"Báu vật" thời học sinh

19/06/2008 20:30 GMT+7

Ít ai trải qua tuổi học trò mà không một lần viết vào một cuốn lưu bút. Qua bao năm, những dòng chữ đầy cảm xúc hồn nhiên, trong sáng đã trở thành kỷ vật quý giá của một thời cắp sách đến trường.

Lưu tên, lưu cả tính tình

Lưu bút thường được "tung" ra vào những năm học cuối cấp, phổ biến là cuối năm học lớp 9 và lớp 12. Đây cũng là thời điểm thi cử quan trọng nên lưu bút được viết trong không khí gấp gáp, khẩn trương. Vậy mà, gần như dòng chữ nào trong các quyển sổ xinh xinh ấy cũng được nắn nót đẹp đẽ, lời lẽ trau chuốt và sâu lắng hơn dù chất nghịch ngợm của học trò vẫn hiển hiện. Rồi còn khéo léo ép vào nào hoa khô, nào cánh bướm, những vật  trang trí dễ thương...   

Những ngày này, cựu học sinh lớp 12A1, trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè, TP.HCM) tranh thủ đến trường ôn luyện cho kỳ thi đại học sắp tới. Trong đó, nhiều bạn không quên "thủ" trong cặp những quyển lưu bút đang viết dở dang. Đừng tưởng làm lưu bút là "độc quyền" của phe áo dài nhé! Bạn Quốc Tuấn tâm sự: "Mấy đứa con gái chọc em là "sến" vì bày đặt viết lưu bút. Kệ! Mấy năm qua, em phải học lu bù, không có dịp để tâm sự nhiều với bạn bè. Qua lưu bút, em sẽ hiểu mọi người trong lớp hơn". Bạn Quang Vinh thì cho rằng: "Em viết lưu bút để lưu lại những địa chỉ sau này có thể liên lạc, gặp gỡ và... mời đám cưới!".

Theo một số người trong cuộc, lưu bút còn là "phương tiện lý tưởng" để thổ lộ cảm xúc của mình đối với ai đó trong lớp. Cũng có khi, đó là những lời "xưng tội" vì những lần lỡ chọc ghẹo bạn bè. Quang Vinh đã viết trong lưu bút của bạn Hà Thị Lựa như sau: "Tôi rất thích đùa giỡn nhưng biết mình nói chuyện không có duyên cho lắm, nhiều lúc đã làm cho nhiều người quê sượng. Mong bạn và mọi người hiểu cho tôi". Ngược lại, những bạn nam lại có  dịp "tố cáo" những bạn nữ ỷ thế "âm thịnh, dương suy" trong lớp 12A1 này đã ra sức ngắt, nhéo vào hông người ta!   

Không đợi đến lớp 12, nhiều bạn trong lớp 9A4 trường THCS Hai Bà Trưng (Nhà Bè, TP.HCM) cũng đã làm những quyển lưu bút thật đẹp. Danh Thị Kim Cúc cho biết, nhờ lưu bút, Cúc hiểu được tính tình, suy nghĩ của những bạn vốn không thân lắm. Cúc tâm sự, một trong những người làm Cúc bất ngờ nhất là Nhã Phương - cô bạn gái luôn mặc bộ đồ tu hành của nhà Phật, mới chuyển trường từ huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An sang Nhà Bè chừng 1 năm nay. "Nhã Phương có những tâm sự riêng ít khi nào nói ra. Nhưng khi đọc lưu bút của bạn ấy, em thấy bạn sống rất tình cảm, hồn nhiên và trong sáng". Lớp trưởng Nguyễn Phước Hồng Nhung cũng tỏ ra ngạc nhiên, kể: "Có những bạn hay quậy trong lớp, nhìn cứng rắn, hóa ra tình cảm cũng rất dạt dào!".

Kỷ vật thời áo trắng

Lúc đã ra trường và ít gặp bạn bè, Phan Ước Diễm Chi, cựu học sinh lớp 12A7 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) mới có cảm giác tiêng tiếc vì đã không làm lưu bút. "Lúc còn học ở trường, em nghĩ thời buổi này mà làm lưu bút thì... sao sao ấy. Bởi vì, cần liên lạc gì với bạn bè đã có e-mail, chat hoặc gọi điện thoại trực tiếp rồi". Trong khi đó, Nguyễn Thanh Trí (cựu học sinh lớp 12A1, trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) bộc bạch: "Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, mỗi người sẽ đi theo một con đường đã chọn. Lên đại học, có thể sẽ ít có dịp đi chơi chung và "tám" với nhau. Những lúc như vậy, mới thấy giá trị của những quyển lưu bút. Thời gian qua đi, nhưng lưu bút sẽ còn ở lại mãi bên bạn. Lật lại những quyển lưu bút, ta sẽ "gặp" lại bạn cũ với bao nhiêu kỷ niệm vui buồn". Trí ao ước, nếu lớp của anh chàng có thêm một quyển lưu bút chung thì càng tuyệt vời!

Chị Thiên Di, cựu học sinh lớp 12 (năm học 2000 - 2001) trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm một cách làm lưu bút tiết kiệm được thời gian cho bản thân và cho bạn bè, đó là: Nên dùng những quyển sổ có thể tháo ra, gắn vào từng trang giấy. Khi đó, mỗi người có thể chủ động viết trên mỗi tờ giấy rời chứ không cần phải "xếp hàng" chờ đợi nhau.

Cô Như Quỳnh, cựu học sinh trường THPT Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, nay là giáo viên dạy văn tại Q.10, TP.HCM nhận xét: "Học sinh bây giờ thực tế hơn. Đa số các em có làm lưu bút nhưng nếu so sánh thì thấy lưu bút thời tụi mình lãng mạn hơn".  Một giáo viên dạy văn khác tại TP.HCM, thầy Phạm Ngọc Hợi (quê ở xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) khẳng định: "Đối với tôi, lưu bút là kỷ vật của thời đi học và của cả cuộc đời. Đọc lại nó, thấy toàn những lời được nói bằng cả tấm lòng, bằng máu thịt của bạn bè nên vô cùng quý giá. Đi học mà không làm lưu bút để lại thì thật đáng tiếc!". Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi biết giáo viên này luôn khuyến khích học sinh của mình viết lưu bút.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.