Chưa có “sân chơi” công bằng cho ô tô nhập khẩu

13/06/2008 00:54 GMT+7

Ngày 12.6 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo "Thị trường ô tô, xe máy Việt Nam: Thực trạng và triển vọng".

Ngành may vá ô tô

Một lần nữa, chính sách bảo hộ sản xuất ô tô trong nước lại được các đại biểu tham dự hội thảo lên tiếng. Sau hơn 10 năm thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước để xây dựng nền công nghiệp ô tô Việt Nam, kết quả khiến người tiêu dùng quá thất vọng. Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp Phan Đăng Tuất nhận xét: "Trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe ô tô, các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu về lắp ráp, sản xuất hầu như không đáng kể. Cho nên, không sai khi nói rằng ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gọi là ngành may vá ô tô". Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đưa ra con số cụ thể hơn: "Sau hơn 10 năm thực hiện, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt 5 - 10%".

Dù được hưởng ưu đãi về thuế rất nhiều so với xe nhập khẩu nhưng giá xe sản xuất, lắp ráp vẫn cao hơn 1,2 - 1,8 lần so với xe ở các nước trong khu vực. Nhà sản xuất thì luôn miệng đưa ra lý do, vì quy mô thị trường còn nhỏ nên chi phí sản xuất cao, giá xe đắt. Điều này chỉ đúng một phần, nhiều chuyên gia cho rằng có yếu tố chuyển giá (tức là khi nhập linh kiện từ công ty mẹ, công ty mẹ đã đẩy giá các sản phẩm lên cao hơn so với giá bình thường). Khi chuyển giá, giá ô tô sản xuất, lắp ráp rất cao, công ty trong nước có thể lãi ít nhưng công ty mẹ ở nước ngoài lại lãi nhiều.

Điều gây bức xúc đối với người tiêu dùng là mặc dù giá cao nhưng chất lượng xe sản xuất, lắp ráp thua xa xe nhập khẩu. Ông Phan Đăng Tuất thừa nhận: "Nếu chúng ta ngồi lên một chiếc Toyota sản xuất tại Việt Nam thì có thể thấy (chất lượng) kém rất xa những chiếc xe cũng của Toyota tại Nhật Bản, Thái Lan hay Mỹ".

Tăng phí và giảm thuế nhập khẩu

Tạo sức ép để các doanh nghiệp trong nước giảm giá, trong vòng gần một năm (từ tháng 1.2007 - tháng 11.2007), Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ 90% xuống 60%. Trong khoảng thời gian này, một lượng lớn xe nhập khẩu cập cảng Việt Nam, xe sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ chững lại. Nhưng tiếc rằng, hiện tại chính sách thuế đối với ô tô lại quay trở về "lối đi" cũ, bảo hộ xe trong nước. Mức thuế nhập khẩu đối với xe nguyên chiếc bị đẩy lên mức rất cao. Do thuế xe nhập khẩu tăng cao, lượng xe bán ra trong ba tháng gần đây của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước (VAMA) tăng rất nhanh: tháng 3 đạt 13.091 xe, tháng 4 đạt 13.800 xe và tháng 5 đạt 18.200 xe. Trong khi trước đó, tháng 2, VAMA chỉ bán ra thị trường 8.920 xe.

Các đại biểu tham dự hội thảo thống nhất, lối thoát cho ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô cũng như ngành công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, chỉ có duy nhất một con đường là theo xu hướng của thế giới. Các chính sách về thuế quan cũng phải đi theo xu hướng đó. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, do gần đây Chính phủ yêu cầu phải tăng cường các biện pháp để giảm nhập siêu nên tạm thời thuế nhập khẩu ô tô phải điều chỉnh lên cao. Xu hướng và theo cam kết WTO, theo Hiệp định CEPT/AFTA, thuế nhập khẩu ô tô sẽ phải điều chỉnh giảm dần để chỉ còn đạt mức trung bình 47% vào năm 2017. Bộ Tài chính cũng sẽ từ bỏ hẳn thuế nhập khẩu (ưu đãi) theo bộ linh kiện CKD để chuyển sang tính thuế theo linh kiện rời. Còn việc giải bài toán ách tắc giao thông phải đi theo một hướng khác, đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Văn Phụng: "Các khoản thu như thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, các loại phí và lệ phí về lề đường, bãi đậu, đăng ký biển số... lại tăng lên để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế giao thông, môi trường... ở các vùng khác nhau".

Đề nghị tăng thuế nhập khẩu ô tô, điện thoại và mỹ phẩm

Bộ Công thương vừa có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu, trong đó bao gồm: ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, xe 2 bánh phân khối lớn; mỹ phẩm; điện thoại di động và rượu. Theo Bộ Công thương, để đạt mục tiêu hạn chế nhập siêu, hạn chế ách tắc giao thông, tiết kiệm tiêu dùng, ngoài biện pháp nâng lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô thì việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô nguyên chiếc từ 9 chỗ ngồi trở xuống là cần thiết. Bộ Công thương đề nghị, đối với xe có dung tích trên 2.000 cc đến 3.000 cc tăng thêm 10% so với mức thuế hiện hành, lên 60%. Đối với xe có dung tích trên 3.000 cc tăng thêm 20% so với hiện hành, lên 70%. Mặt hàng điện thoại di động, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu MFN từ mức 5% hiện hành lên 8% là mức trần cam kết theo lộ trình trong WTO. 

X.Toàn

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.