Thủ tục hành chính điện tử, 5 năm vẫn chưa làm được!

14/06/2008 23:52 GMT+7

* Thông qua danh sách 34 đường, phố cần đặt tên và điều chỉnh độ dài Thanh tra công vụ, cải cách thủ tục hành chính, rao vặt “bôi bẩn đường phố”... là những vấn đề được các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quan tâm trong phiên chất vấn ngày hôm qua.

Giám đốc Sở Nội vụ Lưu Tiến Định là người nhận được lượng câu hỏi chất vấn nhiều nhất - 7 đại biểu với 10 lượt chất vấn. Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Thị An về tỷ lệ cán bộ, công chức bị xử lý liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, ông Định cho biết "con số không lấy gì làm vui lắm"; cụ thể tại 8 quận, huyện có đến 101 cán bộ phải xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên. Tuy nhiên, câu hỏi cũng của ĐB An về việc Sở Nội vụ có đặt ra tiêu chuẩn đặc biệt nào để giảm những tiêu cực trong lĩnh vực này, ngoài những tiêu chuẩn bình thường tuyển chọn công chức, thì chưa được ông Định đề cập.

Đại biểu Nguyễn Tiến Thắng hỏi: "Thanh tra công vụ có phát hiện nơi nào, cơ quan nào tự đặt ra các thủ tục để gây phiền hà, hành dân, hành doanh nghiệp?". Ông Lưu Tiến Định phân bua: "Cũng có một số nơi như UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) yêu cầu lấy ý kiến tổ trưởng dân phố khi làm... đăng ký kết hôn hay UBND quận Hoàng Mai đưa thêm nội dung lấy ý kiến của UBND phường về môi trường khi xin cấp phép kinh doanh... Có những việc này là do cơ quan Nhà nước muốn "chắc việc" nên tự đưa thêm thủ tục".

Về vấn đề giải quyết thủ tục hành chính qua cổng giao tiếp điện tử, ông Định nói: "Đây không phải là việc có tiền là có thể làm ngay được, còn phải nâng cao trình độ cán bộ công chức để khai thác được hết những lợi thế của công nghệ thông tin". Nghe đến đây, Phó chủ tịch HĐND TP Lê Quang Nhuệ phê bình luôn: "Về chính phủ điện tử, HĐND TP đã có nghị quyết, song tới nay có bao nhiêu quy trình thủ tục hành chính người dân ở nhà vào mạng internet để xem được? 5 năm rồi chúng ta vẫn chưa làm được gì". Ông Nhuệ nói: "Chưa làm được thì nên nhận luôn là chưa làm được, yếu kém thì nhận là yếu kém".

Chất vấn Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phạm Quang Long về việc xử lý những quảng cáo, rao vặt "bôi bẩn đường phố", ĐB Đào Xuân  Dương hỏi: "Vi phạm nhiều trong khi tiến độ xử lý chậm, tại sao lại như vậy?". Ông Long phân trần: "Không có các cơ quan chức năng khác, một mình Sở Văn hóa - Thể dục và Du lịch không thể xử lý được. Thêm nữa, khi xử lý vi phạm, Sở chỉ có thể tổ chức tháo dỡ phần nội dung (phần biển phía trên), còn phần cột, chân đế lại thuộc trách nhiệm của địa phương, doanh nghiệp có khi lại bỏ trốn rồi, Sở không làm thay được. Do vậy, trách nhiệm ở đây không thuộc về riêng cơ quan nào! Chế tài xử phạt phải theo luật. Chúng tôi từng kiến nghị tăng gấp 3 lần tiền phạt nhưng chưa được chấp thuận...". Riêng về loại quảng cáo, rao vặt trái phép trên tường gây mất mỹ quan đô thị, ông Phạm Quang Long cho biết, đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội xử phạt, cắt thuê bao song hình thức này cũng như bắt cóc bỏ đĩa "chưa xử lý xong đã tái phạm".

Hôm qua, HĐND TP Hà Nội cũng đã thông qua danh sách 34 đường, phố cần đặt tên và điều chỉnh độ dài. Trong đó, có 20 đường phố mang tên danh nhân, 11 đường phố mang tên địa danh, 3 đường phố điều chỉnh độ dài.

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.