Cẩn trọng khi xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ

14/06/2008 01:03 GMT+7

Đó là điều mà ông David Lennarz, Phó chủ tịch Công ty FDA Registrar Corp, lưu ý tại hội thảo về những quy định liên quan đến thực phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ diễn ra ngày 13.6.

Ông David Lennarz cho biết kể từ năm 2003, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) bắt buộc các nhà xuất khẩu thực phẩm và thuốc vào thị trường Mỹ phải đăng ký với cơ quan này. Việt Nam là một trong những quốc gia và lãnh thổ có nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký với FDA. Tính đến tháng 4.2008, có trên 5.230 DN xuất khẩu Việt Nam được FDA cấp mã số hải quan đối với mặt hàng thực phẩm và thuốc so với Thái Lan chỉ có khoảng 2.800 DN (toàn cầu có trên 347.000 DN đã đăng ký, trong đó Nhật trên 22.330 DN, Trung Quốc 18.000 DN...).

Vấn đề là dù đã được hướng dẫn rõ ràng nhưng nhiều DN xuất khẩu vẫn bị kẹt tại cửa khẩu, không được phép đưa hàng vào bên trong thị trường Mỹ. Theo văn phòng FDA Registrar Corp tại Việt Nam, hằng tháng có khoảng 30-50 container hàng thực phẩm xuất xứ từ Việt Nam bị kẹt vì liên quan đến thành phần thực phẩm. Ông Lennarz cho biết, Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia và lãnh thổ có hàng thực phẩm bị kẹt nhiều nhất vì vi phạm những quy định về đăng ký, chất lượng, thành phần nguyên liệu và ghi nhãn hàng hóa.

Theo quy định của FDA, sau khi đăng ký xuất khẩu, DN phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định ghi nhãn trên bao bì, đặc biệt là thành phần thực phẩm. Nhiều DN bỏ qua chi tiết thành phần thực phẩm hoặc ghi không rõ ràng có thể bị FDA yêu cầu lưu giữ hàng tại cảng và bị xuất ngược trở về Việt Nam. Ví dụ như ngoài tên các thành phần có trong thực phẩm và tỷ lệ phần trăm, phải cho biết chúng có thể gây phản ứng gì cho người sử dụng. Hiện nhiều người Mỹ có tâm lý lo ngại các thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, ngoài ra ngày càng nhiều người bị dị ứng với một số hợp chất trong thực phẩm nên quy định càng nghiêm ngặt hơn.

Theo FDA Registrar Corp, có khoảng 2% người lớn và 5% trẻ em ở Mỹ dị ứng với một số thực phẩm. Hằng năm có khoảng 30.000 người tiêu dùng phải cấp cứu vì dị ứng, 150 người chết vì ngộ độc thực phẩm. Một số mặt hàng của Việt Nam như cua đóng hộp, ô mai, tôm và thạch gần đây thường bị kẹt nhiều nhất ở khâu kiểm tra trước khi vào Mỹ. Ngoài ra còn có rau các loại, nước mắm, nghêu... cũng thường xuyên bị FDA cấm nhập vào mặc dù các lô hàng này của Việt Nam đã tuân thủ tốt việc đăng ký và ghi nhãn hàng hóa, thành phần thực phẩm. Lý do là FDA có quy định riêng đối với thực phẩm đóng hộp và chứa hàm lượng acid thấp. Những loại thực phẩm này có thời gian sử dụng lâu nên FDA yêu cầu độ pH phải trên 4.6, vì vậy DN xuất khẩu phải đăng ký và được cấp mã FCE/SID từ FDA đối với loại thực phẩm có tính chất đặc thù này.

Hiện FDA đang thực hiện chương trình giám sát đối với hàng thực phẩm của Trung Quốc và Ấn Độ. Chương trình giám sát này là thách thức đối với những nhà cung cấp thực phẩm ở các nước khác nhưng cũng là cơ hội nếu biết tận dụng.

Minh Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.