Tả quân Lê Văn Duyệt lên sàn tập

11/07/2008 22:28 GMT+7

Những ngày này đạo diễn Doãn Hoàng Giang cùng các diễn viên túc trực sáng chiều tại Nhà hát Thành phố (TP.HCM) để "vỡ hoang" đường dây, thoại kịch bản Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả: Phạm Văn Quý).

Ngay cả nghệ sĩ Khánh Hoàng như cũng quên đi cái chức giám đốc chỉ quen... cầm bộ đàm chỉ đạo để xăng xái lao vào dọn đồ, khiêng đạo cụ. Họ có sự chuẩn bị rất hăng hái cho tác phẩm đầu tiên trên sân khấu về Lê Văn Duyệt này.

Sân khấu, trang phục và chín cây cột của vở diễn (tượng trưng cho chín án tử hình của Lê Văn Duyệt) sẽ dựa trên hai màu chủ đạo là đỏ và đen. Màu đỏ của bậc công thần đại quan Lê Văn Duyệt và màu đen của bọn tham quan sâu dân mọt nước, điển hình là Quốc trượng Huỳnh Công Lý. Màu đỏ, đen cũng là hai mặt vinh quang quyền uy và oan sai trong bóng tối của vị khai quốc công thần triều Nguyễn mà vị trí của ông trong lịch sử vẫn còn là cái nhìn tranh tối tranh sáng.

Điều hứa hẹn đầu tiên của vở kịch này sẽ rất hoành tráng, đúng "gu" của Doãn Hoàng Giang. Họ có một ê-kíp gồm thiết kế: NSND Phan Phan, âm nhạc: Đức Trí, biên đạo múa: Tấn Lộc, trang phục: Sĩ Hoàng. Để có những đại cảnh hoành tráng theo đúng kiểu Doãn Hoàng Giang, trên dưới 100 diễn viên, người mẫu, quần chúng... được quy tụ. Đôi lúc Doãn Hoàng Giang cũng gặp khó: "Có những cảnh đòi hỏi phải 50, 60 diễn viên có mặt trên sân khấu. Tới giờ tôi vẫn chưa biết phải xếp vào đâu cho... đủ chỗ". Tất nhiên, vở của ông lần này cũng không thể thiếu những bục, bệ, lửa đuốc rất... Giang!

Ở cảnh đầu, Doãn Hoàng Giang hứa hẹn sẽ có một phần khai từ hoành tráng. Chín tráng sĩ sẽ gióng lên những hồi chuông gióng giả, trong lúc đoàn đoàn, lớp lớp người dân nghi ngút khói hương rước vong linh Lê Văn Duyệt. Những cảnh khác như sáu đao phủ múa đao chém phăng đầu Huỳnh Công Lý, cảnh Lê Văn Duyệt tức tốc cùng người dân đưa đoàn hải thuyền ào ạt khí thế từ Phú Xuân về cứu thành Gia Định... cũng là những cảnh "đinh" tạo nên quy mô của một vở diễn về đề tài lịch sử.

Cuộc đời của Tả quân Lê Văn Duyệt có nhiều thăng trầm, có nhiều sự kiện. Nghệ sĩ Khánh Hoàng cho biết khi chọn dựng kịch về nhân vật lịch sử này, Nhà hát kịch Thành phố muốn nhấn mạnh đến vấn đề nổi cộm hôm nay là chống tham nhũng. Cho nên, vở kịch sẽ dựa trên sự kiện chính là việc tham quan Huỳnh Công Lý cậy thế cha vợ vua Minh Mạng lập nên bè đảng, bóc lột, vơ vét của cải của dân, khiến lòng dân oán hận. Tả quân Lê Văn Duyệt nghe thấu lòng dân, bắt trói Huỳnh Công Lý và đồng bọn ra pháp trường chém đầu trừ họa cho dân chúng. Vì hành động này mà khi ông chết đi, vua Minh Mạng đã kể cho ông chín tội và tuyên cho ông chín án tử hình.

Đạo diễn Doãn Hoàng Giang rất tâm huyết với tác phẩm này. Ông chỉnh từng lời thoại, từng nét mặt biểu cảm cho diễn viên. Thậm chí khi tập đến đoạn Lê Văn Khôi (do diễn viên trẻ Quách Cung Phong đảm vai) mang tin cha nuôi Lê Văn Duyệt chém đầu Quốc trượng Huỳnh Công Lý ra kinh đô Phú Xuân tấu trình lên vua Minh Mạng, đạo diễn nhảy lên sân khấu yêu cầu diễn viên bỏ kiếm ra vì không phù hợp. Hay cảnh quan Bố chánh Bạch Xuân Nguyên tấu trình lên vua Minh Mạng, Doãn Hoàng Giang ngắt lời diễn viên để "gài" thêm một miếng diễn vào. Ông cho Bạch Xuân Nguyên nói quanh co vòng vo cho đến lúc vua Minh Mạng không chịu đựng được nữa phải quát lên: "Hãy thôi tả cảnh đi. Nói vào vấn đề chính đi". Quả thật, có trường hợp nắm trọng trách, chức tước quyền thế nhưng khi được hỏi thì cứ ậm ừ vòng vo tam quốc, tránh "đụng" vào vấn đề chính. Đó là lời của vua Minh Mạng, nhưng cũng là ý của những người làm vở.

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.