả thi nhất là chuyển nhượng dự án cho các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, vì quá tiếc công sức bỏ ra cho dự án, rất nhiều doanh nghiệp vẫn "níu kéo" bằng cách góp phần vốn tự có của mình vào dự án đã chuyển nhượng này.

Lại có trường hợp doanh nghiệp đủ vốn để tiếp tục dự án nhưng do thị trường BĐS ảm đạm nên không muốn làm nữa cũng tìm đến con đường chuyển nhượng dự án cho nhẹ gánh. Giám đốc một công ty BĐS (xin giấu tên) cho biết, trước thực trạng hàng loạt dự án ế ẩm hiện nay, ông không tự tin khi tiếp tục bỏ vốn để xây dựng dự án chung cư cao cấp đang dang dở. "Giữa năm nay sẽ có hàng loạt dự án căn hộ cao cấp hoàn thành, đưa ra thị trường. Trong bối cảnh đó, chúng tôi phải tính lại có nên tiếp tục bỏ tiền vào dự án. Đầu tư tiếp thì khả năng bị chôn vốn rất cao. Chúng tôi quyết định tìm đối tác để sang nhượng dự án" - vị giám đốc này nói.

Trong một cuộc trao đổi gần đây với PV Thanh Niên về khả năng hợp tác hay mua lại dự án của các doanh nghiệp trong nước, một đại diện của Keppel Land (Singapore) cũng cho biết là không loại trừ khả năng này, quan trọng là chọn đối tác có tầm nhìn. Với các công ty BĐS nước ngoài, con đường chuyển nhượng dự án rất khả thi vì khâu thủ tục pháp lý là khâu mà họ "ngán" nhất, trong khi các dự án dự định chuyển nhượng hầu hết đã hoàn tất công việc này. Họ chỉ việc bỏ vốn vào xây dựng dự án theo đúng kế hoạch.

Tình trạng doanh nghiệp trong nước thiếu vốn, doanh nghiệp nước ngoài mạnh tiềm lực tài chính đang dẫn đến việc hoán đổi dự án từ tay doanh nghiệp trong nước sang doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn rót vào đây vẫn ngày một tăng. 

N.K

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.