Tham nhũng vặt

18/06/2008 00:01 GMT+7

Chương trình phát triển LHQ (UNDP) vừa công bố bản báo cáo về Chỉ số phát triển con người ở vùng châu Á - Thái Bình Dương năm 2008, với tên gọi "Chống tham nhũng, chuyển hóa cuộc sống" (Tackling Corruption, Transforming Lives).

Một phát hiện đặc biệt của báo cáo này là tệ nạn "tham nhũng vặt" (những vụ nhỏ, trị giá từ vài đến vài chục đô la), như những vụ vòi tiền "mãi lộ", "chung chi trà nước"... nguy hại chẳng kém gì tham nhũng lớn, thậm chí, còn nhiều nguy hiểm hơn (!).

Theo báo cáo, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bình quân cứ 5 người dân thì có 1 người phải chi tiền cho quan chức, công chức các loại; ví dụ như "ở Campuchia, 89% các vụ vi phạm luật giao thông đã kết thúc bằng chung chi". Theo UNDP, nguyện vọng số 1 của đa số người dân là chặn đứng tham nhũng vặt. Sở dĩ đó là nguyện vọng số 1 bởi người dân trong khu vực đa số còn nghèo, họ rất quan tâm đến túi tiền èo uột của mình.

Tham nhũng vặt gây sức ép về tinh thần và tác động rất xấu đến niềm tin của người dân vào những người đại diện công quyền; nó ảnh hưởng toàn diện và sâu sắc đến đời sống, công việc, ý chí sống, khả năng tiết kiệm. Báo cáo chỉ ra rằng, một khi tham nhũng vặt xảy ra liên tục, thì con người rất dễ mệt mỏi và trầm uất; làm cho "người nghèo ngày càng bị cách ly khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội, và gia tăng cảm giác bất công". Nếu không chặn đứng được tham nhũng vặt thì sẽ không bao giờ thoát khỏi tình trạng đói nghèo, bởi mọi chiến dịch của Nhà nước nhằm xóa đói giảm nghèo là "một bước tiến", nhưng tham nhũng vặt lại tạo ra "hai bước lùi".

Tham nhũng vặt không được loại bỏ sẽ nảy sinh câu hỏi: nếu tham nhũng nhỏ còn không dẹp được thì làm sao có thể chống nổi tham nhũng lớn? Ai cũng biết nhổ bỏ cây nhỏ dễ hơn rất nhiều so với việc làm bật gốc những cái cây đã thành gộc, cội. Chính sự coi thường tham nhũng nhỏ sẽ "tiếp sức", "thêm vây" cho tham nhũng lớn.

Và cũng sẽä vô cùng nguy hại nếu cơ quan công quyền buông lỏng quản lý, giám sát và ngăn chặn tham nhũng nhỏ, bởi như thế sẽ dần dần làm tha hóa và trầm trọng toàn bộ bộ máy quan chức.

Chống tham nhũng lớn là một việc làm cấp bách. Chống tham nhũng vặt cũng là việc cấp bách không kém.

Hà Văn Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.