Cơ quan nào sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

27/08/2008 13:59 GMT+7

Chuyển việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn với đất từ UBND sang cho Văn phòng đăng ký bất động sản (BĐS) thực hiện, là một trong những nội dung chính của dự án Luật Đăng ký BĐS, được Ủy ban Thường vụ QH thảo luận hôm 25.8.

Một cửa hay nhiều cửa

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, lý do chuyển cơ quan cấp giấy chứng nhận nói trên là để "tách bạch thủ tục hành chính của UBND cấp tỉnh và cấp huyện trong việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất với hoạt động đăng ký BĐS; rút ngắn thời gian đăng ký, vì Văn phòng đăng ký BĐS không phải trình hồ sơ sang UBND có thẩm quyền; xây dựng hệ thống Sổ đăng ký BĐS thể hiện đầy đủ quá trình xác lập và biến động về BĐS và từng bước xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về BĐS, trong đó tập trung toàn bộ các thông tin về BĐS trong phạm vi cả nước, để cung cấp cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu"...

Thế nhưng, Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH không đồng tình, cho rằng: "Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một trong những nội dung quan trọng về quản lý đất đai, không thể và không nên giao cho Văn phòng đăng ký BĐS. Hơn nữa, quy định người dân vừa phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vừa phải đăng ký đối với BĐS đó thì mới được tham gia vào các giao dịch dân sự là không hợp lý, làm phát sinh nhiều giấy tờ, thủ tục gây tốn kém, phiền hà cho dân". Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, bày tỏ: "Nếu chuyển việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Văn phòng đăng ký BĐS thì quyền hạn của văn phòng này quá lớn, bao trùm lên cả chính quyền. Quy định như dự luật thì không phải là một cửa nữa mà là nhiều cửa. Để có được quyền đối với tài sản của mình, người dân sẽ phải đi qua không biết bao nhiêu cửa". Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị: "Chính phủ cần giải trình rõ hơn nữa vì sao có sự dịch chuyển việc cấp giấy chứng nhập quyền sử dụng đất và tài sản trên đất từ chính quyền sang cho Văn phòng đăng ký BĐS".

Gộp ba loại giấy  thành một

Theo Ủy ban Pháp luật, còn nhiều điều trong dự luật chưa rõ ràng, trong đó có những điều rất quan trọng. "Cần làm rõ có hành vi đăng ký BĐS hay không, và nếu có thì đăng ký BĐS là việc đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với BĐS, hay đăng ký các giao dịch liên quan đến BĐS?" - ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đề nghị. Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật QH tán thành với chủ trương gộp ba loại giấy liên quan đến đất đai và tài sản gắn liền với đất đang tồn tại như hiện nay thành một loại giấy là "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất", nhưng không đồng tình đưa nội dung này vào dự luật trên.

Cùng ngày, trong phần thảo luận và cho ý kiến dự án Luật Đăng ký giao dịch đảm bảo, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng điều quan trọng nhất của luật là làm sao để người dân chỉ cần đến một cơ quan là có thể biết được thực trạng của tài sản... Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên đồng tình: "Nếu quản lý được như thế thì người thế chấp đi vay ngân hàng rất thuận tiện. Bất kỳ ngân hàng, tổ chức tài chính nào cũng biết được tổng tài sản của người đi vay, vì thế người đi vay có thể vay ở nhiều ngân hàng khác nhau trên cùng một tài sản thế chấp". Nhiều Ủy viên Thường vụ QH đề nghị: "Nghiên cứu Luật Giao dịch bảo đảm có kèm theo cả nội dung đăng ký bất động sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất để điều chỉnh khi sửa Luật Đất đai".

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.