Người tạo diện mạo cho ĐBSCL
Dấu ấn mà chú Sáu Dân - người dân vùng sông nước Cửu Long quen gọi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt bằng cái tên mộc mạc, chí tình này - để lại từ những quyết sách mang tính đột phá dành riêng cho ĐBSCL, để từ đó vùng đất này có diện mạo như ngày hôm nay.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thuyền trên sông Cổ Chiên, TX Vĩnh Long đến thăm đồng bào bị ảnh hưởng cơn bão số 7 (1992) - Ảnh: TTXVN |
Lật lại những trang ghi chép khi tác nghiệp, mới thấy rằng không phải quyết sách nào của chú Sáu khi ra đời cũng thuận chèo, xuôi mái. Bởi lẽ, ông luôn động chạm đến những vấn đề lớn lao. Còn nhớ năm 1988, khi chú Sáu Dân khởi sự chương trình Mười năm đầu tư khai thác vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên và ngọt hóa Bán đảo Cà Mau và đến năm 1996 là chương trình Sống chung với lũ, nhiều vị lãnh đạo và ngay cả một số nhà khoa học đã cho rằng ông đã đụng tới tổ ong vò vẽ. Ý họ muốn nói, ông đã làm chuyện không đâu. Các nhà khoa học Hà Lan cũng cho rằng không nên đụng chạm tới thiên nhiên. Nhiều bộ ngành còn hoài nghi và e ngại khi cải tạo, mở rộng kênh Vĩnh Tế để xây dựng công trình kiểm soát lũ tràn thì mực nước kênh Vĩnh Tế sẽ tuột đi và làm mất thế ổn định đang có. Dẫu rằng cái ổn định tạm thời lúc bấy giờ lại đầy bất ổn vì không khai thác được tiềm năng vốn có của vùng đất này.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại đất mũi Cà Mau năm 2005 - Ảnh: Huỳnh Lâm
Theo TTXVN
Ngày 13.6, Văn phòng Chính phủ có công điện: Thực hiện Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Thông báo của Ban Lễ tang về việc tổ chức trọng thể lễ tang đồng chí Võ Văn Kiệt theo nghi thức quốc tang, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Trong hai ngày quốc tang (14 và 15.6.2008), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Là người con sinh ra từ mảnh đất đồng bằng, hơn ai hết chú Sáu Dân là người thông thuộc mảnh đất và tâm tính người đồng bằng hơn bao giờ hết. Chú Sáu đã quyết liệt chỉ đạo làm. Những ý kiến phản biện luôn được chú đem ra đối chiếu, cân nhắc cẩn trọng. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhớ lại: "Nghe chú Sáu đề ra quyết sách này tụi tôi mê lắm. Nhưng lúc đó không phải địa phương nào cũng chịu chương trình này. Có địa phương cứ e ngại việc thoát lũ như vậy phù sa dẫn về đâu không thấy chỉ thấy đất đai nhiễm phèn. Nhiều lúc căng tới nỗi họp xong mạnh ai nấy về, không chịu ngồi ăn cơm chung. Có lần nghe tôi than, chú Sáu nói một câu đầy chất ngang tàng Nam Bộ khiến tôi nhớ hoài: "Tao làm tới chức Thủ tướng mà tao còn không sợ mất chức. Cái chức của mày ăn nhằm gì". Câu nói của chú Sáu khiến tôi mạnh dạn làm nhiều chuyện... vượt rào khác. Miễn là công việc đó có lợi cho dân".
Đến nay, hệ thống trục chính về thủy lợi và giao thông trong chương trình "Sống chung với lũ" đã giúp cho trên 10 triệu người dân đồng bằng có cuộc sống ổn định mỗi mùa nước nổi. Riêng với chương trình khai phá Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã nâng số lượng lúa hàng hóa lên rất nhiều, góp phần đảm bảo an ninh lương thực. Vùng đất phèn vốn chỉ có tràm mọc lơ thơ nay là đồng lúa phì nhiêu. Chỉ tính riêng 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang đã làm ra trên 9 triệu tấn lương thực trong số 17,6 triệu tấn lúa hằng năm của đồng bằng.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với các cháu thiếu nhi về dự Liên hoan chiến sĩ nhỏ Điện Biên xuất sắc toàn quốc năm 1994 - Ảnh: TTXVN |
Những dấu ấn chú Sáu để lại cho đồng bằng không chỉ bấy nhiêu. Khi không còn làm Thủ tướng, người đồng bằng vẫn thấy ông lặn lội, sát cánh với vùng đất này. Hai chương trình lớn về giao thông và giáo dục đã là điều chú Sáu tâm huyết từ bấy lâu nay. Còn nhớ, hồi tháng 8.2005, chú Sáu đã về Cần Thơ dự chỉ đạo xuyên suốt hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo ĐBSCL. Những chỉ số về giáo dục tại nơi này đều quá thấp so với mặt bằng chung. Tại buổi họp đã có nhiều ý kiến phát biểu rất căng thẳng. GS-TS Võ Tòng Xuân nói: "Nói thẳng là nền giáo dục ĐBSCL là một nạn nhân khác của chiến tranh. Nhân lực ở đâu khi chúng ta cứ lấy người mới tốt nghiệp lớp 9 đem đi dạy học, rồi loay hoay chuẩn hóa. Tại sao chúng ta không giải quyết ở cái gốc, ở máy cái đào tạo nhân lực mà cứ loay hoay phần ngọn chuyện trình độ học sinh. Trong khi đó học sinh thì chịu hết xiết phải đi tìm nơi khác học hành". Còn rất nhiều ý kiến khác khiến chú Sáu hết sức bức xúc. Chú cho rằng phải cần có một cơ chế riêng cho vùng đất này và chú Sáu cũng chẩn đúng "bệnh" khi cho rằng: "Phải có một nhóm công tác đặc biệt, một tổ chức có đủ thẩm quyền để giám sát, thực hiện. Chứ không khéo thì hội nghị xong lại buông mặc cho địa phương, mọi chuyện lại đâu vào đấy". Cũng tại hội nghị này chú Sáu đã lên tiếng vận động một cuộc "Đi B trong giáo dục", xem đây là giải pháp tốt cho tình trạng thiếu hụt đội ngũ giảng viên đại học trình độ cao ở ĐBSCL.
Tại hội nghị bàn về "Phát triển giao thông ĐBSCL" cũng tại Cần Thơ, rất bất ngờ chú Sáu mở đầu phát biểu bằng chuyện ông mới "bí mật" đi thị sát tuyến Quốc lộ 1A từ Cà Mau về Cần Thơ. Chuyến đi âm thầm, không còi hụ ưu tiên đó đã giúp ông có cái nhìn thực tế nhất về chuyện thi công nham nhở, làm xong bỏ đó, làm không đâu tới đâu, thi công như rùa bò, khiến tắc đường kẹt xe... Hội nghị đã nóng lên từ những phát biểu đầy chất lửa của chú Sáu. Chú Sáu luôn đau đáu việc giải cho ra bài toán giao thông cho vùng ĐBSCL, phải đầu tư sao cho đúng mức, đúng tầm.
Chú Sáu Dân thị sát công trình bờ kè kinh Xáng Xà No, Hậu Giang - Ảnh: Duy Khương |
Hôm lễ 30.4 và 1.5 mới đây, chúng tôi vẫn còn gặp chú Sáu tại tỉnh vùng sâu mới chia tách Hậu Giang. Vẫn thấy chú đi nhiều nơi, gặp nhiều người. Ông Nguyễn Phong Quang, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, bần thần nói: "Hôm đó chú Sáu dặn dò nhiều lắm. Từ chuyện xây dựng bờ kè kinh Xáng Xà No cho đến việc mở rộng thị xã Vị Thanh sao cho nó nối kết với Kiên Giang, Cà Mau không chỉ về giao thông mà còn về kinh tế. Rồi chú còn hỏi thăm chuyện mở rộng, nâng cấp Ngã Bảy, Phụng Hiệp đến đâu rồi. Chú luôn hối thúc tụi tôi phải làm nhanh lên để người dân đỡ khổ. Từ hồi nào tới giờ ông luôn là người truyền lửa cho chúng tôi". Và còn đó những phác thảo chú Sáu đã đặt ra: Mở tuyến giao thông Chơn Thành - Đức Huệ - Vàm Cống để giảm tải tuyến quốc lộ 1A; Ưu tiên xử lý hai cửa sông: cửa Tiểu, cửa Định An để giảm toàn bộ áp lực giao thông đường thủy đang dồn cho cụm cảng TP.HCM; Đầu tư sớm và đúng tầm cho sân bay Trà Nóc, Cần Thơ... khiến người dân đồng bằng luôn cảm thấy mình phải tiếp nối những gì ông để lại...
Hôm qua, ông Nguyễn Minh Nhị nói với tôi rằng, dự định đi Hà Lan để nghiên cứu tìm hiểu về biển dâng của chú Sáu thật ra đã được ông nung nấu từ 10 năm nay. Lúc đó, trong một dịp về An Giang, chú Sáu Dân đã nói với ông Bảy Nhị rằng: "Rồi sẽ có ngày vùng đất mình đang ở đây sẽ không đủ nước ngọt để uống, cá nước ngọt không đủ để ăn. Đó là chưa tính đến việc nước biển dâng lên nữa chú Bảy à !". Ông Bảy Nhị nghẹn ngào nói: "Những điều chú Sáu cảnh báo bây giờ đã hiển hiện rồi đó. Tầm nhìn của chú Sáu lớn lắm, tiếc là chú chưa kịp thỏa ý nguyện của mình. Mà nói cho cùng đó chính là tổn thất cho chúng ta, những người ở lại".
Chúng tôi biết chú Sáu vẫn còn nặng nợ lắm với mảnh đất đồng bằng này đây!
Hồng Hạnh
Người bạn lớn của bóng đá trẻ Việt Nam Tin chú Sáu Dân mất làm mọi người bàng hoàng. Đối với những người làm bóng đá trẻ, đã tổ chức giải U.21 Báo Thanh Niên từ 12 năm qua như chúng tôi thì nỗi đau càng khó nguôi ngoai. Một ngày đầu năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi với Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế. Ông nói, Báo Thanh Niên với tư cách là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thanh niên VN, đã có nhiều loạt bài thể thao gây ấn tượng tốt cho bạn đọc, nhất là tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, điển hình như vụ "Có hay không việc chống HLV Weigang" hồi cuối năm 1996. Loạt bài đã góp phần vạch ra những bất cập về thái độ đối xử, lề lối làm việc tắc trách cũng như những biểu hiện tiêu cực của một số quan chức trong bộ máy LĐBĐVN khi đó, mang lại niềm tin rất lớn cho những người hâm mộ bóng đá nước nhà. Ông cho rằng có chống phải có xây, vì thế tại sao Báo Thanh Niên không đứng ra tổ chức một giải đấu dành cho cầu thủ trẻ để góp phần xây dựng một lực lượng mới, một thế hệ mới mang lại sức bật cho tương lai bóng đá nước nhà.
Chú Sáu Dân động viên các cầu thủ trẻ tại Giải U.21 quốc tế lần I năm 2007 ở Khánh Hòa - Ảnh: Ngọc Hải
Từ sự gợi ý chí tình thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến bóng đá Việt Nam như thế của chú Sáu Dân, ngay lập tức Báo Thanh Niên bắt tay vào việc chuẩn bị và chỉ trong thời gian ngắn, đã phối hợp với LĐBĐVN tiến hành tổ chức một giải đấu mang tầm cỡ quốc gia với tên gọi "Giải bóng đá trẻ U.22 quốc gia Cúp Báo Thanh Niên". Trong thời điểm đó, bóng đá nước nhà chưa có một giải đấu trẻ nào dành cho lứa tuổi cận kề với bóng đá đỉnh cao được tổ chức quy mô với giá trị giải thưởng cao như thế. Trong những ngày diễn ra giải U.22, chú Sáu Dân dù bận bịu trăm công ngàn việc của Chính phủ, nhưng đã luôn dành cho giải sự quan tâm đặc biệt, luôn động viên Báo Thanh Niên phải nỗ lực nhiều hơn. Ông cũng đã phân công các Phó thủ tướng đến xem các trận bán kết cổ vũ cho giải và cho các cầu thủ trẻ. Trận chung kết giải U.22 tại sân Hàng Đẫy giữa Thể Công và tuyển TP.HCM, chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có mặt theo dõi từ đầu và ngay sau trận đầu, đích thân ông đã xuống sân tặng hoa, cờ, đeo từng chiếc huy chương và trao Cúp vô địch cho đội trưởng Nguyễn Mạnh Dũng của Thể Công. Khán giả có mặt trên sân, những người làm bóng đá, những cầu thủ trẻ đã không kìm được xúc động khi cảm nhận được tấm lòng dành cho bóng đá trẻ nước nhà của người đứng đầu Chính phủ. Những lần tổ chức giải bóng đá trẻ sau này - với tên gọi Giải U.21 Báo Thanh Niên - dù đã đi vào quy củ, dù diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau nhưng đều không hề vắng chú Sáu Dân. Dù bận rộn thế nào nhưng mỗi khi đến giải chú Sáu Dân đều đến tham dự lễ khai mạc hoặc dự khán trận chung kết và trao giải. Trong rất nhiều giải đấu, chú Sáu Dân đã ân cần thăm hỏi từng cầu thủ, vỗ về từng người, khen ngợi ý chí, quyết tâm cũng như tinh thần thi đấu, khích lệ sự cố gắng của các thành viên ban tổ chức. Ở giải năm 2003 tại An Giang, chú Sáu Dân đã di chuyển hơn 200 km đến sân Long Xuyên. Bất chấp trời mưa to, chú Sáu Dân vẫn đội mưa ra trao giải, xiết chặt tay động viên từng người. Ở giải U.21 quốc tế lần đầu tiên tổ chức năm rồi tại Khánh Hòa, dù sức khỏe không còn thật tốt, nhưng chú Sáu Dân vẫn nhận lời đến xem trận chung kết giữa Việt Nam - Thái Lan và ngay sau khi trận đấu kết thúc đã xuống trao giải, chụp hình lưu niệm với các đội bóng. Tình cảm thân thiết đó đã khiến chú Sáu Dân trở thành một người anh, một người bạn lớn mà mãi mãi những người làm bóng đá trẻ chúng tôi, những cầu thủ đã và đang thi đấu chẳng bao giờ quên. Giải U.21 Báo Thanh Niên năm nay sắp diễn ra tại Bình Định và Huế không còn có mặt chú Sáu Dân nữa. Nhưng hình ảnh thân thuộc và nhiệt huyết dành cho bóng đá trẻ của chú chắc chắn vẫn luôn song hành với giải đấu này. Quang Tuyến |
Báo chí quốc tế viết về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt Nhiều chính khách hàng đầu thế giới và các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế đã đánh giá cao những cống hiến của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong công cuộc đổi mới và phát triển của Việt Nam.
Liên Hiệp Quốc: Tổng thư ký Ban Ki-moon đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc khi nghe tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời. Trong thông cáo báo chí của LHQ hôm 11.6, ông Ban Ki-moon đã ngỏ lời chia buồn đến gia đình ông Võ Văn Kiệt cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Mỹ: Thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11.6 đã viết: "Sự lãnh đạo của ông Võ Văn Kiệt trong vai trò thủ tướng từ năm 1991 đến 1997 đã dẫn đến những cải cách giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam. Những nỗ lực của ông đã giúp dọn đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam". Singapore: Theo Hãng tin Channel News Asia, Thủ tướng Singapore đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi biết tin nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời. Trong điện chia buồn, Thủ tướng Lý Hiển Long mô tả ông Võ Văn Kiệt là một người bạn lâu năm của Singapore, đã giúp đặt nền tảng cho quan hệ 2 nước. "Dưới sự lãnh đạo của ông, Việt Nam đã mở cửa với thế giới, từng bước tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo ra những tiến bộ vượt bậc". Trong thư riêng gửi cho bà quả phụ Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng cao cấp Goh Chok Tong đánh giá cao vai trò của ông Kiệt trong việc đưa Việt Nam gia nhập ASEAN, trong khi Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu coi ông Kiệt là một nhà lãnh đạo nhìn xa trông rộng đã đưa đất nước Việt Nam đi qua một giai đoạn chuyển đổi lớn. Hãng tin Reuters: "Trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng, ông Kiệt là người lãnh đạo quá trình cải cách theo hướng thị trường, được gọi là "đổi mới", trong những năm 80 và 90... Khi rời nhiệm sở, ông vẫn tích cực thuyết giảng chính trị, trả lời phỏng vấn và đăng bài bình luận nhằm đẩy mạnh cải cách khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và tăng trưởng GDP bình quân đạt mức 7,5% kể từ năm 2000". Báo Telegraph (Anh): "Khi làm thủ tướng, ông Kiệt đã đi nhiều nước để thúc đẩy đầu tư và thiết lập những mối quan hệ ngoại giao và thương mại mới". Báo Telegraph cũng đã điểm lại quá trình tham gia cách mạng của ông Võ Văn Kiệt trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ như một trong những nhà cách mạng kỳ cựu của Việt Nam. Hãng tin AFP: Đưa tin về việc nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời, Hãng tin AFP đã dẫn lời của bà Marie-Louise Thaning, một nhà ngoại giao Thụy Điển, gọi ông Kiệt là "một người đại diện đầy kinh nghiệm và cởi mở của giới lãnh đạo Việt Nam", và nhấn mạnh: "Việt Nam tri ân ông Kiệt nhiều vì những gì Việt Nam có được hôm nay". Hãng tin Bloomberg: Trong bản tin về việc nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời, Hãng tin Bloomberg đã dẫn lời ông Dominic Scriven, đồng sáng lập Công ty đầu tư tài chính Dragon Capital ở TP.HCM vào năm 1994, nhận xét: "Ông ấy rõ ràng là một trong những nhân vật được kính trọng và gây ấn tượng nhất trong giai đoạn sau chiến tranh ở Việt Nam. Dù đã không làm thủ tướng từ lâu, ông vẫn tiếp tục là một nhân vật chủ chốt". Hãng tin Bloomberg nhấn mạnh: "Trong nhiệm kỳ thủ tướng, ông Kiệt đã góp phần vào việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam vào năm 1994 và khôi phục quan hệ ngoại giao vào năm 1995". T.Q (tổng hợp) |
Bình luận (0)