Thu hẹp hoạt động
Từ ngày 15.5, CTCK VNDirect đóng cửa đại lý nhận lệnh tại số 42 Đặng Dung, Q.1 (TP.HCM). Một tháng sau đó, CTCK FPT đóng cửa đại lý nhận lệnh tại Hà Đông; CTCK Quốc tế Việt Nam giải thể chi nhánh Tràng Thi và phòng giao dịch Nam Kỳ Khởi Nghĩa trực thuộc chi nhánh TP.HCM; CTCK Đại Việt đóng cửa văn phòng đại diện tại Hà Nội... Đó là một số trường hợp cụ thể cho thấy tình hình hoạt động của các CTCK đang trải qua giai đoạn rất khó khăn. Giám đốc một CTCK cho biết việc đóng cửa đại lý nhận lệnh chủ yếu do chính bản thân các đại lý xin đóng cửa vì hoạt động không còn hiệu quả. Còn ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc CTCK Đại Việt cho rằng việc đóng cửa văn phòng đại diện do công ty đã thành lập chi nhánh tại Hà Nội. Nhưng nói gì đi nữa, việc kinh doanh sụt giảm hiện nay là khó khăn chung của các CTCK không loại trừ bất kỳ công ty nào. Tổng giám đốc một CTCK thuộc dạng hạng đầu trên thị trường hiện nay cũng thừa nhận công ty phải hoãn lại kế hoạch mở thêm các chi nhánh/phòng giao dịch trong năm 2008. "Chúng tôi đã phát triển lâu và ổn định nên không phải thu hẹp hoạt động như nhiều công ty mới phát triển quá nóng trong năm vừa qua. Tuy nhiên với doanh thu giảm mạnh từ đầu năm đến nay thì không thể tiếp tục kế hoạch mở rộng nữa mà chỉ cố gắng duy trì như hiện nay thôi", vị tổng giám đốc này nói.
Việc thu hẹp hoạt động của các công ty cũng đi kèm với việc cắt giảm nhân sự nhằm giảm chi phí. CTCK FPT từ đầu tháng 6 đã cắt giảm mạnh số nhân sự tại chi nhánh TP.HCM. Một nhân viên vừa nghỉ việc tại đây cho biết cùng thời điểm này năm 2007, công ty đi săn lùng nhân sự thì nay phải thông báo cho nhân viên nghỉ bớt vì công ty đang rất khó khăn. Tương tự ông Lâm Minh Chánh cũng cho rằng việc tinh giản bộ máy nhân sự trong lúc này là điều kiện cần thiết. Đây cũng là dịp tái cơ cấu tổ chức để chuẩn bị cho hướng phát triển lâu dài.
Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM tính toán, chi phí thuê mặt bằng, lương nhân viên, khấu hao máy móc... thì tiết kiệm nhất mỗi CTCK phải chi ra khoảng 300 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch chứng khoán trên hai sàn niêm yết từ đầu tháng 5 đến nay chỉ xoay quanh khoảng 300 tỉ đồng, thậm chí có phiên chỉ đạt 100 tỉ đồng. Với mức phí giao dịch là 0,2%, tính phí bên mua và bên bán tổng cộng là 0,4% thì các CTCK thu được mỗi ngày khoảng 1,2 tỉ đồng. Nếu chia đều bình quân cho hơn 80 CTCK đang hoạt động, mỗi ngày một công ty chỉ thu vào được 15 triệu đồng. Với các công ty nhỏ mới ra đời, con số đó chỉ là mơ ước vì số tiền thu được từ hoạt động môi giới đó chảy hầu hết vào khoảng 10 CTCK lớn trên thị trường. Chưa kể giá các loại cổ phiếu đã giảm từ 50 - 70% so với đầu năm nay, mức lỗ của các CTCK sẽ không nhỏ.
Cơ hội nâng cấp chất lượng hoạt động
Trong tình hình khó khăn hiện nay, nhiều CTCK mới có dịp rà soát lại quy trình hoạt động của mình, mà trước đó đã bị bỏ qua trong giai đoạn thị trường phát triển mạnh. Ngoài việc xem xét lại nhân sự, cắt bỏ những nhân viên chưa đạt tiêu chuẩn, nhiều công ty cũng đẩy mạnh việc đào tạo, huấn luyện cho nhân viên. Một số CTCK bắt tay vào việc chuẩn bị cho hạ tầng công nghệ để đón đầu việc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thực hiện giao dịch online dự kiến vào tháng 8 tới. Ông Võ Hữu Tuấn - Giám đốc CTCK Bảo Việt chi nhánh TP.HCM cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để các CTCK tự nâng cấp mình, sàng lọc đội ngũ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhiều CTCK khác cũng có những kế hoạch tương tự.
Tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM bắt đầu hoạt động từ năm 2007 cho biết khi mới ra đời, do nhu cầu nhân sự quá nóng nên công ty tuyển người ồ ạt. Lúc đó mặc dù có một số người không đáp ứng được các yêu cầu về nghiệp vụ nhưng công ty cũng nhận vào. Đến nay trong quá trình xem xét lại bộ máy nhân sự, tất nhiên những nhân viên đó sẽ phải nghỉ việc trước tiên. "Từ nay về sau, tôi nghĩ rằng những CTCK còn tồn tại sẽ có được đội ngũ nhân sự với trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá hơn và nhà đầu tư sẽ được nhận các dịch vụ có chất lượng tốt hơn" - vị tổng giám đốc này nói. Đã qua rồi thời CTCK chạy đua ào ạt mở sàn giao dịch và nhà đầu tư chỉ được phục vụ theo kiểu ăn xổi ở thì. Việc cắt giảm chi phí đồng thời nâng cấp chất lượng dịch vụ để tiếp tục tồn tại là hướng đi bắt buộc của các CTCK hiện nay.
Mai Phương
Bình luận (0)