Những đứa trẻ mang họ mẹ
Từ năm 1990, nhiều người dân không nhà cửa ở Thủy Lương, Tân Lập, Thủy Tân... kéo nhau đến đây ở. Rồi những thế hệ sau đó nối tiếp nhau ra đời. Nhưng có rất nhiều đứa trẻ đã lớn mà chẳng biết mặt cha mình là ai, không biết được chuyện tình của ba mẹ nó như thế nào.
Chúng tôi đến, nhiều đứa trẻ ngẩn ngơ đứng nhìn người lạ. Chúng trông không có vẻ gì là sợ sệt mà hình như còn tỏ rõ cái vẻ chai lỳ như những gì mà chúng chứng kiến và gặp trong cuộc sống. Chưa kịp hỏi chuyện, bé Lê Thị Mỹ T., 10 tuổi ôm chiếc mũ đã cũ nát, nói với chúng tôi: "Mấy cô là người đến thu tiền nợ à! Mấy dì nơi đây đi làm và đi chợ hết rồi".
Xóm chỉ có 33 hộ nhưng lực lượng trai tráng, đàn ông thì đếm chưa hết hai bàn tay. Chú Nguyễn Văn Tam, tổ trưởng cho biết: "Đàn ông, con trai đi Nam làm hết rồi. Mới 14, 15 tuổi mà đã xa nhà rồi, thậm chí có mấy đứa mới chưa đầy 10 tuổi cũng phải đi bán vé số hay bưng bê cà phê ở thị trấn, thành phố. Vì rứa mà vào cái xóm ni cũng chỉ gặp toàn mấy "chị" thôi... Nhiều chị không có chồng mặc dù đã có mấy con".
Chị D.T có 3 con nhưng không có đứa nào được cắp sách đến trường vì gia cảnh quá khó khăn. Nhắc đến chuyện chồng con là chị chẳng cần tế nhị: "Thì mỗi đứa mỗi chồng, cũng không nhớ nổi là ai nữa...". Gọi là chồng chứ thực ra chẳng có giấy tờ gì chứng nhận. Mỗi người đến với chị rồi đi, để lại đứa con đang ươm mầm. Mặc dù đã bị mất một chân nhưng hằng ngày vẫn rong ruổi khắp thị trấn để làm thuê bốc mướn. Chị tâm sự: "Từ hồi 17 tuổi, đi hái rau bị một quả mìn sót lại làm mất đi một chân. Biết là mình không còn ai yêu nữa rồi nên làm liều để có mụn con mà tính đường về già".
Bé T., bé H. con chị cũng đều mang họ mẹ. Nếu có ai hỏi về cha mình thì chúng đều trả lời "qua đời rồi". Bé T., 5 tuổi, con gái út của chị D.T nói: "Mẹ dặn là ai hỏi thì phải trả lời như rứa để người ta khỏi tò mò".
Còn căn nhà của chị Lê Thị T.- 45 tuổi thì ọp ẹp, những tấm tôn làm mái nhà đã bị thủng nhiều lỗ. Mùa mưa, cả nhà chỉ kịp đóng thêm tấm ni-lông ở góc giường để ngủ. Chị cũng có 5 bận con, trong đó đứa bé nhất mới chưa đầy 2 tuổi, nhưng vẫn không chồng. Mỗi đứa con mang một nét khác nhau và cũng chẳng được đi học. Chị nói: "Mấy mươi năm sống như ri cũng quen rồi, cái xóm ni cũng có nhiều đứa trẻ quen sống không biết cha rồi. Tui cũng chỉ biết làm lụng thuê để nuôi con, rồi đứa lớn đi làm nuôi lại đứa nhỏ...". Và những đứa con của chị Lê Thị T., Phạm Thị T.M... lần lượt ra đời cũng đều mang họ mẹ. Sổ hộ khẩu nếu có làm được thì chủ hộ cũng là những người đàn bà ấy.
Đường đến trường còn rất dài...
Cả xóm chưa có ai học hết cấp ba, có những người đã 18, 19 tuổi mà vẫn mù chữ. Chú Tam nói: "Thu nhập chỉ đủ qua bữa thì mần răng mà cho con đi học. Mà nếu có học thì cũng "thiếu trước hụt sau", thua bạn bè nên mấy đứa ở đây cũng nản mà nghỉ thôi. Học hành là thứ rất xa lạ đối với trẻ con ở đây".
Cách đây gần chục năm, bà Võ Thị Yến Ngọc (năm nay đã 74 tuổi), ở xóm bên mở lớp dạy xóa mù miễn phí cho trẻ em trong xóm. Lớp học chỉ có từ 10-15 đứa với đủ loại "trình độ" khác nhau, độ tuổi cũng có sự chênh lệch. Bà Ngọc kể: "Dạy bọn trẻ chủ yếu là hai môn Văn và Toán để biết đọc, biết viết. Khi dạy tới hết trình độ lớp 5, tui cũng đề nghị gia đình các em làm hồ sơ và khuyên các em xuống trường ở thị trấn học tiếp cấp hai. Nhưng đứa mô cũng bỏ giữa chừng...".
Ba chị em Hà, Chi, Trung cùng học chung một lớp xóa mù, nhưng rồi cũng chẳng ai đi tiếp được trên con đường học vấn. Ba bị đi tù, mẹ làm lụng nuôi thêm những đứa em nên "giấc mơ học hành" của các em đành đứt đoạn. Hà, Chi trở thành công nhân ở khu công nghiệp Phú Bài, còn Trung thì lên thành phố bán vé số.
Con của chị Dương T.T, Lê Thị T. cũng chẳng có ai học đến nơi đến chốn. Hằng ngày, khi đi làm, chị Dương T.T phải trói bé Trinh lại bằng cách xích chân nó vào góc giường vì sợ nó lại chạy đi chơi, bắt chước mấy đứa trẻ hư hỏng hay ăn cắp vặt trong xóm. Chị nói: "Không có tiền cho con đi học đã đành, bọn trẻ con ở nhà còn ham chơi và dễ bị bạn bè xui đi ăn cắp vặt nữa. Đi làm phải trói nó lại như ri mới yên tâm. Không có chữ thì cũng phải có đức mới sống nổi...".
Nhìn đứa nào trong xóm được đi học, bọn trẻ con lại xem như thần tượng, vui, và hãnh diện như chính người thân của nó. Trong tâm tưởng, chúng cũng ước ao được học hành như thế nhưng đường đến trường thì muôn nẻo xa xôi...
Tâm Bình
Bình luận (0)