"Ông già đi bộ" Sơn Nam không còn nữa

14/08/2008 14:21 GMT+7

Dẫu biết rằng ngày "ra đi" của nhà văn lão thành Sơn Nam đã cận kề kể từ khi ông trở bệnh nặng, nhưng khi nhận được hung tin, ai nấy đều bàng hoàng. Một ngôi sao sáng tiêu biểu của văn học Nam Bộ đã chợt tắt.

Thế là ông đã thực sự dừng chân cả trên đường đời lẫn trên đường văn. Từ đây, đường phố Sài Gòn đã không còn bóng dáng quen thuộc của một nhà văn chỉ thích cuốc bộ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẹp. Áo quần tuềnh toàng, đội chiếc mũ lưỡi trai, vai mang túi xách, đôi mắt hấp háy sau cặp kiếng cận và đặc biệt điếu thuốc lá lúc nào cũng kẹp giữa hai ngón tay vàng ố chất ni-cô-tin... Giới văn nghệ vẫn gọi đùa ông là "nhà văn đi bụi", không chỉ đi bụi ở Sài Gòn mà còn đi đến những nơi "khỉ ho cò gáy" của đồng bằng Nam Bộ. Với trái tim yêu quê hương - vùng chôn nhau cắt rốn, ông dùng ngòi bút như lưỡi cày, bền bỉ cày xới lên ruộng vườn văn hóa miền Nam bằng một văn phong thật giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất thâm thúy như chính con người của ông - một nhà "Nam Bộ học" (tước vị bất thành văn mà mọi người phong cho ông), hay thân mật hơn là "ông già Nam Bộ". Không chỉ đi để viết, ông còn là nhà cố vấn đáng tin cậy cho các đạo diễn khi họ thực hiện các bộ phim lấy bối cảnh Nam Bộ thời xa xưa (Đất phương Nam, Người tình, Mùa len trâu…). Đôi chân ông cũng đã từng đặt lên con đường hướng về cội nguồn: Hà Nội, đền Hùng... Ông còn khăn đóng áo dài ra tận Quảng Bình, quỳ trước mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đọc văn tế trong cương vị một người con phương Nam nhớ ơn người mở cõi...

Nhà văn Sơn Nam sau khi bị đột quỵ, nhập viện ngày 30.7, đã từ trần lúc 12 giờ 40 ngày 13.8.2008 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, thọ 83 tuổi. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Di quan lúc 6 giờ ngày 16.8.2008, an táng tại Công viên Nghĩa trang Chánh Phú Hòa (Bình Dương).

Báo Thanh Niên xin thành kính chia buồn cùng tang quyến nhà văn

Nhà văn Sơn Nam sinh ngày 11.12.1926 tại làng Đông Thái (Kiên Giang), tên thật là Phạm Minh Tài (nhưng nhân viên hộ tịch viết sai thành Phạm Minh Tày trong giấy khai sinh). Dạo đó, Đông Thái là một xóm nhỏ ven rừng Gò Quao. Nơi đây, người Việt sống lẫn lộn với người Khmer. Lúc mới chào đời, Tài là một đứa trẻ sơ sinh quắt queo vì thiếu sữa do người mẹ thường xuyên đau ốm. Có một người đàn bà Khmer tốt bụng tên là Thi Cà Xúc thường cho Tài bú nhờ, dần dà coi Tài như con đẻ... Sau này, khi bước vào làng văn, Tài lấy bút danh là Sơn Nam để nhớ ơn người đã cho mình bú mớm (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam). Tuổi thơ của Sơn Nam chôn chặt trong một vùng "thâm sơn, cùng cốc"... Người viết còn nhớ cách đây 11 năm, nhân mừng thọ 70 tuổi nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà (tại Nhà văn hóa Phú Nhuận), nhà văn Sơn Nam đã giới thiệu thân thế, sự nghiệp của người bạn đồng trang lứa, đồng hương bằng những lời nói thật xúc động: "Tôi với Kiên Giang cùng quê, cùng làng - một xứ nghèo lạc hậu, không có chính quyền, bọn hải tặc lộng hành suốt vùng ven biển... Tuổi thơ chúng tôi hắt hiu như ngọn đèn mù u. Quả thật chẳng ai dám mơ quê mình sản sinh ra những tao nhân, mặc khách. Với chúng tôi, những "văn thi sĩ" chỉ phát tích ở đâu đó ngoài Huế, ngoài Bắc...". Thế mà, cả hai con người xuất xứ từ cái xóm ven biển vô danh ấy đều trở thành những người hoạt động văn hóa nổi tiếng của miền Nam. Riêng Sơn Nam, bút lực của con người luôn nặng lòng với văn hóa dân tộc này thật dồi dào, sung mãn. Ông viết được nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dã sử, tùy bút và biên khảo. Thế nhưng, tác phẩm đầu tay của ông lại là... một tập thơ: Lúa reo do Hội Văn hóa kháng chiến Kiên Giang xuất bản năm 1948 trong chiến khu. Tác phẩm mang dấu ấn Sơn Nam nhất là Hương rừng Cà Mau (1962).

83 tuổi, nhà văn Sơn Nam đang có một chuyến viễn du dài nhất đời mình sau những lần cấp cứu ở Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện Chợ Quán (TP.HCM)... Xin được thắp một nén hương thành kính dâng lên hương hồn một nhà văn lớn - người luôn nặng lòng với văn hóa dân tộc. 

Các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam

Chuyện xưa tích cũ (2 tập -1958), Nguyễn Trung Trực: Anh hùng dân chài (1959), Tìm hiểu đất Hậu Giang (1960), Hương rừng Cà Mau (1962), Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1963), Vọc nước giỡn trăng (1965), Hai cõi u minh (1965), Nói về miền Nam (1967), Truyện ngắn của truyện ngắn (1967), Vạch một chân trời (1968), Xóm Bàu Láng (1968), Người Việt có dân tộc tính không? (1969), Bà Chúa Hòn (1970), Đồng bằng sông Cửu Long (1970), Trời nước bao la (1970), Thiện Địa Hội và cuộc minh tân (1971), Gốc cây - cục đá và ngôi sao (1973), Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1973), 26 truyện ngắn (1987), Tục lệ ăn trộm (1987), Người Sài Gòn (1990), Gia Định xưa (1990), Bến Nghé xưa (1991), Theo chân người tình (1991), Một mảnh tình riêng (1992), Dạo chơi (1994) và Hồi ký Sơn Nam (2005).

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.