Việt Nam trên bản đồ thế giới

29/08/2008 08:49 GMT+7

Trước Cách mạng Tháng 8, Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới, đúng ra chỉ là xứ An Nam, nằm trong xứ Đông Dương thuộc Pháp. Về mặt chính trị, Việt Nam là xứ thuộc địa nửa phong kiến. Về mặt kinh tế, Việt Nam là xứ nông nghiệp độc canh cây lúa, nhưng năm nào cũng có người chết đói, đỉnh cao vào năm 1945 lên đến 2 triệu người.

Việt Nam lúc bấy giờ công nghiệp còn sơ khai, chỉ có một ít nhằm khai thác tài nguyên và bóc lột nhân công rẻ mạt của thực dân. Về xã hội, người dân bị 2 tròng áp bức bóc lột của thực dân và phong kiến, hơn 90% dân số mù chữ; số trường học, số người đi học, số cơ sở y tế, số y bác sĩ rất ít, chủ yếu phục vụ cho thực dân, phong kiến.

Cách mạng Tháng 8 thắng lợi chưa được bao lâu, thì đất nước lại phải trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, đến khi hòa bình lập lại nhiều mặt còn thấp hơn cả trước Cách mạng. Hòa bình lập lại, nhưng đất nước lại bị chia cắt làm hai miền và trải qua 20 năm chiến tranh, mãi đến năm 1975 mới thống nhất. Do điểm xuất phát thấp, hậu quả chiến tranh nặng nề, cùng với những hạn chế trong việc tận dụng thời cơ, kéo dài cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sai lầm của "giá-lương-tiền" 1985, cộng với sự hụt hẫng về vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ từ Liên Xô (cũ) và các nước XHCN Đông u khác, cộng hưởng với sự bao vây, cấm vận của Mỹ, nên cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội tiềm ẩn từ những năm cuối 70, đầu những năm 80, bùng phát từ năm 1985 và kéo dài cho đến năm 1993, mới cơ bản ra khỏi khủng hoảng.

Đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập đã đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và đạt thành tựu về nhiều mặt, trong đó có những thành tựu về kinh tế.

Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ khá. Nếu bình quân thời kỳ 1977-1991 chỉ tăng 4,09%/năm, thì thời kỳ 1992-2007 đã tăng 7,76%/năm, trong đó thời kỳ 1992-1997 đạt 8,77%/năm, thời kỳ 2005-2007 đạt 8,38%/năm. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tính đến năm 2008 đã đạt 28 năm liên tục, cao hơn kỷ lục 22 năm của Hàn Quốc tính đến năm 1997, chỉ thấp thua kỷ lục 31 năm do Trung Quốc đang nắm giữ.

 

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng nhanh qua các năm.

 GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam năm 1985 đứng thứ 9/10 nước ở Đông Nam Á, đứng thứ 45/49 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á và đứng thứ 187/200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 1990, do Việt Nam bị khủng hoảng và mới mở cửa, nên tỷ giá VND/USD rất cao (có thời gian lên đến 16.000) và GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái giảm xuống chỉ còn 98 USD, thuộc loại thấp nhất thế giới. Chỉ sau hơn mười năm tăng trưởng kinh tế cao, tỷ giá VND/USD tăng thấp, có năm còn giảm mạnh, dân số tăng chậm lại, nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã tăng nhanh, năm 2006 đã đạt 723 USD, đứng thứ 7/11 ở Đông Nam Á, thứ 39/48 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á, 146/185 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, năm 2007 đứng ở vị trí cao hơn và năm 2008 có thể đạt khoảng trên 970 USD - nếu chuẩn nước thu nhập thấp có sự thay đổi mức lên 1.000 USD/người - thì Việt Nam cơ bản ra khỏi nước có thu nhập thấp và có thể chỉ sang năm thôi là chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình, đạt mục tiêu do Đại hội Đảng lần thứ X đề ra!

Việt Nam từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, từ chỗ thuộc nhóm nước nghèo nhất thế giới, nay đã sắp thoát ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp và đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong 63 năm chỉ có một nửa thời gian hòa bình; Việt Nam đã trải qua 3 cuộc khủng hoảng từ trong nước (trước năm 1995) và từ nước ngoài (năm 1997-1998 khủng hoảng khu vực khi Việt Nam vừa mới gia nhập ASEAN năm 1995 và năm 2001 khủng hoảng kinh tế Mỹ khi VN vừa mới ký Hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ), đang thoát khỏi cuộc khủng hoảng thứ tư xuất hiện cuối năm 2007 từ Mỹ.          

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.