Giám đốc "biến mất", cả nghìn hộ trồng ớt "cay xè"

28/06/2008 00:22 GMT+7

Tin giám đốc người Hàn Quốc "biến mất" khiến hàng nghìn nông dân trồng ớt xuất khẩu ở Quảng Nam như ngồi trên đống lửa, vì họ đang trở thành chủ nợ bất đắc dĩ.

Sáng 27.6, ông Nguyễn Huỳnh Sơn - trợ lý giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tương Lai (100% vốn nước ngoài) có cơ sở đặt tại xã Điện Trung, H.Điện Bàn, Quảng Nam - khẳng định với PV Thanh Niên: giám đốc người Hàn Quốc, Kim Hyong Gon, đã "lặng lẽ ra đi" từ ngày 15.6 mà không báo cho nhân viên dưới quyền của mình. Theo số liệu mà ông Nguyễn Huỳnh Sơn cung cấp, với khoảng 1.000 hộ nông dân ở các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình... ký kết hợp đồng trồng ớt Hàn Quốc xuất khẩu, thì ít nhất công ty này hiện đang nợ người dân số tiền lên đến 1,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, có thông tin khoản nợ này phải lớn hơn nhiều, chủ yếu là tiền thu mua hàng nghìn tấn ớt xuất khẩu của nông dân nhưng chưa thanh toán, tiền mua bao bì của đối tác khác. "Ông Kim đã im lặng bỏ đi và không để lại cái gì cho công ty. Tôi đã phải báo cáo sự việc cho các cơ quan chức năng, kể cả việc hướng dẫn hộ nông dân viết đơn trình báo nữa" - ông Nguyễn Huỳnh Sơn nói.

Nông dân trồng ớt đang trở thành chủ nợ bất đắc dĩ - Ảnh: H.X.H

Công ty Tương Lai chính thức đầu tư vào Quảng Nam từ mùa vụ 2006-2007, với hình thức ứng vốn trước cho hộ nông dân trồng ớt, sau đó thu mua sản phẩm và xuất khẩu. Riêng mùa vụ 2007-2008, có tổng cộng 80 ha ớt được hộ nông dân liên kết với công ty. Tuy nhiên, đã có một vài "đối tác" ở địa phương sớm nhận ra những dấu hiệu thiếu lành mạnh của nhà đầu tư này và ngừng liên kết. Điển hình là Hợp tác xã (HTX) sản xuất dịch vụ và kinh doanh tổng hợp Điện Quang (H.Điện Bàn), đơn vị đầu tiên ký kết với Công ty Tương Lai. "Do nhận thấy công ty không đảm bảo năng lực liên kết, chúng tôi đã không hợp tác từ đầu năm 2008" - ông Nguyễn Đức Thành, Chủ nhiệm HTX, bức xúc - "Hiện công ty này vẫn còn nợ chúng tôi 1 tỉ đồng nhưng vẫn chưa trả. Năm nay, công ty này cung ứng giống ớt không đảm bảo, cuối vụ thu mua sản phẩm lại rất tùy hứng. Tôi vừa thúc giục anh Sơn tác động mạnh để trả nợ cho nông dân. Riêng phần chúng tôi thì rất may đã chuyển sang liên kết với Công ty TNHH nông sản quốc tế Hàn Việt, cũng là một doanh nghiệp Hàn Quốc".

Chị Đỗ Thị Hạnh ở thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều (huyện Thăng Bình) gạt nước mắt, tức tưởi: chồng chị là anh Diệp Công Tiến, đại diện cho nhóm hộ của thôn, đứng ra thu gom ớt cho  công ty theo hợp đồng đã ký. Từ ngày 22.4 đến ngày 4.6, số ớt thu gom hơn 11,6 tấn với tổng giá trị hơn 12 triệu đồng. Thế nhưng công ty mới chỉ ứng hơn 3 triệu. Số tiền còn nợ lại trên 9 triệu đồng cùng hàng chục sào ớt đang mùa thu hoạch nhưng chẳng biết để làm gì, bán chỗ khác không được vì loại ớt này không cay. Thế là bà con trong thôn cứ tưởng chồng chị đã ăn chặn tiền nên ngày nào cũng kéo đến nhà chị đòi đập phá.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Sơn, mọi chỉ đạo liên quan đến tài chính và những vấn đề khác đều do Giám đốc Kim quyết, nên các khoản nợ giờ không biết xử lý thế nào. Hiện nay, 10 nhân viên trong công ty cũng đang bị nợ lương. Và khi nhiều người dân hay tin kéo đến trụ sở công ty đòi nợ, thì chẳng có gì ngoài một ngôi nhà cấp 4 thuê của dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công, Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho hay, chính quyền biết đây là vụ trốn nợ nên đã xuống tận nơi vận động bà con bình tĩnh chờ đợi các cơ quan pháp luật vào cuộc.

Hứa Xuyên Huỳnh - Hồ Trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.