"Cú hích" cho thương mại điện tử Việt Nam

19/06/2008 00:00 GMT+7

Ngày 17.6, "gã khổng lồ" trong lĩnh vực mua bán qua mạng eBay (Mỹ) đã công bố bước đi tiếp theo tại thị trường Việt Nam bằng việc hợp tác với www.chodientu.vn thuộc Công ty PeaceSoft. Trước đó, eBay đã ra mắt trang web dành riêng cho người tiêu dùng tại Việt Nam hồi tháng 6.2007. Thị trường đầy tiềm năng Việc mua hàng qua mạng đang trở thành một xu hướng tất yếu trên thế giới vì nó đáp ứng được các nhu cầu tiện lợi cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, mua hàng qua mạng thường rẻ hơn mua tại cửa hàng từ 10-30% do doanh nghiệp bán hàng qua mạng tiết kiệm được rất nhiều chi phí về nhân sự, mặt bằng... Ông Dan Neary - Phó chủ tịch eBay phụ trách các thị trường mới nổi - cho rằng Việt Nam là một thị trường trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng với tiềm năng khổng lồ do hiện đã có gần 18 triệu người sử dụng internet.

Theo thăm dò của Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen năm 2007, trung bình trên toàn cầu có 86% người sử dụng internet đã từng tham gia mua bán qua mạng, tại Việt Nam, con số này là 58%. Công ty nghiên cứu IDC cũng dự báo thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 44% mỗi năm từ nay đến năm 2010. Tuy nhiên, nếu so với con số tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử trên thế giới đạt 770 tỉ USD vào năm 2007 và ước tính có thể đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2010 thì thị trường Việt Nam chỉ mới đi những bước đầu tiên.

Cái bắt tay giữa eBay và PeaceSoft sẽ tạo ra "cú hích" phát triển thương mại điện tử trong nước - Ảnh: M.P

Chính vì vậy, trong khi trang web eBay.vn chỉ cho phép người dùng tại Việt Nam giao dịch với các đối tác ở nước ngoài, thì với cái bắt tay cùng PeaceSoft, eBay muốn đẩy mạnh giao dịch qua mạng tại thị trường nội địa Việt Nam. Thỏa thuận này kéo dài trong nhiều năm, hai bên sẽ cùng phát triển một trang web thương mại đồng thương hiệu để người dùng Việt Nam sử dụng với những giao dịch nội địa. "Khi website đồng thương hiệu ra mắt, Việt Nam sẽ là thị trường thứ 40 đánh dấu sự có mặt và vận hành chính thức của eBay tại thị trường nội địa", ông Dan Neary nhấn mạnh. www.chodientu.vn hiện có 120.000 thành viên với khoảng 600.000 lượt người truy cập mỗi ngày. Ông Nguyễn Hòa Bình - Tổng giám đốc Công ty PeaceSoft - cho rằng giá trị giao dịch thông qua website này năm 2008 sẽ tăng gấp đôi so với năm 2007.

“Trong thời điểm hiện nay, khi mọi người phải tiết kiệm chi phí đến mức tối đa thì chính là lúc thương mại điện tử có thể phát huy thế mạnh. Giá bán hàng trên mạng luôn cạnh tranh vì người bán giảm được nhiều chi phí" - Ông Nguyễn Hoàng Ly, Tổng giám đốc Công ty VietUnion

Việc eBay bắt tay với PeaceSoft được xem là một "cú hích" cho thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Bên cạnh www.chodientu.com, thị trường trong nước còn có một số trang web giao dịch khá thành công. Từ một diễn đàn tự phát cách đây 4 năm, trang web www.5giay.com giờ đây đã có khoảng 85.000 người truy cập mỗi ngày và 110.000 thành viên đăng ký chính thức. Tương tự, sàn giao dịch www.thitruongviet.com.vn của Công ty cổ phần Truyền thông và Thương mại điện tử Thanh Long cũng đã có lượng giao dịch mua bán qua mạng trong nửa đầu năm 2008 tăng 30% so cùng kỳ năm 2007 với gần 200 đơn hàng mỗi ngày...

Khai thông thanh toán

www.chodientu.com, website có 600.000 lượt người truy cập/ngày

     

website www.5giay.com đang có 110.000 thành viên

Theo ông Dan Neary, 3 thách thức hiện nay của việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam chính là tốc độ truy cập internet, phương thức thanh toán và vấn đề giao nhận hàng hóa. Đây là 3 khó khăn chung của những thị trường mới nổi chứ không riêng Việt Nam. Ngay cả Tập đoàn eBay với phương tiện thanh toán PayPal vẫn chưa hoàn toàn hỗ trợ vấn đề thanh toán khi giao dịch tại Việt Nam. Việc thiếu hình thức thanh toán trực tuyến trọn vẹn khiến cho những người tham gia giao dịch qua mạng phải đối diện với nhiều rủi ro.

Theo kết quả điều tra của Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương), có tới 63% DN tin tưởng rằng doanh thu có được từ các đơn đặt hàng sử dụng phương tiện điện tử sẽ tiếp tục tăng. Năm 2007 đã có 10% DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT, 82% có mạng cục bộ (LAN) và đáng lưu ý có tới 97% DN kết nối internet với hình thức kết nối chủ yếu là băng thông rộng ADSL.

Nếu như cuối năm 2007, số DN có website ước tính vào khoảng 17.500 (chiếm khoảng 19% tổng số DN), trong 3 năm 2005-2007 số DN xây dựng website tăng mạnh, đưa tỷ lệ DN có website lên đến 38% vào cuối năm 2007. Tỷ lệ tăng lên gấp đôi chỉ trong 3 năm cho thấy DN Việt Nam đã thực sự bước vào giai đoạn triển khai ứng dụng thực tế mà TMĐT đem lại để cải tiến phương thức kinh doanh. (T.Hằng)

Hiện nay nhiều trang web thương mại tại Việt Nam đang từng bước hướng đến thanh toán trực tuyến để giúp cho giao dịch của người dùng được thực hiện nhanh gọn hơn. Ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông và Thương mại điện tử Thanh Long - cho biết mạng này đã tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế Paypal cũng như thanh toán bằng thẻ đa năng Đông Á tại nội địa. Trong thời gian tới, thitruongviet.com.vn cũng sẽ mở rộng thanh toán qua hệ thống thẻ ATM liên kết của các ngân hàng trong nước. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, trong thời gian tới, cùng với sự hỗ trợ của eBay, đơn vị này sẽ xây dựng một công cụ thanh toán trực tuyến tiện dụng hơn. Tương tự trang web www.5giay.com đã ký hợp đồng thanh toán trực tuyến với mạng giao dịch MXNet. Trong khi đó, Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) cũng đang xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán trực tuyến mang tên "Ví điện tử Payoo". Đây là một tài khoản điện tử, có chức năng như một chiếc ví tiền trên mạng nhằm hỗ trợ người dùng mua - bán - giao dịch tại các trang web thương mại điện tử và tại các cộng đồng mạng có hoạt động thanh toán hoặc trả phí. Ông Nguyễn Hoàng Ly - Tổng giám đốc Công ty VietUnion - cho biết phiên bản thử nghiệm của ví điện tử Payoo sẽ ra mắt vào cuối tháng 6 này.

Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia về thương mại điện tử cho rằng để thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển kịp với các nước rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về pháp lý; sự liên kết mạnh mẽ của các ngân hàng với các doanh nghiệp để thúc đẩy thanh toán trực tuyến... Đặc biệt, các đơn vị thanh toán trực tuyến phải đảm bảo được tính năng an toàn giao dịch cho cả người mua và người bán. "Ngoài giải pháp thanh toán trực tuyến, để thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển nhanh trong thời gian tới, chúng ta cũng cần chú trọng về các dịch vụ giao nhận cũng như những chương trình giới thiệu, hướng dẫn và khuyến khích mọi người tham gia nhiều hơn vào các hoạt động này", ông Nguyễn Hoàng Ly nói.

Ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương):

Sự kiện eBay bắt tay hợp tác với Chodientu.com chứng tỏ thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam bắt đầu được các tập đoàn TMĐT hàng đầu thế giới quan tâm. Sự hợp tác này chắc chắn sẽ mang lại những tác động tích cực, tạo ra môi trường cho TMĐT tại Việt Nam phát triển lành mạnh, đạt quy chuẩn quốc tế. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam, nhất là giới trẻ tham gia vào thị trường TMĐT sẽ là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất vì eBay có những công cụ hỗ trợ thanh toán, hạ tầng kỹ thuật ưu việt.

Tuy hiện nay TMĐT Việt Nam đang đứng ở mức thấp trên thế giới nhưng so với khoảng 5 năm trước đã có sự tiến bộ vượt bậc. Dân số đông, tỷ lệ sử dụng internet phát triển nhanh là lý do các "đại gia" trong lĩnh vực TMĐT trên thế giới để mắt đến Việt Nam. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong ứng dụng TMĐT vẫn là an ninh của giao dịch trực tuyến và thanh toán điện tử.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam:

Sự hợp tác giữa eBay và Chodientu.com là bước phát triển mới cho ngành TMĐT Việt Nam. Về phía hiệp hội, chúng tôi chúc mừng thành viên đầu tiên của hiệp hội tiên phong hợp tác với nước ngoài. Chúng tôi cũng ủng hộ và khuyến khích các doanh nghiệp (DN) Việt Nam kết hợp với các DN TMĐT của nước ngoài để tăng cường sự trao đổi học tập về kinh nghiệm, thương hiệu, công nghệ. Hiệp hội cũng mong muốn sẽ là cầu nối giới thiệu hợp tác giữa các tập đoàn TMĐT nước ngoài muốn quan hệ, hợp tác làm ăn với các thành viên trong hiệp hội nói riêng và các DN kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT nói chung.

Năm 2009, khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ, rất nhiều tập đoàn bán lẻ có tên tuổi trên thế giới sẽ vào Việt Nam. Không chỉ mở rộng hệ thống bán hàng offline, các tập đoàn bán lẻ còn phát triển hệ thống bán hàng online. Trong khi đó, các DN bán lẻ Việt Nam dường như chưa chú trọng đến phát triển TMĐT, kinh doanh trên mạng. Thị trường TMĐT Việt Nam chắc chắn sẽ là mảnh đất hấp dẫn các tập đoàn TMĐT trên thế giới.

Điểm yếu của TMĐT Việt Nam là công nghệ, nguồn đầu tư chưa nhiều. Rất nhiều các DN tham gia vào TMĐT còn thiếu chuyên nghiệp: chủ yếu là lập web, nhận mail, giới thiệu sản phẩm là chính. Khi các DN nước ngoài vào họ có công nghệ, có nguồn vốn nếu các DN trong nước không liên kết lại với nhau tạo sức mạnh truyền thông ắt sẽ xảy ra tình trạng "cá lớn nuốt cá bé".

Thu Hằng (ghi)

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.