Tìm khán giả trẻ cho cải lương

10/06/2008 00:47 GMT+7

Có lẽ vấn đề đau đầu nhất của cải lương hiện nay là làm sao thu hút được những khán giả trẻ. Bởi khi lớp khán giả trung thành đã lớn tuổi không còn nữa, cải lương có nguy cơ đi vào ngõ cụt...

Người trẻ chưa hẳn quay lưng

Thử quan sát các buổi diễn của cải lương, sẽ thấy hầu hết khán giả là lớp trung niên, khán giả trẻ chỉ chiếm thiểu số, chừng 30%. Trong nhiều cuộc giao lưu với sinh viên - học sinh, khi được hỏi xem các em có biết hát một bài dân ca hoặc một điệu lý, một bài nhạc tài tử - cải lương... hay không, thì đến hơn 90% các em lắc đầu một cách đương nhiên. Đó thực sự là lời cảnh báo không hề vui vẻ cho bộ môn nghệ thuật truyền thống quý giá này.

Làm cách nào để xây dựng tình yêu cải lương trong lớp trẻ? Hay chính xác hơn là khôi phục lại tình yêu đó, bởi vì nó vẫn tiềm tàng trong mỗi người. Chỉ tại chúng ta không biết cách quan tâm, đánh thức. Tình yêu với cải lương là có thật, nó gần gũi và thân thiết dường như chảy trong máu thịt người Việt Nam, nhưng đang bị vùi lấp dưới hàng vạn thông tin và những loại hình giải trí khác. Cứ thử lạc trên một đất nước không phải Việt Nam, bỗng nghe tiếng nhạc cải lương vẳng lên, mỗi chúng ta sẽ bồn chồn xúc động như gặp lại hồn đất nước.

Có dịp xem một số nghệ sĩ cải lương trong lúc giao lưu đã thử tập cho các em sinh viên - học sinh vài bài bản đơn giản, như Lý cây bông, Lý chiều chiều, Lý đất giồng, Trăng thu dạ khúc... thì các em ca được ngay và rất thích thú. Bởi những bài ca này vừa tình cảm, vừa lắng đọng mà lại rất đẹp. Diễn viên Lê Tứ cho biết: "Mỗi khi có dịp xem chúng tôi biểu diễn, các bạn thanh niên cũng thích lắm. Nên tôi nghĩ, trong các chương trình đại nhạc hội nên cơ cấu các trích đoạn cải lương giá trị để giới thiệu với thanh thiếu niên".  Vấn đề ở đây là phải có người tổ chức, và các ngành có trách nhiệm phải tìm ra được phương thức tiếp cận phù hợp.

Làm sao để thu hút?

Có lẽ, đầu tiên phải tạo một "không gian cải lương" cho lớp trẻ, khiến họ quen thuộc, yêu thích, và phải lặp đi lặp lại thành một thói quen, thì mới hy vọng chuyện "mưa dầm thấm lâu". Chứ xuân thu nhị kỳ mới cho các em xem một vở, kiểu như "mưa rào quét ngang", rồi tạnh luôn, cho đến cả năm sau còn chưa xem lại, thì trách sao lớp trẻ không quên ngay được.

Tại sao chương trình dạy nhạc trong trường phổ thông chỉ có tân nhạc mà không có cả nhạc truyền thống? Tại sao chỉ bắt các em kẻ hàng - ký âm đồ, rê, mi, fa... một cách thành thạo nhưng không tạo xúc cảm thẩm âm, nhạc cảm để giúp các em yêu âm nhạc ở giá trị thật của nó? Đa số học sinh trả bài cho thầy chỉ để lấy điểm, và nếu chỉ có thế thì với âm nhạc, các em vẫn là người ngoại đạo. Sao không dạy các em những bài bản đơn giản rất Việt Nam, để có được sự thẩm thấu tự nhiên vào lòng, làm nảy sinh tình yêu âm nhạc truyền thống?

Bên cạnh đó, không gian thứ hai chính là những buổi diễn sân khấu. Nhà nhiếp ảnh Huỳnh Công Minh mấy chục năm chụp ảnh cho các đoàn cải lương, nói một ý: "Hồi xưa, cha mẹ đi coi cải lương ẵm con theo luôn, đứa nhỏ chưa hiểu nhưng cứ nghe hoài rồi cũng thấm. Bây giờ, rạp quy định không cho con nít vô, trên sáu tuổi phải mua vé, phiền phức tốn kém quá, nên cha mẹ không đem con theo nữa. Mà chính người lớn bây giờ cũng làm biếng không muốn tới rạp, nói gì đến con nít". Quy định mới đúng là có vẻ văn minh, nhưng lại vô tình đẩy khán giả trẻ xa rời cải lương hơn.

Gần đây, một số chương trình Sân khấu học đường cố gắng đem cải lương đến với lớp trẻ, nhưng cả năm chỉ có một dịp duy nhất được tiếp cận, làm sao các khán giả nhỏ tuổi còn nhớ được gì. Phải chi Nhà nước đều đặn hỗ trợ kinh phí cho các suất diễn tại trường học, mỗi suất chỉ có 4 triệu đồng mà cả ngàn học sinh được xem, hiệu quả lớn hơn gấp bao nhiêu lần việc bỏ ra mấy trăm triệu đồng dựng một vở chỉ để đem đi hội diễn rồi sau đó mang về... cất kho.

Một dự án nữa, là có thể học lịch sử bằng sân khấu hóa qua cải lương. Các nhà sản xuất có thể dựng mỗi trích đoạn chừng vài mươi phút để thể hiện một sự kiện hoặc một nhân vật lịch sử nào đó, thay vì chỉ để giáo viên nói toàn lý thuyết khô khan nhàm chán. Học sử kiểu này tất nhiên sinh động, hấp dẫn hơn, và chắc chắn các em sẽ nhớ bài hơn và yêu lịch sử nước mình, yêu luôn cả... cải lương.

Cuối cùng, phải chú trọng dựng cải lương sao cho thật mới, thật hiện đại, với tiết tấu nhanh, bố cục gọn, kịch bản ngắn, có thể kết hợp với cả những bộ môn khác, như giao hưởng, múa... - kiểu như Chiếc áo thiên nga đã làm, thì may ra sẽ thu hút được lớp trẻ.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.