Ngày 9.8, Thủ hiến bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, bà Kumari Mayawati đã triệu tập đại hội đảng BSP đang cầm quyền tại bang này để trịnh trọng tuyên bố ý định tranh cử chức thủ tướng vào năm sau. Tuyên bố của bà làm nức lòng 160 triệu người dân thuộc tầng lớp Dalit, thành phần thấp nhất trong xã hội giai tầng của Ấn Độ. Thủ hiến Kumari Mayawati, cũng thuộc tầng lớp Dalit, được Tạp chí Newsweek (Mỹ) bình chọn là 1 trong 8 phụ nữ thành đạt nhất Ấn Độ năm 2007. Bà cũng là nhân vật gây nhiều tranh cãi. Nữ hoàng của tầng lớp Dalit Mayawati sinh ra trong một gia đình có 9 người. Cha bà chỉ là một nhân viên thư ký nhỏ, còn mẹ bà bị thất học. Ở khu ổ chuột của New Delhi, nơi bà lớn lên, những người thuộc tầng lớp Dalit như bà không thể ngồi chung quán trà hay dùng chung giếng nước với người thuộc các đẳng cấp cao hơn. Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ dành cho người Dalit, bà đã nỗ lực học hành để trở thành giáo viên, lấy chứng chỉ luật sư và rồi sau đó dành trọn cuộc đời cho một đảng BSP non trẻ ở Uttar Pradesh, bang nghèo nhất và đông dân nhất Ấn Độ. BSP đại diện cho quyền lợi của những người thuộc tầng lớp Dalit. Bà đã dùng sự khôn lanh của đứa trẻ đường phố và các chương trình hành động quyết liệt để tiến thân. Bà được bầu làm Thủ hiến bang Uttar Pradesh lần đầu tiên vào năm 1995. Cho đến nay, bà đã bốn lần giữ chức vụ này. Kể từ khi bà lên cầm quyền, trật tự pháp luật được cải thiện và tội ác nhằm vào tầng lớp Dalit cũng giảm hẳn. Các quan chức, cảnh sát địa phương và mọi người đối xử người Dalit tôn trọng hơn. Thành công của bà Mayawati là niềm tự hào của những người Dalit. Nhiều người tôn sùng bà như nữ thần. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi Tạp chí Time (Mỹ) gọi bà là Nữ hoàng của tầng lớp Dalit. Tiệc sinh nhật phô trương Tuy nhiên, các bữa tiệc sinh nhật của bà là đề tài tranh cãi từ nhiều năm qua vì chúng quá tốn kém và hoang phí. Sinh nhật của bà được tổ chức như là một sự kiện trọng đại mà theo bà là nhằm tôn vinh đảng BSP do bà làm thủ lĩnh. Cách đây 2 năm, bà đã tổ chức sinh nhật thứ 50 với 30.000 khách, 100.000 hộp bánh kẹo và 5.000 bó hoa. Vào ngày 15.1.2008, sinh nhật lần thứ 52 của bà cũng đã được tổ chức hoành tráng ở Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh, dù trước đó bà kêu gọi những người ủng hộ bà chỉ tổ chức sinh nhật đơn giản và tập trung đóng góp giúp đỡ người nghèo. Đèn màu, băng-rôn, áp-phích, lá cờ màu xanh da trời với hình con voi của đảng BSP hiện diện mọi nơi trong thành phố. Tại điểm tổ chức sinh nhật bà, thảm, ghế, bánh sinh nhật, ngôi nhà đều màu hồng. Mayawati xúng xính trong bộ đồ truyền thống salwar màu hồng, đeo bông tai và vòng cổ có đính kim cương. Khoảng 100 nhà báo trong nước và quốc tế đã đến đưa tin về sinh nhật của bà. Bà Mayawati còn có sở thích dựng tượng bản thân cũng như các lãnh đạo tiền bối của đảng BSP. Cho đến nay, bà đã có 7 bức tượng lớn nhỏ dựng ở bang Uttar Pradesh. Cáo buộc tham nhũng Trong sự nghiệp chính trị, bà đã nhiều lần bị tố cáo tham nhũng. Dù xuất thân từ tầng lớp thấp nhất của xã hội nhưng bà đang sở hữu hàng chục trang trại, nhà ở và cửa hiệu mua sắm, chưa kể 54 tài khoản ngân hàng. Bà cũng từng bị cáo buộc "có qua có lại" với các công ty địa ốc. Tuy nhiên, đời sống chính trị của bang Uttar Pradesh vốn thiếu lành mạnh nên những cáo buộc nhằm vào bà chẳng có gì đáng chú ý. Tổng số tài sản của bà bao gồm bất động sản trị giá 380 triệu rupee (8,7 triệu USD), tiền mặt hơn 500 triệu rupee, nữ trang có đính kim cương gần 5 triệu rupee, đồ bạc và tranh ảnh quý trị giá 1,6 triệu rupee. Năm 2007, báo chí bị sốc khi bà Mayawati công bố thu nhập trong năm là 520 triệu rupee. Sau đó, dư luận còn sốc hơn khi bà nộp trước thuế thu nhập cá nhân 140 triệu rupee cho năm tài chính 2008-2009. Đầu tháng 7.2008, Cục điều tra trung ương Ấn Độ (CBI) thông báo với Tòa án tối cao nước này rằng họ đã có đủ bằng chứng để truy tố bà Mayawati về số tài sản bất hợp lý mà bà kê khai cách đây 5 năm. Bà Mayawati đã cho rằng cuộc điều tra này mang động cơ chính trị. Bà và 2 đảng đối thủ lớn nhất, Quốc đại và BJP, thừa hiểu nếu bà bị khởi tố, giấc mơ thủ tướng của bà sẽ tan tành. Hội Yên
Bình luận (0)