“Vướng” chung cư cũ!

17/08/2008 18:10 GMT+7

Khởi động năm 2000, sau hơn 8 năm, dự án phá dỡ, xây mới 3 khu nhà chung cư cũ I1, I2, I3 Nam Thành Công (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn dậm chân tại chỗ. Những gì đang diễn ra ở khu nhà này là tình cảnh chung nhiều dự án cải tạo chung cư cũ đang gặp phải.

Dân sợ không có nhà!

Tiếp phóng viên không phải một mình ông Bí thư chi bộ tổ 50, phường Láng Hạ (gồm 3 khu nhà I1, I2 và I3 Nam Thành Công) như đã hẹn mà có đến 7 người, là cư dân các khu nhà này.

Ông Vũ Minh Tâm, phòng 104, nhà I1 nói: "Dân chúng tôi rất ủng hộ chủ trương cải tạo lại các chung cư cũ của Chính phủ và thành phố nhưng cách làm tại dự án này dân chúng tôi không đồng tình". Theo ông Tâm, kế hoạch phá dỡ xây mới khu nhà chung cư này "dân không được biết". "Chỉ đến khi thành phố ra quyết định thu hồi đất chúng tôi mới biết, nên chúng tôi không đồng tình" (?) - ông Tâm nói.


Nhà I2 (Hà Nội) xuống cấp nghiêm trọng đang chờ cải tạo - Ảnh: T.Sơn

Với thái độ rất gay gắt, ông Nguyễn Quang Liêm, phòng 401 cho biết, lý do mà ông và nhiều hộ dân không đồng ý thực hiện dự án, thậm chí không cho chủ đầu tư vào tiến hành khảo sát là vì "chưa được mua nhà theo Nghị định 61". "Nhỡ chủ đầu tư lừa chúng tôi ra khỏi nhà, xây xong không cho chúng tôi trở về lại nữa thì làm thế nào?" - ông Liêm đặt câu hỏi. Ông Lê Nhơn, 82 tuổi, ở phòng 408 nhà I2 phân tích: "Việc làm lại nhà cho rộng hơn, an toàn hơn, không ai phản đối cả nhưng tại sao mọi chuyện trở nên phức tạp như thế này? Bởi vì, hiện đa số chúng tôi chưa được cấp sổ, trong khi Chính phủ gia hạn việc bán nhà theo Nghị định 61 đến năm 2010. Nhà này phá đi xây lại sẽ kéo dài hơn thế nhiều. Lúc xây xong, họ không bán cho chúng tôi nữa thì làm thế nào?". Cũng theo ông Lê Nhơn, chuyện hóa giá nhà cũng là một vấn đề. "Họ (chính quyền và chủ đầu tư - PV) nói rằng, để xây mới xong, tái định cư sẽ cấp sổ luôn một thể, nhưng khi đó họ bắt chúng tôi mua giá nhà mới thì có phải là dân chúng tôi bị thiệt không?".

Ông Phạm Văn Chỉ - một cán bộ nghỉ hưu tại phòng 208 nhà I2 lại có cái nhìn khác. Theo ông Chỉ, năm 2005, UBND TP Hà Nội dừng giải quyết bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê tại khu vực này do nhà xuống cấp, phải xây dựng lại theo quy hoạch là hoàn toàn đúng pháp luật. Ông Chỉ cũng đánh giá cao phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của chủ đầu tư mà UBND quận Đống Đa đã phê duyệt ngày 22.5.2008. Tuy nhiên, ông cho rằng, sở dĩ vẫn còn nhiều hộ dân không đồng tình là do sự tuyên truyền, giải thích không đầy đủ, chưa đúng tầm. Ông lấy ví dụ: "Tự nhiên UBND phường họp dân bảo thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng, trong khi dân không rõ về dự án, về quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Họ nghĩ giải phóng mặt bằng có nghĩa là sẽ bị "đuổi" ra khỏi nhà, nên họ phản đối". Ông Chỉ đề nghị để giải thích cho dân thông hiểu chính sách, phải lãnh đạo thành phố, hoặc chí ít là quận Đống Đa trực tiếp vào cuộc.

* Hà Nội hiện có khoảng 23 khu chung cư cũ (4-5 tầng), với gần 1 triệu m2 sàn, 27.573 hộ dân và 137.361 nhân khẩu. Theo UBND TP Hà Nội, các khu này được xây dựng từ những năm 60-70-80 thế kỷ trước, đến nay đã biến dạng và xuống cấp. Hiện tại Sở Xây dựng đang mời các chuyên gia kiểm định chất lượng của 77 nhà chung cư cũ đặc biệt xuống cấp để lên kế hoạch xử lý đối với những nhà này; đa phần trong số đó thuộc dạng phải phá dỡ, xây dựng lại vì lý do an toàn tính mạng của người dân. (T.N)

* Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trên địa bàn TP hiện có khoảng 155 khu chung cư và nhà tập thể cũ hư hỏng cần tháo dỡ hoặc sửa chữa, cải tạo để tiếp tục sử dụng thuộc địa bàn 11 quận nội thành với 12.856 hộ dân đang cư ngụ. Trong số đó, có 85 khu chung cư có thể còn sử dụng được nhưng phải bảo trì thường xuyên, 70 khu chung cư sau khi khảo sát được đánh giá là xuống cấp nghiêm trọng cần phải triển khai dự án xây dựng mới và di dời người dân để thực hiện dự án.

T.T.B

"Sự an toàn sinh mạng và ổn định tâm lý của hơn 100 hộ gia đình với hơn 400 con người đáng được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố lắm chứ, nhất là với một chủ trương lớn như cải tạo chung cư cũ" - ông Chỉ tha thiết.

Đi tìm cách "gỡ"

Vấn đề dân yêu cầu cấp "sổ hồng" trước khi cải tạo, ông Phạm Văn Chỉ cho rằng "không cần thiết, chỉ cần có một xác nhận chính thức của chính quyền về sở hữu hợp pháp hiện tại, trong đó đề cập chi tiết về căn hộ tái định cư sau khi hoàn thành dự án là đủ"; khi đó chính quyền sẽ đồng thời cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chủ nhân, bao gồm cả diện tích tăng thêm sau cải tạo.

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà khẳng định, Nghị quyết 34/2007/NQ-CP về cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp quy định rõ: "Người đang thuê chung cư thuộc sở hữu Nhà nước, tức là chưa mua theo Nghị định 61, nếu có nhu cầu sở hữu căn hộ mới sẽ được giải quyết mua căn hộ đó theo mức giá do UBND thành phố cấp tỉnh quy định; nếu có nhu cầu thuê thì được thuê căn hộ mới theo giá thuê nhà ở xã hội do UBND cấp tỉnh ban hành".

Ông Hoàng Tú, Phó trưởng ban phụ trách Ban 61, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, quy chế cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng của UBND TP cũng đề cập chi tiết vấn đề này. "Việc cấp sổ hồng trước khi cải tạo là không thể giải quyết do pháp luật không cho phép. Nhưng để người dân yên tâm, chúng tôi cũng tính đến phương án ghi nhận hiện trạng trước khi cải tạo (bao gồm cả việc tính tiền bán nhà theo Nghị định 61) và khi người dân tái định cư ở nhà mới sẽ tiến hành cấp sổ một lần theo giá đã được ghi nhận" - ông Tú nói.

Theo phương án bồi thường, tái định cư được UBND quận Đống Đa phê duyệt cho nhà I1, I2, I3, các hộ dân đang ở căn hộ tại tầng 2, 3, 4 có hợp đồng thuê nhà hoặc sổ đỏ được tái định cư tại đúng tầng với diện tích tăng thêm (không phải trả tiền) bằng 1,4 lần diện tích hợp pháp (Nghị quyết của Chính phủ và quy chế của UBND thành phố chỉ quy định tối đa là 1,3 lần). Riêng đối với các hộ tầng 1, ngoài việc được bố trí tái định cư tại tầng 5 nhà mới với diện tích tăng gấp 2,1 lần diện tích cũ (không phải trả tiền) còn được bố trí một kiốt kinh doanh tại tầng 1.

Ông Đàm Trung, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Thái Hà thuộc Tổng công ty Sông Hồng (chủ đầu tư) cho biết, chủ đầu tư đã đề xuất UBND TP chấp thuận cho phép công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội - đơn vị quản lý nhà cho thuê thuộc sở hữu nhà nước xác nhận và chuyển toàn bộ hồ sơ tính giá nhà (cũ) theo Nghị định 61 của các hộ dân cho chủ đầu tư để làm căn cứ xác nhận quyền sở hữu nhà cho các hộ tái định cư khi việc cải tạo hoàn thành.

Như vậy, nói như chính một cư dân của khu này - ông Phạm Văn Chỉ, các chính sách đề xuất đã rất thỏa đáng, vấn đề là chính quyền địa phương có xắn tay vào cuộc nhằm xóa bỏ các nhà chung cư cũ nát hay vẫn tiếp tục để cho các chủ đầu tư "tự bơi" như hiện nay? 

 Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.