Ninh Hiệp vốn là quê ngoại của Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Thời thơ ấu, Ngọc Hân rất gắn bó với làng Nành (tức Ninh Hiệp ngày nay), thường theo mẹ là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền về thăm quê. Người con gái Thăng Long đoan trang, tài sắc này đã có vai trò tích cực trong sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung. Sau khi Quang Trung đột ngột băng hà (năm 1792), Quang Toản lên kế vị, nội bộ triều chính Tây Sơn rối ren. Thái sư Bùi Đắc Tuyên lộng hành. Năm 1795, phe phái Bùi Đắc Tuyên bị dẹp, bà ra sức chèo chống, trở thành chỗ dựa của triều Tây Sơn trong cơn sóng gió. Trên văn đàn, Ngọc Hân để lại bài văn tế vua Quang Trung - Ai tư vãn nổi tiếng, thể hiện tài năng mẫn tiệp và mối tình chung thủy của bà đối với người anh hùng áo vải Quang Trung.
Sau khi qua đời, bà và hai con được chôn tại bãi Cây Đại, xã Ninh Hiệp trong khoảng 40 năm (từ 1804 đến 1843). Trả thù nhà Tây Sơn, vua Thiệu Trị triều Nguyễn đã sai người đào mộ, đổ hài cốt ba mẹ con xuống sông. Thương tiếc bà, con cháu dòng họ Nguyễn Đình và nhân dân làng Nành đã lập mộ tượng trưng để tưởng niệm, thờ cúng cùng Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền.
Trên cơ sở nghiên cứu thân thế, sự nghiệp Lê Ngọc Hân, các nhà khoa học, nhà quản lý đã thống nhất xây dựng Khu tưởng niệm tại xã Ninh Hiệp để tôn vinh một danh nhân. Tuy nhiên, rắc rối là chưa thống nhất được quy mô và hình thức khu tưởng niệm. Tại hội thảo ngày 10.7 do Viện Sử học Việt Nam tổ chức, rất nhiều ý kiến tranh cãi quanh việc xây mộ: xây 2 hay 4 mộ (thêm 2 mộ công chúa và hoàng tử), xây thành lăng hay cứ để nguyên hiện trạng, có làm thêm bia đá hay mái che không, xây đền thờ và bố trí các ban thờ Hoàng đế Quang Trung, Vua Lê Hiển Tông ra sao...
UBND xã Ninh Hiệp đã chọn bãi Cây Đại, diện tích 1.148m2 để xây khu tưởng niệm. 3 phương án thiết kế theo kiểu thức truyền thống với Nghi môn Tứ trụ, tả hữu vu, chính điện của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT-DL) cũng đang được cân nhắc.
Tuy nhiên, trong bãi Cây Đại, bên cạnh mộ Lê Ngọc Hân và Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, vẫn còn vô số mộ của dân làng Nành. Như vậy, giải tỏa để khởi công vào đầu năm 2009 là việc không dễ giải quyết. Mặt khác, công việc thám sát khảo cổ theo Luật Di sản văn hóa lại chưa hề khởi động.
Không phải đến bây giờ việc xây Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân mới được đặt ra ráo riết. Gần 20 năm trước, Sở VH-TT Hà Nội đã tiến hành điều tra, nghiên cứu về Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Chủ trương xây dựng Khu tưởng niệm bà Lê Ngọc Hân cũng được đặt ra. Một số nhà bảo tàng học còn hồ hởi phác dựng tổng quan không gian tưởng niệm. Thế nhưng đến nay, mọi việc vẫn chỉ dừng trên bàn hội thảo...
Y Nguyên
Bình luận (0)