Đằng sau bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam

10/06/2008 01:02 GMT+7

Phác thảo bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam vừa được trưng bày tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (19 Hàng Buồm) để lấy ý kiến đóng góp.

Một góc phác thảo bức sơn dầu Hà  Nội - chiến lũy và hoa - Ảnh: Y.N

Theo tác giả Nguyễn Doãn Sơn, nếu được hoàn tất, Hà Nội - chiến lũy và hoa sẽ là bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam, kích thước 9,4m x 2,1m. Mục đích của tác giả là mượn câu chuyện lịch sử để sáng tác một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng. Tác giả cho biết "đang nỗ lực chứng minh tác phẩm của mình không phải là tranh cổ động", cũng không phải là tranh minh họa lịch sử theo lối tái hiện. Nhưng khi xem phác thảo, nhiều người có cảm giác tác giả đã khá ôm đồm khi tham vọng thể hiện cùng lúc nhiều sự kiện chính trị - xã hội của Hà Nội suốt 10 thế kỷ (từ năm 1010 đến nay). Phác thảo ngổn ngang những chi tiết chẳng mấy ăn nhập với nhau như: đầu rồng điện Kính Thiên, câu đối của các nghĩa sĩ Cần Vương, tượng Phật, 25 đồng tiền xu của 25 triều đại, xe tăng, bom ba càng, gánh hàng hoa, cầu Long Biên, con chó (mà tác giả giải thích là do quá thích con chó trong Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng nên đã đưa vào)... Họa sĩ Nguyễn Thị Hợp nhận xét: "Đáy tranh hơi bị nặng, không gian tranh chưa rõ lớp xa gần".

Chính vì chạy theo chi tiết một cách thiếu chắt lọc nên tính khái quát nghệ thuật trong phác thảo Hà Nội - chiến lũy và hoa chưa cao. Đã thế, bên cạnh phác thảo, tác giả còn đưa ảnh tư liệu về các hiện vật Hoàng thành Thăng Long để đối chiếu nhằm chứng minh rằng, các chi tiết trong tranh không sai (!). Thế nhưng, về mặt lịch sử, tác giả lại bộc lộ sai sót về tư liệu, ví dụ: các chiến sĩ Vệ quốc năm 1946 lại dùng kiếm Nhật và mặc quần áo bảo hộ lao động (?!).

Để hoàn thành bức sơn dầu lớn nhất Việt Nam, họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn khẳng định "sẽ phải mất 2 năm". Các công đoạn bao gồm: phác thảo nhỏ, ý tưởng tổng quát, xây dựng nhóm cụ thể, phối hợp các lớp không gian, bố cục ánh sáng, phác thảo tổng quát, phác thảo lớn, phóng lớn, thể hiện tranh trên kích thước lớn. Trước mắt, sau thời gian trưng bày lấy ý kiến (từ 29.5 đến 4.6), tác giả sẽ hoàn chỉnh phác thảo tỷ lệ 1:1. Theo dự kiến, tháng 8.2009 sẽ hoàn tất. Tháng 2.2010, tranh sẽ được triển lãm tại Văn Miếu nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Theo họa sĩ, khi thực hiện bức tranh này, cái khó lớn nhất là kinh phí (?!). Hiện tại, công trình đang được Hội Mỹ thuật Việt Nam xin TP Hà Nội hỗ trợ kinh phí thực hiện. Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn cũng kêu gọi thành phố tài trợ 300 triệu đồng. "Nếu không được tài trợ thì tranh khó hoàn thành đúng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long", anh phát biểu. Thế nhưng, khi được đặt câu hỏi: "Nếu không có tiền chẳng lẽ anh không vẽ tranh và không tạo kỷ lục?", thì họa sĩ im lặng. Chúng tôi lại hỏi tiếp: "Thay vì vẽ bức tranh lớn nhất Việt Nam và chờ kinh phí nhà nước thì có lẽ, anh nên vẽ một bức vừa sức mình, không lệ thuộc kinh phí?", họa sĩ lại tiếp tục im lặng!

Bức tranh tường lớn nhất Việt Nam “mất tích”

Một kỷ lục khác cũng để "chào mừng Đại lễ 1.000 năm" là Dự án bức tranh tường lớn nhất Việt Nam - một bức tranh vô tiền khoáng hậu làm bằng chất liệu sơn mài ghép đá, được khởi động từ năm 1999. TS Nguyễn Ngọc Dũng (khoa Tạo dáng công nghiệp - Viện Đại học Mở Hà Nội) được giao làm chủ nhiệm đề án. Rất nhiều hội thảo của giới khảo cổ học, sử học, phê bình nghệ thuật, hội họa, điêu khắc đã bung ra mổ xẻ đề án, làm nóng dư luận suốt một thời gian dài. Đến cuối năm 2005, đề án đã hoàn tất; nhưng từ đó đến nay, bỗng mất tăm mất tích như chưa từng tồn tại.

TS Nguyễn Ngọc Dũng cho biết: "Người khởi xướng đề án bức tranh tường lớn nhất Việt Nam đã nghỉ hưu, người kế nhiệm lại không cùng quan điểm nên đề án vĩnh viễn không trở thành dự án để thực hiện". "Giờ thì bao nhiêu dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vẫn đang ngổn ngang ra đấy. Thành phố đang phải gấp rút thực hiện, còn hơi sức đâu quan tâm đến dự án từ những năm trước", ông Dũng nói thêm.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VH - TT - DL Hà Nội, cho biết từ ngày nhậm chức (năm 2006), ông chưa bao giờ nghe đến dự án bức tranh tường lớn nhất Việt Nam kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, và cũng không thấy thành phố bàn giao công trình này cho Sở VH - TT - DL quản lý.

Y.N

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.