Theo Tổng cục Thống kê, trong số 349.309 doanh nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới gần 94%, chiếm trên 50% tổng số lao động, và nộp 17,64% tổng ngân sách thu từ các doanh nghiệp. Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)- cho biết: “Hiện có tới 70% số DNNVV đang gặp khó khăn, trong đó có khoảng 20% là rất khó khăn”. Theo ông Kiêm, nếu không tiếp cận được vốn và tình hình xấu đi thì 20% số doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn sẽ có nguy cơ phá sản.
Vay vốn ngân hàng khó, nhiều doanh nghiệp quay sang huy động vốn từ thị trường chứng khoán nhưng kênh này cũng... kẹt. Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, 8 tháng năm 2008, nguồn vốn huy động của doanh nghiệp trên thị trường này chỉ tương đương 20% so với năm 2007 (năm 2007 số vốn huy động qua thị trường chứng khoán khoảng 90.000 tỉ đồng).
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “DNNVV chỉ chịu được mức lãi suất 15%/năm, chỉ ở mức lãi suất này thì doanh nghiệp mới bù đắp được chi phí”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, mức lãi suất trên là không thể.
Lãi suất cho vay cao nhưng thực ra không phải vì ngân hàng hưởng lãi nhiều. Điều tra của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho thấy, trong tháng 7, chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào của các ngân hàng chỉ khoảng từ 0,1% đến 0,15%, trong khi đó, chi phí các loại chiếm 0,29%. Để bù đắp, các ngân hàng phải tăng cường phát triển các dịch vụ.
Trong thời gian tới, các DNNVV có thể gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn, vì bản thân các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều vấn đề cần giải quyết. Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Dương Thu Hương cho biết: “Xu thế năm nay đang ngược với những năm trước, khi cùng kỳ năm trước nguồn vốn huy động tăng trên 23,8% thì 8 tháng năm 2008 nguồn vốn huy động chỉ tăng trên 10%. Hoạt động ngân hàng đang đứng trước mâu thuẫn giữa việc phục vụ cho sự tăng trưởng nhưng phải đảm bảo an toàn trong điều kiện lạm phát”.
Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận định: “Những diễn biến bất thường của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ có thể tác động lên tâm lý các nhà đầu tư khiến họ muốn chuyển các khoản tiền tiết kiệm ra vàng hoặc các ngoại tệ ổn định. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng rút tiền gửi đột biến ở một số tổ chức tín dụng khiến cho tình hình thanh khoản ở các ngân hàng thương mại khó khăn”.
Ông Đỗ Tất Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam lên tiếng: “Doanh nghiệp nhất loạt đòi giảm lãi suất cho vay, càng thấp càng tốt nhưng nếu giảm lãi suất cơ bản để giảm lãi suất cho vay thì sẽ ngược mục tiêu chống lạm phát. Ngân hàng thương mại chấp nhận giảm lãi suất cho vay vì cứu doanh nghiệp nhưng cũng không thể hạ thấp mãi mà phải đảm bảo có chênh lệch đầu ra, đầu vào”.
Ông Lý Đình Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV kiến nghị, Chính phủ nên dành một khoản vốn cho vay. Cùng với đó là cải cách chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc hình thành Quỹ phát triển DNNVV, thúc đẩy sự ra đời của các quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ bảo hiểm cho các DNNVV.
Xuân Toàn
Bình luận (0)