Nghịch lý phí cầu đường

29/08/2008 10:32 GMT+7

Phí cầu đường qua trạm Định An (Lâm Đồng) tăng gấp đôi so với quy định chung toàn quốc khiến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải "kêu trời", nhưng chủ đầu tư vẫn than lỗ.

Phí cầu đường quá cao!

Từ đầu tháng 7.2008, được phép của UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty 7/5 đưa vào khai thác 15 km đường cao tốc Liên Khương - Prenn (Đà Lạt). Sau hơn một tháng "vận hành", các DN kinh doanh xe buýt và xe khách kiến nghị UBND tỉnh xem xét lại phí cầu đường qua trạm Định An nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN.

Ông Lưu Phúc Thông, Giám đốc Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt bức xúc: chưa đầy 20 km đường cao tốc hạng B, nhưng mỗi lượt xe khách qua trạm phải đóng 44 ngàn đồng/xe là quá cao, trong khi đường hầm Hải Vân có vốn đầu tư cao hơn nhiều cũng chỉ thu tăng gấp rưỡi so với quy định chung.

Ông Vũ Đình Tạo, Giám đốc Công ty CP ô tô vận tải Lâm Đồng than: kinh doanh xe buýt ở Lâm Đồng không được bù lỗ, bấy lâu nay công ty đã phải gồng mình trước tình hình giá xăng dầu, nay chịu thêm phí cầu đường tăng từ 8 - 12 lần cho các tuyến từ Đà Lạt đi Bảo Lộc, Đơn Dương, Đức Trọng. Ông Tạo lý giải: "Trước đây mỗi xe buýt chạy tuyến Đà Lạt- Đức Trọng qua lại trạm thu phí Liên Khương 6 lượt/ngày chỉ phải mua vé tháng 300 ngàn đồng/xe/tháng, nay Công ty 7/5 không bán vé tháng nên mỗi lượt qua trạm Định An phải trả 20 ngàn đồng, tính ra mỗi xe phải chịu 3,6 triệu đồng/tháng (chiếm hết 10% doanh thu), nếu tỉnh không thay đổi, sớm muộn chúng tôi phải ngưng hoạt động".

Ông Lưu Phúc Thông nói thực tế các tuyến xe buýt chỉ chạy trên đường cao tốc khoảng 2 km rồi rẽ qua QL 20 đông dân cư (để đón, trả khách). Mỗi tháng Công ty Phương Trang phải gánh thêm 100 triệu đồng phí cầu đường cho các tuyến xe buýt, trên 100 triệu đồng cho tuyến xe khách Đà Lạt - TP.HCM. Còn ông Lê Đức Thành (Công ty Thành Bưởi) cho rằng việc trạm Định An không bán vé tháng đã tạo thêm gánh nặng cho các nhà xe. "Các trạm khác được mua vé tháng 660 ngàn đồng/xe/tháng, nhưng ở đây, mỗi đầu xe chạy đều đặn ngày 2 lượt phải trả trên 2,6 triệu đồng/tháng cho trạm Định An", ông Thành bức xúc.

Một số nhà xe, tour du lịch bắt đầu ngại đến Đà Lạt khi phải trả 4 lần phí cầu đường cho tuyến đường 300 km từ TP.HCM đến Đà Lạt (riêng địa phận Lâm Đồng có đến 2 trạm thu phí: Bảo Lộc và Định An). Các chủ xe tải chở rau, hoa về TP.HCM cũng không đồng tình với mức phí cầu đường của trạm Định An, vì phí tăng thì cuối cùng nông dân là người gánh chịu.

Chủ đầu tư than lỗ

Đường cao tốc Liên Khương - chân đèo Prenn (Đà Lạt) bắt đầu từ Km 203+600 đến Km 222+820 quốc lộ 20, dài 19,2 km, do Công ty 7/5 (thuộc Quân khu 7) làm chủ đầu tư, thi công theo phương thức BOT. Đây là đường cao tốc hạng B, được thiết kế tốc độ 80 km/giờ, tổng vốn đầu tư trên 933 tỉ đồng, trong đó vốn BOT sau khi điều chỉnh, bổ sung đã tăng từ 377 tỉ đồng lên 626 tỉ đồng, thời gian thu phí lên tới 24 năm 7 tháng.

"Chúng tôi biết các công ty vận tải đang bức xúc, lãnh đạo tỉnh và chúng tôi cũng đang đau đầu, vì từ tháng 5.2008 lãi suất ngân hàng đột ngột tăng cao, khiến phương án thu phí qua trạm Định An được phê duyệt trở nên lạc hậu. UBND tỉnh và công ty chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ khó khăn. Chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh phương án để bán vé tháng cho xe buýt, nhưng trước mắt mong các doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn với Công ty 7/5"  Ông Huỳnh Văn Tài, Giám đốc công ty 7/5 phân trần

Ông Huỳnh Văn Tài, Giám đốc Công ty 7/5 cho rằng: "Dù đã được UBND tỉnh cho phép tăng mức thu phí lên gấp đôi, không bán vé tháng nhưng công ty vẫn đang chịu lỗ mỗi tháng trên 8 tỉ đồng". Ông Tài lý giải:  Với 626 tỉ đồng vốn vay để đầu tư, lãi suất 1,7% tháng, công ty phải trả lãi 10 tỉ 642 triệu đồng/tháng, nhưng hiện nay trung bình mỗi ngày chỉ có từ 2.500 - 2.600 lượt xe qua trạm, tính ra mỗi tháng công ty thu được khoảng 2 tỉ đồng (tháng 7 mùa cao điểm du lịch thu được 2,8 tỉ đồng), trong khi theo phương án tỉnh phê duyệt mỗi ngày phải thu được 3,5 tỉ đồng, trong đó trích ra 20% chi phí quản lý, bảo dưỡng. Sở dĩ việc thu phí qua trạm không đạt như kế hoạch là vì một lượng xe khá lớn chạy tuyến miền Trung, miền Bắc từ Đà Lạt đi theo đường mới 723 ra Nha Trang không qua trạm Định An.

Vấn đề đặt ra ở đây là UBND tỉnh Lâm Đồng làm sao giải quyết được bài toán, vừa bảo đảm cho chủ đầu tư có lãi nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống người dân cùng các DN khác khi sử dụng cơ sở hạ tầng giao thông? 

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.